Trợ lý trọng tài video (VAR) đầy rẫy tranh cãi, tuyển Việt Nam có thể chịu thiệt vì nó

ANH TÚ, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 22/01/2019

VAR, khái niệm tưởng chừng công bằng nhất hóa ra cũng lại chông chênh nhất. Giữa cán cân đúng-sai, người quyết định suy cho cùng vẫn là trọng tài. Và ở các giải đấu lớn, kể cả World Cup, nhiều đội bóng nhỏ đã chịu không ít thiệt thòi vì chính VAR.

VAR là tên viết tắt của tổ trợ lý trọng tài video (Video Assistant Referee). Nói cách khác, đây là một tổ trợ lý trọng tài sử dụng công nghệ video để hỗ trợ trọng tài chính. Công nghệ này được sử dụng nhằm giúp các trọng tài bóng đá có thể đưa ra những quyết định chính xác nhất trong những tình huống gây tranh cãi.

Chỉ cần nghe đến từ "công nghệ", chắc nhiều người sẽ nghĩ đến khái niệm "tuyệt đối". Bởi công nghệ gần như luôn đúng chứ không sai. VAR cơ bản là vậy. Tuy nhiên, lỗ hổng trong sự "tuyệt đối" của nó vẫn còn.

Cần nhớ, "trọng tài video" nhất nhất phải nghe theo sự chỉ đạo của trọng tài chính. Chỉ khi vị vua áo đen trên sân quyết định xem video, VAR mới vào cuộc. Và dùng thế nào, phán quyết ra sao vẫn là ở trọng tài chính. Tức là, cán cân đúng-sai của VAR không hề cân bằng, nó vẫn phải chịu sự phán xét từ một cá nhân.

Công bằng nhưng không cân bằng

Điều này tạo nên những tình huống "cảm tính" rất con người. Như kỳ World Cup 2018 vừa qua chẳng hạn. Đây là lần đầu tiên VAR được áp dụng ở một giải đấu chính thức. Bên cạnh những lời khen ngợi, nó cũng để lại không ít tranh cãi gay gắt về tính công bằng. Và theo một cách khó hiểu nào đó, VAR dường như luôn ưu tiên các đội bóng lớn hơn các đội nhỏ.

Ở trận đấu Nigeria đối đầu với Argentina tại lượt trận cuối vòng bảng,"đại bàng xanh" không được hưởng phạt đền dù Marcos Rojo để bóng chạm tay trong vòng cấm. Cần nhớ, đây là trận đấu mà Messi cùng các đồng đội rất cần 3 điểm để đi tiếp vào vòng knock-out.

Trợ lý trọng tài video (VAR) đầy rẫy tranh cãi, tuyển Việt Nam có thể chịu thiệt vì nó  - Ảnh 1.

Ronaldo thoát ăn thẻ đỏ dù trọng tài đã dùng VAR.

Một trận đấu khác khiến VAR bị công kích dữ dội là khi Iran đối đầu với Bồ Đào Nha. Ronaldo ngã rất khéo trong vòng cấm và được trọng tài chính quyết định thổi penalty sau khi xem video. Tuy nhiên, cũng với VAR, vị vua áo đen lại chỉ tặng CR7 1 tấm thẻ vàng sau pha giật chỏ vào mặt Morteza Pouraliganji (Iran). Nếu công tâm hơn, ngôi sao của nhà vô địch Euro 2016 xứng đáng lĩnh thẻ đỏ rời sân.

"VAR quá thiếu minh bạch. Theo luật, giật chỏ đối phương xứng đáng bị thẻ đỏ, đâu quan trọng đó là Ronaldo hay Messi. Chúng tôi cần biết điều gì đang xảy ra nhưng không ai cho tôi xem lại pha bóng đó", HLV Iran Carlos Queiroz bức xúc phát biểu sau trận.

Thậm chí, VAR từng bị cầu thủ của Morocco chửi là "rác rưởi" sau khi trọng tài chính hủy bỏ quyết định ban đầu, công nhận bàn thắng phút 90 cho Iago Aspas. Bàn thua này khiến trận đấu kết thúc với tỷ số 2-2 còn Morocco phải cay đắng rời giải sau khi chỉ giành được 1 điểm.

Có những lợi ích mờ ám?

Chuyện những đội bóng nhỏ bị "đì" ở các giải đấu lớn không phải hiếm gặp. Dù muốn hay không cũng không thể phủ nhận nếu Morocco hay Iran lọt vào knock-out sẽ chẳng mấy ai quan tâm. Nhưng khi có Ronaldo, có các cầu thủ Tây Ban Nha, mọi thứ lại là một câu chuyện khác.

Bóng đá không đơn thuần chỉ là trò chơi của 22 cầu thủ dưới sân. Nó còn liên quan nhiều đến lợi ích kinh tế cho các đài truyền hình hay ban tổ chức giải. Vì vậy, nếu một đội bóng lớn đi tiếp, những giá trị ăn theo cũng được tăng lên rất nhiều. Chẳng ai khẳng định được có thế lực nào đứng sau những quyết định của trọng tài hay không, nhưng có những thứ bằng mắt thường chúng ta cũng đã thấy rõ.

Trợ lý trọng tài video (VAR) đầy rẫy tranh cãi, tuyển Việt Nam có thể chịu thiệt vì nó  - Ảnh 2.

Có những lợi ích ngầm đằng sau cuộc chơi của 22 cầu thủ?

Như đã nói ở trên, VAR suy cho cùng vẫn mang nhiều cảm tính của người cầm còi. Thực tế, không ít lần những vị vua áo đen đã đưa ra nhiều quyết định "có mùi".

Gần 10 năm trước, Chelsea từng bị Barcelona loại tức tưởi khỏi bán kết Champions League do trọng tài chính bỏ qua ít nhất 3, 4 quả penalty hợp lệ mà The Blues xứng đáng được hưởng. Cần nhớ, 1 năm trước đó, giải đấu số một châu Âu cấp CLB đã chứng kiến trận chung kết toàn Anh giữa Chelsea và Manchester United. Trước khi đội chủ sân Stamford Bridge bước vào trận bán kết lượt về với Barcelona, Quỷ đỏ đã giành tấm vé đến trận đấu cuối cùng.

Nếu hôm ấy, Chelsea giành chiến thắng, trận chung kết toàn Anh sẽ được lặp lại. UEFA có lẽ không muốn điều đó.

Nhưng ĐT Việt Nam hãy cứ ngẩng cao đầu chiến đấu

Thử thách mang tên Nhật Bản thực sự rất khó nhằn. Nhưng với màn trình diễn quả cảm từ đầu giải đến giờ, chẳng lý do gì người hâm mộ lại không thể mơ về một kỳ tích nữa của "Những chiến binh sao vàng". 

Chúng ta, so về bề thế hẳn sẽ bị đánh giá thấp hơn và kém hấp dẫn hơn các cầu thủ đến từ xứ mặt trời mọc. Liệu Việt Nam có chịu chung quy luật nghiệt ngã mà VAR đã gây ra cho các đội bóng nhỏ như World Cup 2018? Không ai có thể nói trước được. 

Trợ lý trọng tài video (VAR) đầy rẫy tranh cãi, tuyển Việt Nam có thể chịu thiệt vì nó  - Ảnh 3.

Nhưng dù có hay không được hưởng lợi từ VAR, ĐT Việt Nam vẫn sẽ chơi hết mình vì màu cờ sắc áo.

Nhưng có vinh quang nào trải đầy hoa hồng? Chúng ta có thể thua thiệt về sức mạnh. Chúng ta cũng có thể thua thiệt về thể chất. Nhưng không bao giờ, các cầu thủ Việt Nam chịu khuất phục ai về mặt tinh thần. Ở trận đấu tới đây, dù được VAR ủng hộ hay không, dù thắng hay thua trước ĐT Nhật Bản, các chàng trai của chúng ta cũng sẽ chiến đầu hết mình vì lá cờ đỏ sao vàng trước ngực.

Cứ đá "chết bỏ" đi các anh, bởi đi đến đây thôi, người hâm mộ cả nước cũng tự hào lắm rồi...