Hà Nội "tuyên chiến" với nạn chửi bậy, 2 bà chủ "bún mắng, cháo chửi” nổi tiếng nói gì?

, Theo Trí Thức Trẻ 23:59 23/06/2015

Hai bà chủ "bún mắng, cháo chửi" trứ danh ở Hà Nội tuy có cười xoà mà thừa nhận "thói quen nói tục có lâu rồi, khó bỏ", nhưng cũng cho rằng không thể vì chuyện nói tục mà đánh giá nhân cách con người.

Vốn “mang tiếng” ở Hà Nội, quán bún “mắng” của bà Hán Kim Thảo (60 tuổi, ở phố Ngô Sỹ Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) lúc nào cũng tấp nập khách. Thực khách vừa bước vào quán, bà chủ hỏi như quát: “ăn bún gì, tìm chỗ ngồi đi, ăn xong rồi thì biến…” thế nhưng ai ai cũng lặng lẽ tìm cho mình chỗ ngồi, thưởng thức món ngon rồi lại im lặng mà đi.

Dù bị mắng xơi xơi nhưng quán bún trên phố Ngô Sỹ Liên vẫn tấp nập khách.

Bà Thảo chia sẻ về quán bún của mình.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Thảo cho biết, quán bún được bà mở từ cách đây hơn 30 năm, khi bà còn rất trẻ. Có lẽ vì có bí quyết nấu ăn ngon nên quán của bà mỗi ngày một đông và mở cửa từ sáng đến 19h tối, lúc nào khách cũng ra vào tấp nập.

Bún lưỡi của bà Thảo có vị ngọt của lưỡi heo ninh, mùi thơm của lưỡi vừa chín đến độ vẫn dẻo mà lại không dai, màu nước bún đỏ dịu của cà chua... nên dù giá bán không rẻ và có giá 40 nghìn đồng một bát vẫn đông khách.

Bát bún đầy đủ thơm ngon được nhiều người ưa thích.

Dọc mùng làm cho tô bún thêm ngon ngọt.

Màu nước bún đỏ dịu của cà chua.

Thế nhưng bún lưỡi không nổi tiếng bởi hương vị mà yếu tố tạo nên “thương hiệu” cho quán chính là thái độ phục vụ của chủ quán và nhân viên “độc, dị” khi liên tục quát mắng khách. Tuy nhiên, cả 2 tầng của ngôi nhà chật kín ghế ngồi, có lẽ vì “quen bị mắng” nên ai ai cũng cười đùa và coi như không có chuyện gì.

“Tính tôi sớm nắng chiều mưa tối bão, nên những lúc nóng giận thì có quát tháo, mắng chửi khách hàng. Làm nghề này không khác gì làm dâu trăm họ nên hầu như việc chế biến để hợp miệng khách tôi phải tự tay làm hết. Mỗi ngày quán tiếp cả trăm lượt khách ra vào, có lúc bực tức trong người nên nói hơi nặng lời, đó là tính cách của tôi rồi nhưng bụng dạ không có ý gì cả. Khách đến ăn toàn khách quen nên hầu như ai cũng hiểu và thông cảm”, bà Thảo chia sẻ.

Theo một nhân viên bán hàng cho biết: “Hôm nay có lẽ vì mát trời nên bà ấy không nói gì chứ đôi lúc bực tức bà mắng khách xa xả nhưng không có ác ý gì nên mọi người cũng tỏ ra bình thường”.

Quá quen thuộc nên việc bị "nghe chửi" diễn ra như một việc rất bình thường ở quán bà Thảo.

Bún lưỡi ngon ngọt được nhiều người ưa thích.

Là khách thường xuyên ghé vào quán bún của bà Thảo, chị Nguyễn Thị Mai, nhân viên một công ty ở đường Tôn Đức Thắng cho biết: “Tôi thường vào quán này ăn trưa, ở đây hương vị của bát bún rất ngon, vừa miệng. Thời điểm mới vào quán, nghe bà ấy mắng mỏ khách tôi thấy không vừa ý nhưng sau đó mọi người cũng cười đùa bình thường, bà ấy lại nói chuyện vui vẻ nên đâm ra quen và thường xuyên lui tới”.

Tuy nhiên, chị Mai cũng chia sẻ: “Việc quán chửi này với người dân "quen tiếng" rồi không sao nhưng với những vị khách ở nơi khác đến Hà Nội thì gây ác cảm không tốt nên cũng cần phải sửa, dù sao khách hàng cũng phải được tôn trọng, không nên gây phản cảm nhất là đối với du khách”.

Quán cháo "chửi" trên phố Nhà Thờ.

