Trẻ 1 tuổi đã có ký ức: Vậy ai đã “xóa” chúng khỏi tâm trí chúng ta?

Phước Hải, Theo thanhnienviet.vn 11:40 27/03/2025
Chia sẻ

Trẻ sơ sinh vẫn hình thành ký ức nhưng khi lớn lên chúng ta lại không thể nhớ ba năm đầu đời và bí ẩn khoa học này đã dần được giải mã.

Bạn đã bao giờ suy nghĩ về một vấn đề rằng, cho dù bạn có cố gắng thế nào đi nữa, bạn vẫn không thể nhớ lại những sự kiện xảy ra trong những năm đầu đời? Hiện tượng này được gọi là chứng quên ở trẻ sơ sinh (Infantile Amnesia).

Tuy nhiên, câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ: liệu điều này xảy ra do não bộ của trẻ sơ sinh (đặc biệt là vùng hồi hải mã) chưa phát triển đầy đủ, hay do người trưởng thành không thể nhớ lại những ký ức đó?

Vì sao chúng ta không nhớ ba năm đầu đời?

Mỗi người trưởng thành đều không có ký ức về ba năm đầu đời. Hiện tượng này, gọi là chứng hay quên ở trẻ sơ sinh, đã khiến các nhà khoa học đau đầu trong hơn một thế kỷ.

Theo lý thuyết truyền thống, vùng hồi hải mã — khu vực quan trọng của não bộ chịu trách nhiệm lưu trữ ký ức dài hạn — của trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn thiện, do đó chúng không thể hình thành ký ức lâu dài.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mang tính đột phá được công bố trên Science mới đây đã sử dụng công nghệ cộng hưởng từ chức năng (fMRI) để lật ngược quan điểm này. Nghiên cứu phát hiện rằng hồi hải mã của trẻ 1 tuổi đã có thể mã hóa ký ức, nhưng những ký ức này bị não bộ “khóa lại” và không thể truy xuất được!

Trong nghiên cứu này, nhóm khoa học đã thực hiện một thí nghiệm mang tính cách mạng trên 26 trẻ từ 4 đến 24 tháng tuổi:

- Giai đoạn mã hóa ký ức: Cho trẻ xem các hình ảnh xuất hiện lần đầu (chân dung, đồ chơi, động vật), mỗi hình ảnh được hiển thị trong 2 giây.

- Giai đoạn kiểm tra ký ức: Sau 1 phút, cho trẻ xem lại hình ảnh cũ lẫn hình ảnh mới để quan sát sở thích thị giác của trẻ.

- Chụp ảnh não bộ theo thời gian thực: Sử dụng cộng hưởng từ chức năng (fMRI) để ghi lại hoạt động của hồi hải mã với độ chính xác đến từng milimet.

Trẻ 1 tuổi đã có ký ức: Vậy ai đã “xóa” chúng khỏi tâm trí chúng ta?- Ảnh 1.

Thí nghiệm được thiết kế thân thiện với trẻ nhỏ, đồng thời sử dụng công nghệ theo dõi chuyển động mắt để đảm bảo trẻ tập trung, loại bỏ dữ liệu không chính xác.

Hoạt động của hồi hải mã cho thấy quá trình hình thành ký ức. Khi trẻ nhận ra hình ảnh cũ, hồi hải mã của chúng có mức độ kích hoạt cao hơn rõ rệt so với khi xem hình ảnh mới.

Đặc biệt, nghiên cứu phát hiện rằng khả năng mã hóa ký ức này xuất hiện rõ ràng ở trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên, trong khi trẻ nhỏ hơn chưa thể hiện chức năng tương tự. Điều này đồng nghĩa với việc trẻ 1 tuổi đã có khả năng ghi nhớ, nhưng tại sao những ký ức đó lại biến mất khi trưởng thành?

Trí nhớ bị “khóa” chứ không mất đi

Các nhà khoa học nhận thấy rằng mặc dù hồi hải mã có thể mã hóa ký ức, nhưng hệ thống giúp truy xuất ký ức—đặc biệt là vùng vỏ não trước trán—vẫn chưa phát triển đầy đủ. Điều này khiến các ký ức bị lưu trữ nhưng không thể truy xuất lại khi trưởng thành, dẫn đến hiện tượng hay quê ở trẻ sơ sinh.

Nghiên cứu cũng làm sáng tỏ ba “mật mã” quan trọng của quá trình mã hóa ký ức ở trẻ sơ sinh:

- Mật mã không gian: Phần sau của hồi hải mã là trung tâm ghi nhớ, có sự tương đồng đáng kinh ngạc với não người trưởng thành.

- Mật mã thời gian: Dấu vết ký ức bắt đầu phai nhạt sau 1 phút, cho thấy trí nhớ của trẻ sơ sinh rất mong manh.

- Mật mã nội dung: Trẻ ghi nhớ đồ chơi và vật thể tốt hơn so với bối cảnh (có thể liên quan đến sự phát triển thị giác).

Nghiên cứu này đã bác bỏ giả thuyết cho rằng chứng hay quên ở trẻ sơ sinh xảy ra do hồi hải mã chưa trưởng thành. Nó chứng minh rằng hồi hải mã của trẻ 1 tuổi đã có khả năng mã hóa ký ức. Đồng thời, nghiên cứu cũng phát hiện một cơ chế quên mới: chứng quên thời kỳ sơ sinh xảy ra do sự phát triển chậm của hệ thống truy xuất ký ức, chứ không phải do thất bại trong việc hình thành ký ức.

Trẻ 1 tuổi đã có ký ức: Vậy ai đã “xóa” chúng khỏi tâm trí chúng ta?- Ảnh 2.

Những phát hiện này không chỉ giúp hiểu rõ hơn về trí nhớ mà còn mang đến những ý tưởng mới cho giáo dục sớm. Dù trẻ có thể không nhớ các sự kiện cụ thể, nhưng quá trình mã hóa ký ức có thể tác động đến sự phát triển mạng lưới thần kinh của não bộ.

Giáo sư Turk-Browne, tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ: “Bộ não của trẻ sơ sinh giống như một chiếc máy quay phim liên tục ghi đè lên cuộn băng cũ. Chúng tôi đang tìm cách giải mã nguyên tắc hoạt động của nó”.

(Theo Science Daily)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày