"Tôi sắp nổi điên với con. Sáng nào cũng dậy quát mắng tám chục lần. Đứa trẻ không chịu dậy, rửa mặt, đánh răng. Những buổi tham gia các lớp học trực tuyến cũng đều đợi ba mẹ nhắc nhở. Đứa trẻ không có cảm giác gì về thời gian cả".
Bạn có thấy những lời "ca thán" này vô cùng quen thuộc không? Trong gia đình có con nhỏ, chuyện bố mẹ giục như giục tà còn con vẫn bình chân như vại chẳng hề xa lạ. Bước ra khỏi nhà, trong khi mẹ "vắt chân lên cổ", đứa con vẫn rề rà. Khi việc giục con trở nên vô tác dụng, bố mẹ sẽ trách mắng, thậm chí cho vài roi vào mông. Buổi sáng hệt như một cuộc chiến, hầu như ngày nào cũng như thế.
Thời gian đáng giá ngàn vàng. Cha mẹ có thể nói rất nhiều với con cái về giá trị của thời gian: Nếu chậm một phút, con sẽ không thể vào được phòng thi. Sau khi học hành chăm chỉ trong nhiều năm, nếu vì lề mề mà không thể thi vào trung học phổ thông hoặc kỳ thi tuyển sinh đại học, con có hối hận cả đời không? Nếu con đến muộn trong một cuộc phỏng vấn xin việc trong tương lai, con có thể không có cơ hội nữa. Cuộc sống sẽ thay đổi rất nhiều vì sự trễ nải và thiếu quan niệm về thời gian của con.
Dù cha mẹ có nói gì thì con cái cũng gật đầu lia lịa, chúng chỉ đồng ý chiếu lệ nhưng không phải đứa trẻ nào cũng ghi nhớ và thay đổi. Vì vậy, để tránh tình trạng trì trệ khi con lớn lên, ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ nên hướng dẫn chính xác cho con về khái niệm thời gian bằng những thủ thuật sau đây:
Hãy để trẻ có khái niệm về thời gian và học cách quản lý thời gian
Nhịp độ sinh học giữa trẻ và người lớn là khác nhau. Cần điều chỉnh và thích nghi với nhịp độ của con, thay vì mang lại cảm giác lo âu, tức giận cho đứa trẻ, nếu không, nó sẽ mất đi sự cân bằng tâm lý. Cha mẹ nên trau dồi quan niệm về thời gian cho con cái, và đừng tạo áp lực quá lớn cho con, khiển trách và la mắng sẽ chỉ khiến trẻ càng thêm bối rối.
Chẳng hạn như trẻ từ từ dậy mặc quần áo khi bị người lớn thúc giục. Bởi vì trẻ không có ý thức về thời gian, chúng thậm chí không biết mất bao lâu để thức dậy và chuẩn bị để đến lớp. Trẻ luôn cảm thấy rằng chúng còn rất nhiều thời gian và có thể ngủ lâu hơn chút nữa thôi. Cha mẹ chỉ có thể rèn luyện liên tục cho trẻ trong cuộc sống hàng ngày, để trẻ cảm nhận được thời gian và dần điều chỉnh.
Nếu trẻ hoàn thành bài tập về nhà đúng hạn, phụ huynh sẽ nói với trẻ rằng: Hôm nay con thật tuyệt, 10 phút nữa sẽ xong bài tập rồi. Điều chủ yếu được nhấn mạnh là bé biết mình đã hoàn thành bao nhiêu câu hỏi và mất bao lâu. Buổi sáng khi con dậy vệ sinh, ăn uống, cha mẹ cũng có thể khen con: "Hôm nay con chỉ mất 15 phút để chuẩn bị mọi thứ, có thể đến trường đúng giờ". Việc lặp đi lặp lại hành động này hàng ngày cho phép trẻ hiểu được cần bao nhiêu thời gian cho những việc thường làm trong cuộc sống hàng ngày, dần dần con cũng sẽ lập kế hoạch thời gian một cách vô thức.
Cha mẹ nên làm gương
Ví dụ như cuối tuần, khi đồng ý đi chơi với con thì nên bắt đầu vào thời gian quy định. Khi đến địa điểm chơi, bạn cũng nên lên kế hoạch như chơi ở sân chơi nửa tiếng, đến vườn bách thảo một tiếng,… để trẻ hình thành khái niệm tốt về thời gian.
Quy định trẻ em xem phim hoạt hình trong 20 phút, khi hết giờ phải tắt TV. Người lớn cũng phải có quy tắc tương tự. Đừng bắt trẻ tắt tivi trong khi bản thân ôm điện thoại hàng tiếng đồng hồ. Trong quá trình nuôi dưỡng khái niệm thời gian của trẻ, cha mẹ nên duy trì giao tiếp với con. Nếu phát hiện bé có vấn đề trong thời gian đã định, bạn phải kịp thời trao đổi, đôn đốc sửa chữa và để bé hình thành khái niệm đúng đắn về thời gian.
Hãy để đứa trẻ chấp nhận hình phạt tương ứng
Một bà mẹ áp dụng việc "tự chịu hậu quả" cho con của mình: Một ngày cuối tuần, thằng bé không tập trung làm bài tập về nhà, tôi nhắc mãi nhưng không có tác dụng. Buổi tối đã đến giờ đi ngủ, bài tập vẫn chưa hoàn thành. Vì vậy, tôi yêu cầu con cất sách giáo khoa của mình đi, tắm rửa và nghỉ ngơi. Sáng hôm sau, tôi không bảo con dậy sớm làm bài, đến trường thì bị cô giáo phê bình và phạt là chuyện đương nhiên.
Kể từ đó, con biết rằng mình không hoàn thành bài tập về nhà đúng hạn, hậu quả rất nghiêm trọng, không cần mẹ phải cằn nhằn và giám sát nữa.
Có hai khía cạnh để nuôi dưỡng khái niệm thời gian tốt của trẻ:
Một mặt, sử dụng các công cụ hỗ trợ như chuẩn bị một chiếc đồng hồ báo thức nhỏ để trẻ biết rằng đồng hồ sẽ đánh thức mình vào buổi sáng. Bạn cũng có thể cho trẻ xem lịch, đồng hồ cát,… thông qua những việc này để trẻ hiểu rõ hơn về mốc thời gian và khoảng thời gian.
Mặt khác, hãy để trẻ tự sắp xếp: Cha mẹ có thể nói với trẻ và để trẻ tự sắp xếp một số việc đơn giản. Ví dụ, trẻ có thể chọn chủ nhật đi chơi hoặc đọc truyện tranh ở nhà, chơi với đồ chơi. Làm những việc cố định vào một thời gian cố định. Khi những việc đã lên kế hoạch của trẻ có thể được hoàn thành một cách có trật tự, cha mẹ sẽ khen ngợi và khuyến khích trẻ, và trẻ sẽ cảm thấy mình đã hoàn thành.
Cha mẹ có thể cùng con xây dựng danh sách kế hoạch. Nói với con, chỉ cần làm theo kế hoạch và tận dụng tốt từng phút, từng giây, con sẽ có thể hoàn thành tốt mọi việc. Bên cạnh đó, bố mẹ, con cái giám sát lẫn nhau và cùng nhau thực hiện hiệu quả sẽ tốt hơn, đồng thời cũng tạo cho trẻ cảm giác tin tưởng.