Triết gia khẳng định: "Người thông minh có 2 đặc điểm"

Diệu Đan, Theo Phụ nữ số 14:00 07/11/2023
Chia sẻ

Trong mắt bạn, những người có IQ cao thường sẽ trông như nào? Đối với vấn đề này, mỗi người đều sẽ có một góc nhìn riêng.

Một số người cho rằng muốn biết mức độ thông minh của một người rất đơn giản, chỉ cần bảo họ làm bài kiểm tra IQ là sẽ rõ. Nhưng cũng có một số người nghĩ ngược lại, họ cho rằng mức độ thông minh của một người không chỉ dựa trên IQ, mà còn dựa trên độ khéo léo và sâu sắc trong tư duy của họ. Một người thực sự thông minh phải biết nhìn rõ bản chất của con người, nhưng cũng phải biết công nhận những mặt tốt của người khác, không tự đặt mình vào tình thế bất lợi.

Nhà triết học người Trung Quốc, Châu Quốc Bình cũng đưa ra quan điểm của riêng mình. Ông cho rằng để đánh giá mức độ thông minh của một người là cao hay thấp, điều đó chủ yếu phụ thuộc vào việc người đó có 2 điều này hay không.

Triết gia khẳng định: Người thông minh có 2 đặc điểm - Ảnh 1.

1. Sự tò mò

Nghe đến đây có lẽ sẽ có rất nhiều người không đồng tình. Họ sẽ cho rằng tính hiếu kỳ thì ai ai cũng có. Nếu sự tò mò cũng có thể là một tiêu chí để đánh giá trí thông minh của một người, thì chẳng phải nói, ai cũng thông minh hết rồi sao.

Nhưng sự thật có phải như vậy không?

Sự tò mò thật ra là một phần của bản chất con người. Từ quan điểm của tâm lý học hiện đại, sự tò mò đề cập đến một động lực tâm lý bắt nguồn từ cá nhân và thúc đẩy mọi người tìm kiếm, thu thập thông tin về các vấn đề mà họ quan tâm.

Trong thời thơ ấu, mọi đứa trẻ đều có một sự tò mò mạnh mẽ về thế giới xung quanh. Chúng hỏi cha mẹ tất cả các loại câu hỏi. Ví dụ, con được sinh ra như thế nào? Tại sao mặt trời lại mọc? Rồi tại sao lại lặn? Mặt trời đã đi đâu vào ban đêm? Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng có thể duy trì sự tò mò này mãi về sau.

Có một số cha mẹ không ý thức được việc bản thân nên khuyến khích con cái và giúp chúng duy trì sự tò mò. Thay vào đó, họ làm điều ngược lại, đó là đánh gãy niềm vui hiếu kỳ của con. Vì thế mà có nhiều đứa trẻ đã dần mất đi sự tò mò với thế giới xung quanh khi lớn lên.

Ngoài ra, trẻ em cũng sẽ đánh mất đi sự tò mò của mình thông qua quá trình trưởng thành dưới sự giáo dục trường lớp. Chúng dành phần lớn năng lượng của mình cho việc học, mỗi ngày đều phải trải qua cuộc sống từ nhà đến trường, rồi từ trường về nhà. Sự tò mò "vô ích" ngoài việc học của chúng sẽ bị cha mẹ hoặc xã hội chỉ trích, vì nó không giúp chúng đạt điểm cao trong lớp.

Trong con mắt của nhiều bậc cha mẹ, sự tò mò của trẻ chỉ nên được đặt vào việc học. Kết quả là sự tò mò của trẻ đã dần bị giết chết hoàn toàn khi chúng trưởng thành. Chúng bắt đầu định hình bản thân theo kỳ vọng của xã hội, rồi cuối cùng biến mình thành một cỗ máy chỉ biết làm việc. Những người như vậy, lâu dần họ sẽ trở nên "bị tê liệt", mất đi khả năng đặt các câu hỏi về thế giới.

Triết gia khẳng định: Người thông minh có 2 đặc điểm - Ảnh 2.

Khi một người duy trì được sự tò mò của họ về thế giới, họ mới có thể chủ động tìm tòi, học hỏi, tiếp thu thêm những kiến thức về lĩnh vực mà họ quan tâm. Từ đó phát triển, mở rộng nhận thức của bản thân. Tương lai có gặp các vấn đề khác thì họ vẫn có thể tìm cách giải quyết, và rồi lại học hỏi được thêm nhiều điều. Một cuộc sống như vậy được gọi là một vòng tuần hoàn phát triển.

Họ có thể không phải là người có thể đạt được điểm số cao nhất trong các bài kiểm tra IQ, nhưng thông qua việc khám phá và nhiều lần thực tiễn, họ sẽ cải thiện hơn và có cho mình một hệ thống dự trữ kiến thức riêng. Họ có thể không đạt được thành công vật chất như xã hội vẫn hay định nghĩa, nhưng họ chắc chắn có một nội tâm rất phong phú và nhiệt thành.

2. Tư duy độc lập

Tư duy độc lập là một khả năng rất quan trọng, đặc biệt là trong thời đại này khi các thông tin cực kỳ nhiều và hỗn loạn, với sự phát triển của internet. Trước đây, con người rất khó tìm thấy được những người cùng chí hướng với mình. Nhưng bây giờ thì mọi chuyện đã đơn giản hơn. Thậm chí, một câu nói của một cá nhân nào đó cũng có thể rất nhanh chóng được lưu truyền và ủng hộ bởi một nhóm người đông đảo, dần dà còn có thể trở thành một trào lưu.

Trong lĩnh vực tâm lý học, có một khái niệm gọi là hiệu ứng đồng thuận sai lầm. Nó có nghĩa là khi bạn cho rằng có nhiều người đồng ý với ý kiến của bạn và chia sẻ giá trị của bạn, nhưng thực tế thì không phải vậy.

Và lý do dẫn đến việc này là do bạn dành quá nhiều thời gian ở cạnh những người đồng tình với ý kiến của bạn, từ đó bị ảnh hưởng óc phán đoán và tư duy độc lập. Tình trạng này rất phổ biến trong xã hội hiện nay. Cũng đồng nghĩa rằng, chỉ có một số ít người tài mới có năng lực tư duy độc lập. Vì thế, trong thời đại này, có khả năng tư duy độc lập là rất quan trọng.

Cái gọi là trào lưu, thật ra rất nguy hiểm. Nhà tâm lý học người Pháp, Gustave Le Bon từng nói: "Con người một khi tham gia vào quần thể thì trí tuệ sẽ bị giảm sút. Vì muốn dành lấy sự công nhận của tập thể, họ có thể làm ra những hành vi sai trái, dùng trí tuệ đi đổi lấy một loại cảm giác an toàn, cảm thấy bản thân có nơi được thuộc về."

Do đó, nếu muốn phán đoán trí thông minh của một người là cao hay thấp, nhất định phải xem họ có biết tư duy độc lập hay không.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày