Mất tiền mà đi mua nhục
Vừa kiếm được cái bàn ngồi, khách hàng vẫn chưa kịp ấm chỗ thì bỗng một giọng nói khét lẹt vang lên: "Gọi cái đ* gì mà gọi. Bảo thằng nhà quê đây không có sườn 20 nghìn nhá... M* thằng nhà quê!".
Video: Bà chủ quán 'bún chửi' Ngô Sĩ Liên miệt thị khách hàng
Ngẩng mặt lên nhìn, giọng nói khét lẹt cộng với thân hình phương phi của bà chủ khiến khách mới vào quán lần đầu thất kinh. Khách định chuồn luôn khỏi quán nhưng nghĩ tiếc bát bún vừa gọi nên cố gắng ngồi lại ăn. Kể cả trả tiền mà không ăn, chắc chắn khách cũng không thể nào bình yên bước ra khỏi quán.
Ngồi ăn chưa đến 20 phút, khách hàng đã lĩnh hội đủ "tinh hoa văn hóa" của bà chủ quán bún chửi nổi tiếng. Người đàn ông trung niên đầu tiên ăn xong bước ra trả tiền, mặt bà chủ bắt đầu cau có: "Đã bảo là hết 40 nghìn, điếc à mà không nghe thấy?". Người đàn ông im lặng, nhịn nhục trả tiền rồi vội vàng đi khuất.
Cậu thanh niên vừa mới bước vào, không biết vô tình hay hữu ý gọi: "Cho cháu bát bún lòng". Còn chưa kịp dứt câu thì cái giọng khét lẹt quen thuộc của bà chủ quán chèn ngang họng: "Ở đây không có bún lòng. Về nhà mày tự nấu mà ăn nhá!".
Mặc dù rất đói nhưng tôi không tài nào cảm nhận được vị ngon của món ăn Hà thành mới "nổi đình nổi đám" trên truyền hình CNN. Văng tục, chửi bậy, miệt thị khách hàng... là tất cả những gì tôi nhìn thấy trong bát bún có giá 40 ngàn đồng ở Ngô Sĩ Liên.
"Sao mặt mày buồn thế? Không ăn đi còn nhìn cái gì? Không nuốt nổi à? Đi ăn mà mặt cứ như đâm lê...", bà chủ quán dồn một hơi dài chửi thực khách.
Thấy khách vẫn chưa đủ nhục, bà chủ tiếp tục: "Bát bún 40 nghìn còn gì nữa. Mặt như mất sổ đỏ ý. Không ăn được thì biến. Ăn thì ngồi đến cả tiếng đồng hồ. Buồn à, buồn à, không có đ* thằng nào * à? Con điên...!".
Gọi cái đ* gì mà gọi. Bảo thằng nhà quê đây không có sườn 20 nghìn nhá... M* thằng nhà quê!
Bà chủ quán bún vô văn hoá nổi tiếng lên CNN trên đường Ngô Sĩ Liên (Hà Nội)
Đến đây, tôi không thể nuốt nổi thứ bún chửi này nữa. Đúng là dại, tự nhiên lại mất tiền đi mua nhục. Lúc này, tôi không tiếc tiền mua bát bún mà chỉ tiếc vì đã phải ăn thứ văn hóa "bẩn thỉu" như vậy. Khách vội vàng trả tiền rồi chuồn khỏi tầm mắt của bà chủ sau những lời miệt thị kinh hoàng ấy.
Nuốt sao nổi thứ văn hóa "bẩn thỉu"?
Miếng ăn miếng nhục, "thưởng thức" xong bát bún chửi ở Ngô Sĩ Liên làm tôi chợt nghĩ đến nhân vật cái Tí - con chị Dậu trong tiểu thuyết "Tắt Đèn" của nhà văn Ngô Tất Tố. Trong trích đoạn "Con có thương thầy thương u", cái Tí vì đói mà đành nhẫn nhịn bốc từng hạt cơm chó ăn trước sự sỉ vả của vợ chồng Nghị Quế.
Cái Tí đói nên phải nhẫn nhịn trước quyền uy của vợ chồng Nghị Quế đã đành, chẳng lẽ những người tìm đến bún chửi Ngô Sĩ Liên cũng "đói" đến mức có thể chấp nhận sự thóa mạ của bà chủ để có được miếng ăn? Suốt quãng đường về tôi vẫn ám ảnh vì những lời miệt thị của bà chủ quán "bún chửi" dành cho khách.
Người có lòng tự trọng không đời nào bước chân vào quán 'bún mắng, cháo chửi' vô văn hoáBà ta coi miếng ăn của mình còn quan trọng hơn danh dự của người khác. Không cần phân biệt lớn bé, bà ta tìm mọi lý do để chửi bới, miệt thị khách hàng, những người đáng ra phải được chăm sóc như "thượng đế".
Tôi không hiểu tại sao thứ văn hóa "bẩn thỉu" này lại trở thành niềm tự hào của nhiều người khi nhắc đến ẩm thực Hà Nội?
Người xưa có câu: "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" là muốn ngầm nói về nét văn hóa duyên dáng của người Hà Nội. Nếu bún chửi Ngô Sĩ Liên vẫn được nhiều người tự hào và tôn vinh thì có lẽ văn hóa của người Tràng An đang xuống cấp nghiêm trọng quá!
"Bản chất của con người này là vô văn hoá. Tôi xem trên VTV và VTC thấy bà ấy cười nhoẻn miệng nụ cười rất dễ cảm thông, còn nói rằng sẽ thay đổi. Tôi đến ăn thử xem thái độ bà ấy như thế nào. Hoá ra bà ta vẫn vậy, thậm chí còn vô văn hoá, còn hạ nhục khách nhiều hơn. Tôi sẽ tẩy chay cái quán vô văn hoá và loại người vô học này," một thực khách nam là công chức không muốn công khai danh tính hết sức bức xúc sau khi từ quán đi ra.
Trong một bài báo trước của chúng tôi, bà chủ quán bún có hứa sẽ không chửi bới khách nữa. Giờ thì tôi không tin điều đó, bởi chửi và sỉ nhục người khác nó đã trót ăn sâu vào từng tế bào trên cơ thể bà. Tôi thề là sẽ không bao giờ quay trở lại quán bún chửi Ngô Sĩ Liên thêm bất cứ một lần nào nữa.
Thế nhưng, "thiếu mợ thì chợ vẫn đông", nhìn cái cảnh người ta chen chúc nhau vào quán bún chửi mới thấy vẫn còn nhiều người dung dưỡng cho thứ văn hóa "bẩn thỉu" này. Và đương nhiên, khách càng tới đông, bà chủ quán càng có cơ hội thăng hoa hơn trong sự nghiệp "chửi ăn tiền" của mình.