Không thua kém gì bún “mắng” Ngô Sĩ Liên, cháo “chửi” Nhà Thờ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng nổi danh hàng chục năm nay. Tâm sự về biệt danh quán cháo “chửi” đã thành thương hiệu, bà Vũ Kim Ngọc (61 tuổi) cho biết, khoảng vài năm về trước khi hàng quán ở Hà Nội còn ít, cháo gà của mẹ bà là bà Mỹ (79 tuổi) rất ngon nên dù bán hàng rong nhưng quán vẫn luôn chật kín người, thậm chí phải đứng ăn.

“Tôi nhớ, thời điểm đó có tối gia đình tôi bán khoảng hơn 500 bát cháo, hơn 50kg chân gà luộc… khách cứ ra vào tấp nập chật cứng. Mẹ tôi có lúc bực tức, khách hỏi nhiều quá nên dù vẫn còn cháo nhưng vẫn bảo đi đi, hết cháo rồi hay bảo khách tự tìm chỗ mà ngồi thậm chí còn nói ăn rồi thì biến… nhưng rất ít chủ yếu là mắng con cái và nhân viên thôi”, bà Ngọc cho hay.

Quán "cháo chửi" nổi tiếng Hà Nội vẫn thu hút rất đông thực khách mỗi ngày.

Theo bà Ngọc: “Việc người nói bậy đôi khi chưa phản ánh đúng bản chất của người đó. Đôi khi bực tức có thể khiến người ta có những thói quen chưa chuẩn và văng một vài câu nói tục, cái đó thì cũng nên sửa và phải sửa. Nhưng với bà nhà tôi (bà Mỹ, chủ thương hiệu cháo bà Mỹ nổi tiếng Hà Nội) thì đó là thói quen quá lâu năm rồi thì khó lòng sửa được”.

Đưa ra quan điểm về đề xuất xử lý việc nói tục, chửi bậy nơi công cộng, bà Ngọc cho biết:“Dù đưa ra rất nhiều quy định nhưng nhiều quy định khó thực hiện được. Theo tôi, để giảm được việc nói tục, chửi bậy thì ngay từ nền giáo dục cũng phải thay đổi, cái đó mới là cái cần phải làm, còn quy định đó tôi nghĩ nó không thiết thực, không thực tế… Nếu chỉ đề xuất để trưng biển, nhưng không thực hiện được thì thà không đề xuất còn hơn” .

Cháo "chửi" từng nức tiếng nhiều người dân Hà Thành.

“Muốn không có việc nói tục chửi bậy, việc đầu tiên là do nhận thức con người, ngay ở trong nền giáo dục đã phải thay đổi. Nếu như xung quanh ta sống toàn những người văng tục chửi bậy, thì làm sao chúng ta có thể tránh được.”, bà Ngọc cho biết thêm.

Được biết, mới đây Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã giao Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch, Sở Giáo dục - Đào tạo và UBND các quận huyện, thị xã kiểm tra, xem xét, có biện pháp xử lý nhằm hạn chế cao nhất những hành vi thiếu văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội.

Việc yêu cầu chấn chỉnh văn hóa ứng xử nêu trên là do gần đây TP tiếp nhận những thông tin báo chí phản ánh một bộ phận các bạn trẻ là học sinh trung học, các ca sĩ, người dẫn chương trình... có những lời nói thô tục, những ứng xử không văn hóa nơi công cộng.

Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội có chỉ đạo chấn chỉnh văn hóa ứng xử trong nhà trường và ngoài xã hội. Từ cuối năm 2014, theo chỉ đạo của UBND TP, Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch Hà Nội đã tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến xây dựng “hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư TP Hà Nội” dự kiến ban hành trong năm 2015.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng, thực hiện được điều này rất tốt nhưng TP Hà Nội đang lúng túng khi thực hiện. Việc xác định thế nào là nói tục, chửi bậy cũng rất khó. Chẳng hạn, những lời lẽ miệt thị, “mát mẻ” kiểu chủ quán bún chửi trên đây, có thể coi là nói tục, chửi bậy không?

Một số chuyên gia cho rằng, thực hiện điều này không hề dễ dàng bởi muốn thực hiện được văn bản không mang tính bắt buộc thì phải có điều kiện kèm theo và người thực hiện nó như thế nào.

“Chúng ta cần có quy định ở nơi công cộng, trong cơ quan và các nhà trường, thậm chí ra chế tài để xử lý. Tuy nhiên, quan trọng hơn là việc tuyên truyền, tác động đến nhận thức của mọi người để hiểu được lời ăn tiếng nói và các hành vi”, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày