Cán bộ huyện Krông Pắk tặng quà cho người khó khăn
Bà Trinh cho biết, ngay khi nhận thông tin đã lập đoàn gồm lãnh đạo Huyện ủy, đại diện Ban tuyên giáo, Hội Chữ thập đỏ, Phòng lao động thương binh và xã hội xuống kiểm tra thực tế. Kết quả, những hình ảnh trên là có thật. Hình ảnh chụp các cháu người Mông (xã Vụ Bổn).
Tuy nhiên, theo bà Trinh, so với thành phố, các em người Mông nơi đây khó khăn hơn, nhưng không đến mức thiếu gạo, thức ăn, phải ăn món ve sầu.
Tại thời điểm kiểm tra, nhà các cháu vẫn còn gạo. Tháng 4 vừa qua, UBND huyện cùng các Mạnh Thường Quân chuyển 6 tấn gạo và nhu yếu phẩm về xã Vụ Bổn theo chương trình “ATM gạo” hỗ trợ người dân trong thời gian giãn cách xã hội, phòng chống dịch COVID-19.
Tặng gạo, mỳ cho các em nhỏ
“Ve sầu là món ăn quen thuộc của đồng bào Mông, nhưng trong côn trùng có chứa chất dễ gây ngộ độc nên chúng tôi khuyên người dân cẩn thận khi ăn. Chúng tôi cũng yêu cầu chính quyền xã Vụ Bổn cần quan tâm, sâu sát với dân hơn nhất là đồng bào Mông. Có khó khăn gì, lãnh đạo xã cứ báo cáo lên huyện tìm cách tháo gỡ”, bà Trinh thông tin.
Nhân chuyến đi vừa qua, Đoàn kiểm tra mang theo gạo, mì tôm tặng những hộ có hoàn cảnh khó khăn trong xã Vụ Bổn.
Trước đó, 1 cán bộ đoàn xã Vụ Bổn đã chia sẻ những bức ảnh chụp 4 trẻ em đồng bào Mông lên mạng xã hội kèm nội dung: "Bữa cơm của bạn có gì, còn các em chỉ có cơm nguội và ve sầu thôi ạ! Trong chuyến khảo sát tại làng Mông, thôn 12 để chuẩn bị cho chương trình Trung thu sắp tới, mình vô tình gặp cảnh 4 cháu nhỏ đang nấu ve sầu mới đi bắt về để ăn sáng (chỉ nấu chứ không phải chiên vì không có dầu ăn). Ngày Tết Thiếu nhi mà các cháu không biết là ngày gì, không biết cái bánh, kẹo nó vuông tròn ra sao...”.
Bữa cơm sáng ăn kèm với ve sầu của trẻ em thôn 12, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk. Ảnh: Lao Động.
Sau khi đăng tải, bài viết nhận được sự quan tâm, nhiều người bày tỏ sự xót xa, thương cảm, kêu gọi giúp đỡ; cũng có người lo lắng về món ăn ve sầu chứa độc tố dễ gây ngộ độc...