Các chuyên gia tại Bỉ vừa lên tiếng cảnh báo về tình trạng ngày càng nhiều trẻ em gặp khó khăn trong phát triển ngôn ngữ. Nguyên nhân chính được xác định là do trẻ tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị màn hình, dẫn đến tiếp nhận thông tin thụ động và thiếu tương tác cần thiết để phát triển kỹ năng giao tiếp.
Tiến sĩ tâm lý học Béatrice Millêtre cho biết, trung bình mỗi lớp học tại Bỉ hiện nay có khoảng hai trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ. Đáng chú ý, nhiều trẻ từ 6-7 tuổi vẫn có khả năng ngôn ngữ tương đương trẻ 2 tuổi. Bác sĩ Audrey Bonnelance, chuyên gia y khoa tại Brussels, nhận định màn hình không hỗ trợ sự phát triển ngôn ngữ, mà ngược lại, còn khiến trẻ hạn chế vận động, chậm phát triển toàn diện và giảm khả năng đọc.
Ngoài ra, việc sử dụng thiết bị điện tử quá mức còn dẫn đến hàng loạt vấn đề khác như rối loạn cảm xúc, mất ngủ, khó kiểm soát hành vi và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường. Theo nghiên cứu, độ tuổi trung bình trẻ bắt đầu biết đi đã tăng từ 12 tháng lên 18 tháng, được cho là có liên quan đến tình trạng hạn chế vận động do trẻ quá tập trung vào màn hình.
Trẻ em xem điện thoại. (Ảnh: Pixabay)
Tổ chức ONE (Bỉ) khuyến cáo trẻ dưới 3 tuổi không nên sử dụng thiết bị màn hình, bởi ánh sáng xanh từ các thiết bị này có thể gây khó ngủ, dẫn đến tình trạng thiếu ngủ kéo dài. Các chuyên gia cũng khuyến nghị ngừng sử dụng màn hình ít nhất một giờ trước khi đi ngủ để đảm bảo chất lượng giấc ngủ của trẻ.
Để giải quyết vấn đề, các chuyên gia kêu gọi phụ huynh và nhà trường cần hợp tác chặt chẽ, hạn chế thời gian trẻ tiếp xúc với màn hình và khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, phát triển kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ. Sự phát triển toàn diện của trẻ chỉ có thể đạt được khi trẻ được trải nghiệm nhiều hoạt động phong phú, thay vì lệ thuộc vào thiết bị công nghệ.
Tình trạng trẻ chậm phát triển ngôn ngữ là hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi sự thay đổi nhận thức từ cộng đồng để bảo vệ tương lai của thế hệ trẻ.