Trở lại “làng tỷ phú đồng nát” sau vụ nổ đầu đạn kinh hoàng cách đây 2 tháng

Trần Hằng, Theo Công an nhân dân 13:10 04/03/2018
Chia sẻ

Sau 2 tháng vụ nổ làm 2 người chết, nhiều người bị thương, 217 hộ dân bị ảnh hưởng tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh), chúng tôi trở lại làng tỷ phú đồng nát.

Vừa đến đầu xã, từng cột khói do đốt rác và cô đúc nhôm kim loại màu bốc lên nghi ngút, mùi khét lẹt xông lên khiến bầu không khí ô nhiễm đặc quánh.

Đi sâu vào trong xã không còn cảnh phế liệu tập kết nhiều ven đường như trước, hơn 400 hộ kinh doanh phế liệu đang được rà soát, kiểm tra. Làng nghề nằm trong khu dân cư nhưng nguồn nước chữa cháy tại chỗ vô cùng khó khăn do không có hồ chứa nước.

Chưa có tiền làm nhà mới

Thôn Quan Độ, xã Văn Môn sau 2 tháng xảy ra vụ nổ kinh hoàng, cuộc sống của người dân đã gần như bình thường trở lại. Một số ngôi nhà bị đạn nổ làm thủng tường, thủng mái, đổ tường đã được sửa chữa để đón Tết. Nhưng bên cạnh đó, một số hộ bị hư hỏng nặng từ vụ nổ vẫn còn để nguyên hiện trạng chờ qua rằm tháng Giêng sẽ khắc phục.

Từ đầu thôn Quan Độ, khi hỏi về vụ nổ, người dân ở đây vẫn còn chưa hết bàng hoàng. Với họ, làng nghề đồng nát mang lại cuộc sống sung túc cho nhiều gia đình, là nghề kiếm cơm và cũng là kinh tế chủ lực của địa phương.

Ở Văn Môn xuất hiện nhiều tỷ phú, nhà lầu, xe hơi không kém gì các khu đô thị. Nhưng hơn ai hết, họ là người cảm nhận rõ ràng nhất về những rủi ro và nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường trầm trọng khi hàng nhìn tấn phế liệu, sắt thép hoen gỉ tàng trữ ngay tại gia đình.

Chưa hết, Văn Môn còn là làng nghề truyền thống cô đúc nhôm. Ô nhiễm từ khói bụi, từ nguồn nước khi hàng tấn chất độc hại thải ra môi trường đã vắt kiệt sức khỏe của con người hàng chục năm qua.

Mới đây, Viện Sức khỏe nghề nghiệp môi trường đã về khám, kiểm tra sàng lọc sức khỏe cho 400 người dân làng nghề, tuy kết quả chưa có nhưng lo lắng về bệnh tật do hằng ngày hít thở và sống trong ô nhiễm luôn đeo bám.

Trở lại “làng tỷ phú đồng nát” sau vụ nổ đầu đạn kinh hoàng cách đây 2 tháng - Ảnh 1.

Phế liệu vẫn tập kết ở ven đường đi.

Sau vụ nổ kinh hoàng khiến 2 người tử vong, nhiều người bị thương, 217 hộ dân bị ảnh hưởng cách đây 2 tháng, người dân vẫn nơm nớp khi "quả bom" trong dân cư vẫn là ngòi nổ báo động bất cứ lúc nào.

Khung cảnh tan hoang vẫn còn nguyên vẹn tại 5 gia đình quanh hiện trường vụ nổ. Đường đi được dọn dẹp sạch sẽ, nhưng những ngôi nhà đổ nát tan hoang. Vật liệu, gạch ngói chất đống vẫn nguyên như cũ.

Ngôi nhà 2 tầng của vợ chồng anh Đặng Đình Tiến vẫn còn trơ lại đống đổ nát. Sau khi người con gái hiếm muộn chạy chữa 10 năm mới có ra đi vì vụ nổ, mỗi khi nhìn thấy căn nhà hoang tàn vợ chồng anh lại càng thêm đau đớn. Ngôi nhà sau nhiều năm tích cóp nay đổ nát, vợ chồng anh về ở nhờ nhà bố mẹ vợ, đến giờ cũng chưa có tiền để xây lại nhà mới.

Nằm bên cạnh là ngôi nhà của gia đình anh Nguyễn Văn Lợi cũng bị đạn làm đổ sập hoàn toàn, hiện cũng không có tiền để dựng lại nhà mới, buộc phải chuyển đến ở nhờ nhà anh trai. Ngôi nhà ông Nguyễn Văn Tiến, chủ cơ sở thu mua phế liệu bị khởi tố về hành vi “tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng” bị san phẳng sau vụ nổ đến nay cũng chỉ còn trơ lại nền đất.

Theo ông Nguyễn Hoàng Gia, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Môn thì sau khi lực lượng công binh bàn giao mặt bằng, xã đã giải quyết san lấp cho nhân dân yên tâm, một số nhà hỏng nặng và khó khăn về chỗ ở đã sửa chữa cho người dân trong Tết để kịp thời đón Tết, còn lại ra ngoài rằm tháng Giêng sẽ tiếp tục sửa chữa và xây dựng.

Có 217 hộ gia đình bị thiệt hại từ nặng đến nhẹ, UBND huyện Yên Phong đã ra quyết định hỗ trợ với số tiền khoảng 420 triệu đồng. Riêng hộ anh Nguyễn Văn Lợi và Đặng Đình Tiến xã vừa lập hồ sơ xác nhận hộ nghèo và đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan ủng hộ giúp đỡ họ xây nhà. “Khi xây dựng chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ kinh phí thu dọn vật liệu xây dựng cho 2 hộ này”- ông Gia cho biết.

Cần sớm di chuyển làng nghề ra khu tập trung

Từ đầu thế kỷ XX, Văn Môn đã bắt đầu cô đúc nhôm, sau đó người dân đi khắp nơi thu gom phế liệu từ “thượng vàng hạ cám” về kinh doanh buôn bán và trở thành làng nghề truyền thống ở huyện Yên Phong. Văn Môn có 3.000 hộ, trong đó 80% là kinh doanh, buôn bán. Cả xã có trên 500 hộ làm nghề thu gom buôn bán phế liệu và cô đúc nhôm.

Sau vụ nổ, “Công an xã tuần tra kiểm soát phát hiện 5 đầu đạn pháo dài 58cm x đường kính 15,7cm; nhân dân giao nộp gần 10kg đạn do vụ nổ gây nên; 2 quả lựu đạn còn nguyên kíp nổ”- ông Bùi Đức Thuyên, Trưởng Công an xã Văn Môn cho biết.

Vấn đề đặt ra là công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở Văn Môn như thế nào để người dân không còn tái vi phạm khi ngay cả chính quyền xã cũng không dám khẳng định 100% người dân Văn Môn không thu thập đầu đạn, chất cháy nổ về kinh doanh.

Dù là làng nghề nhưng Văn Môn chưa có nơi sản xuất tập trung mà xen kẽ trong khu dân cư, đây là vấn đề rất nguy hiểm khi cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Theo quan sát của chúng tôi, vấn đề lớn nhất đặt ra với Văn Môn hiện nay là ô nhiễm môi trường và nguy cơ cháy nổ cao khi nguồn nước cho chữa cháy tại chỗ không có.

Theo Trưởng Công an xã Văn Môn – Bùi Đức Thuyên thì đây là vấn đề rất khó khăn do ao hồ ít. Đặc biệt là Văn Môn chưa có hồ chứa nước PCCC. Quỹ đất dành cho xây hồ chưa có nên dù đã có kiến nghị xây hồ chứa nước nhưng cũng chưa được xem xét. Công an xã được trang bị dụng cụ và phương tiện PCCC tại chỗ là những bình bọt, nhưng sẽ không ăn thua khi có cháy nổ xảy ra.

Đặc biệt là Văn Môn hiện nay mới chỉ có đa số các hộ kinh doanh lớn và cơ sở có nguy cơ cháy nổ trên địa bàn đã lập xong hồ sơ PCCC. Vậy còn các cơ sở nhỏ thì sao?

Được biết, UBND huyện Yên Phong đang chỉ đạo tổng kiểm tra rà soát hơn 400 hộ kinh doanh phế liệu. Nhưng nếu không được kiểm soát gắt gao, không có chính sách giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường thì hậu quả vẫn xảy ra.

Theo ông Nguyễn Hoàng Gia thì Văn Môn là xã chưa về đích nông thôn mới vì ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết. Biện pháp trước mắt là xã cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất việc để hàng hóa phế liệu bừa bãi.

“Văn Môn đã làm xong quy hoạch Cụm công nghiệp làng nghề thôn Mã Xá rộng trên 30ha. Hiện đang giải phóng mặt bằng, đã đền bù được khoảng 90%, sẽ di chuyển toàn bộ các hộ làng nghề cô đúc nhôm, kinh doanh kim loại mầu ra cụm công nghiệp để giảm thiểu tác hại ô nhiễm môi trường”.

Thiết nghĩ, Văn Môn còn trên 400 hộ kinh doanh phế liệu, cần phải đưa ra khu quy hoạch công nghiệp làng nghề tập trung để tránh ô nhiễm môi trường và cháy nổ ngay tại chính khu dân cư sinh sống.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày