Trào lưu làm phim remake: Hướng đi mới hay sự bế tắc của điện ảnh Việt?

Hằng Nga; Design: Tuấn Maxx, Theo Trí Thức Trẻ 00:20 16/08/2018
Chia sẻ

Những năm gần đây, trào lưu làm phim remake bỗng trở nên rầm rộ tại Việt Nam. Hàng loạt những bộ phim remake ra đời với chất lượng và sự thành công không đồng đều. Người ta bắt đầu lo ngại, liệu đây có phải là dấu hiệu đi xuống của điện ảnh Việt?


Trào lưu làm phim remake: Hướng đi mới hay sự bế tắc của điện ảnh Việt? - Ảnh 1.

Sau thành công vang dội của Em là bà nội của anh (2015), khái niệm "phim remake" mới được quan tâm rộng rãi. Kể từ đó, điện ảnh Việt đã chứng kiến một cuộc đổ bộ rầm rộ của hàng loạt những bộ phim remake, trên cả hai địa hạt điện ảnh và truyền hình. Về phim truyền hình, có thể kể đến một số cái tên như Người phán xử, Ngày ấy mình đã yêu, Cả một đời ân oán, Gạo nếp gạo tẻ,…Trong khi đó trên màn ảnh rộng có Tháng năm rực rỡ, Sắc đẹp ngàn cân, Ông ngoại tuổi ba mươi,… Cùng là phận phim remake, song sự thành công không chia đều cho tất cả những bộ phim. Có phim thu về bạc tỷ, được ca ngợi hết lời, có phim được truyền thông rầm rộ nhưng cuối cùng lại thành bom xịt.

Trào lưu làm phim remake: Hướng đi mới hay sự bế tắc của điện ảnh Việt? - Ảnh 2.

Em là bà nội của anh là một trong những phim remake thành công.

Phim remake là phim làm lại từ một bộ phim khác. Remake cũng được coi là một hình thức của cải biên điện ảnh (adaptation), trong một chừng mực nhất định. Cải biên là một khái niệm rất rộng, một bộ phim có thể được cải biên từ những loại hình khác như tiểu thuyết, kịch hay từ một câu chuyện có thật. Cải biên ngầm ẩn hàm ý sáng tác lại, một bộ phim cải biên có thể trung thành với nguyên tác, cũng có thể chỉ vay mượn một vài yếu tố nhất định trong quá trình sáng tạo ra một tác phẩm mới. Trong khi đó, phim remake không thay đổi về thể loại và sự sáng tạo của đạo diễn là không nhiều.

Trào lưu làm phim remake: Hướng đi mới hay sự bế tắc của điện ảnh Việt? - Ảnh 3.
Trào lưu làm phim remake: Hướng đi mới hay sự bế tắc của điện ảnh Việt? - Ảnh 4.

Thực ra phim remake ở Việt Nam không phải là mới, hình thức này đã du nhập vào Việt Nam cách đây cả thập kỷ, chỉ có điều thời điểm đó phim remake chưa bùng nổ mạnh mẽ như bây giờ. Có thể kể đến một số phim như Dù gió có thổi (2009), Cô gái xấu xí (2008), Ngôi nhà hạnh phúc (2009),... Trong đó có những phim được đánh giá là thành công và được khán giả Việt yêu mến, đón nhận chứ không chia làm hai luồng ý kiến tranh cãi như bây giờ. Có lẽ vì ở thời điểm đó, khán giả chưa bị "bội thực" vì phim remake, món ngon đến đâu ăn mãi cũng ngán, huống hồ remake một bộ phim nổi tiếng mà lại còn làm dở thì không thể tránh khỏi việc khán giả phản ứng.

Trào lưu làm phim remake: Hướng đi mới hay sự bế tắc của điện ảnh Việt? - Ảnh 5.

Có thể coi Mùi Ngò Gai là một chú chạm ngõ đầu tiên của phim remake khi sử dụng kịch bản từ nước ngoài

Khi đời sống, dân trí của người Việt ngày càng cao thì nhu cầu thưởng thức những tác phẩm tử tế, chỉn chu cũng tăng theo. Vì thế không phải cứ remake phim nổi tiếng là ăn chắc phần thắng về doanh thu, chỉ việc ngồi ung dung đếm tiền. Thực tế đã cho thấy những cú ngã đau đớn của những dự án remake, khiến từ "remake" dần dần bị ác cảm và những dự án khác cũng bị vạ lây.

Trào lưu làm phim remake: Hướng đi mới hay sự bế tắc của điện ảnh Việt? - Ảnh 6.

Trong bối cảnh khan hiếm nguồn kịch bản gốc chất lượng thì phim remake được xem như một hướng đi an toàn. Thành công của Người phán xử đã minh chứng cho điều đó. Ra mắt cùng một thời điểm, Người phán xử cùng với Sống chung với mẹ chồng đã tạo nên cơn sốt trên màn ảnh nhỏ, kéo khán giả quay trở lại với phim Việt sau một thời gian dài phim truyền hình bị lép vế bởi hàng loạt những chương trình truyền hình thực tế. Song phim remake có phải là hướng đi lâu dài và ổn định không, không ai biết trước được điều đó.

Trào lưu làm phim remake: Hướng đi mới hay sự bế tắc của điện ảnh Việt? - Ảnh 7.

Những lợi thế khi làm phim remake là được thừa hưởng sẵn một kịch bản tốt và đã được kiểm chứng ở thị trường nước ngoài. Biên kịch và đạo diễn không phải tốn thời gian và đau đầu để nghĩ ra một câu chuyện mới, xây dựng những nhân vật mới. Bên cạnh đó, việc làm lại một bộ phim ăn khách có lợi thế rất lớn về mặt truyền thông. Ngay từ khi mới "thai nghén", những tin tức về phim đã được khán giả quan tâm săn đón.

Tuy nhiên, thuận lợi cũng chính là khó khăn của phim remake. Khán giả chắc chắn sẽ đặt lên bàn cân so sánh với bộ phim gốc đã rất thành công trước đó. Thực tế nhiều bộ phim đã không vượt qua nổi cái bóng của phim gốc và trở thành một bản copy tệ hại. Bên cạnh đó, làm sao để Việt hóa bộ phim, không chỉ ở bối cảnh, nhân vật mà còn đưa được vào đó tinh thần Việt, văn hóa Việt là điều không dễ dàng.

Các bộ phim của nước ngoài thường cài cắm trong đó các mã văn hóa như một thứ quyền lực mềm. Những yếu tố văn hóa có thể được phát hiện dễ dàng, cũng có thể phải rất tinh ý mới nhận ra. Làm thế nào để thay vào đó những mã văn hóa Việt là điều rất khó, nếu làm không khéo sẽ rất phô. Thực tế không có nhiều đạo diễn làm được điều này.

Trào lưu làm phim remake: Hướng đi mới hay sự bế tắc của điện ảnh Việt? - Ảnh 8.

"Em là bà nội của anh" hay "Tháng năm rực rỡ" là những bộ phim hiếm hoi Việt hóa thành công, đưa được vào đó những thứ gần gũi với văn hóa Việt. Ở mảng truyền hình, Gạo nếp gạo tẻ (làm lại từ Wang Family của Hàn Quốc) có thể nói là khá thành công trong việc chế biến từ mùi vị kim chi sang cà pháo, mắm tôm rất đặc trưng của người Việt – theo như lời biên kịch Hoàng Anh của bộ phim chia sẻ.

Bên cạnh đó, cũng có những bộ phim thể hiện sự non tay, thậm chí cẩu thả của biên kịch và đạo diễn. Có thể kể đến "Sắc đẹp ngàn cân", một dự án remake không mấy thành công. Bộ phim bám quá sát với nguyên tác trong khi 200 pounds beauty đã ra đời trước đó cả thập kỷ, nhiều chi tiết đã trở nên lỗi thời. Xem bối cảnh Sài Gòn mà khán giả cứ ngỡ là một Seoul thu nhỏ. Nhiều khán giả thắc mắc tại sao lại để Hà My đi ô tô chứ không phải xe máy, khi mà ô tô không phải là thứ phương tiện quen thuộc với tầng lớp bình dân ở Việt Nam.

Còn ở mảng truyền hình thì Glee Việt Nam khiến khán giả vô cùng hoang mang và đau não với những câu thoại khó hiểu. Điển hình như câu nói đã đi vào "huyền thoại" của cô giáo Lan Phương (Yaya Trương Nhi): "Hãy đứng lên như những mái chèo." (?!) Có thể do khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ nên những câu thoại khi được chuyển sang tiếng Việt trở nên tối nghĩa, khó hiểu. Có vẻ như biên kịch của phim đã nhờ đến Google translate cho nhanh chăng?

Trào lưu làm phim remake: Hướng đi mới hay sự bế tắc của điện ảnh Việt? - Ảnh 9.

Có vẻ như so với việc remake phim Hàn, vốn có nhiều sự tương đồng, gần gũi với văn hóa Việt thì việc remake một bộ phim Mỹ sẽ khiến đạo diễn gặp nhiều khó khăn hơn. Những câu chuyện tình một đêm, sự phóng khoáng và cởi mở về tình dục dường như vẫn còn xa lạ với khán giả Việt. Bất chấp những trở ngại, sau thành công của Tháng năm rực rỡ, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng rất tự tin khi làm lại 50 First Dates của điện ảnh Mỹ. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam thử sức remake phim điện ảnh Mỹ.

Trào lưu làm phim remake: Hướng đi mới hay sự bế tắc của điện ảnh Việt? - Ảnh 10.

Sự khác biệt văn hóa có phải là một trở ngại lớn khi làm phim remake? Sau một Glee Việt Nam bị chê bai thậm tệ, có nên chăng quay trở về remake phim Hàn, phim Thái thay vì remake phim Âu Mỹ? Thực tế đã cho thấy có những bộ phim rất thành công dù remake từ những bộ phim quá khác biệt với văn hóa Việt Nam. Có thể kể đến Cô gái xấu xí, remake từ Betty la Fea của Colombia, hay gần đây có Người phán xử, remake từ Ha-Borer của Israel. Cả hai bộ phim trên đều gây sốt ngay từ những tập đầu tiên và trở thành hiện tượng màn ảnh nhỏ vào thời điểm ra mắt. Vậy thì sự khác biệt văn hóa không phải là vấn đề lớn, vấn đề là tài năng và bản lĩnh của đạo diễn, biên kịch đến đâu.

Thực tế cũng cho thấy việc remake những bộ phim ít đình đám hơn thì sẽ dễ thành công hơn. Điều đó vừa đáp ứng được nhu cầu kịch bản, thứ mà điện ảnh Việt đang khan hiếm, mà cũng ít bị định kiến, săm soi hơn. Dự án remake bom tấn Hậu duệ mặt trời đang rất được khán giả quan tâm dù chưa chính thức công chiếu. Đây là một lợi thế cũng là gánh nặng đặt trên vai ekip làm phim.

Trào lưu làm phim remake: Hướng đi mới hay sự bế tắc của điện ảnh Việt? - Ảnh 11.

Điện ảnh Việt từng có những bộ phim 100% thuần Việt mà vẫn gây sốt và được khán giả yêu mến. Ở mảng điện ảnh có Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, một bộ phim rất mực giản dị, gần gũi mà vẫn thành công vang dội. Phim sử dụng chính chất liệu văn học Việt Nam là cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Hay gần đây có Em chưa 18 với doanh thu 175 tỷ đã trở thành phim điện ảnh có doanh thu cao nhất mọi thời đại ở Việt Nam. Ở mảng truyền hình, khán giả từng thổn thức với Bỗng dưng muốn khóc, Dốc tình hay gần đây bộ phim Phía trước là bầu trời từng vang bóng một thời bất ngờ gây sốt trở lại sau 17 năm.

Thành công của những phim remake, dẫu lớn cũng chưa vượt xa nhiều so với những phim thuần Việt. Qua đó có thể thấy khán giả Việt vẫn dành sự ưu ái cho những gì gần gũi, đậm chất con người Việt, văn hóa Việt chứ không phải là những cái tên rầm rộ nhưng lại làm ra một bản remake chưa tới.

Bên cạnh đó, cũng cần phải hiểu đúng về giá trị của phim remake. Suy nghĩ coi phim remake chỉ là bản copy kém sáng tạo là một định kiến sai lầm, khiến những phim remake tốt phải chịu thiệt thòi. Remake không phải là một hình thức xa lạ với điện ảnh thế giới, thậm chí có những phim remake còn vượt trội hơn so với bản gốc. Có thể kể đến "The Departed", remake từ "Vô gian đạo" của Hongkong. Bộ phim không những thành công vang dội mà còn chiến thắng tới bốn giải Oscar cho các hạng mục Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản chuyển thể hay nhất và Biên tập phim xuất sắc nhất.

Những bộ phim remake thành công có sự đóng góp tích cực đối với văn hóa, nghệ thuật của đất nước. Đối với một bộ phim gây sốt châu Á mà lại có tính nhân văn cao như Hậu duệ mặt trời thì đến thủ tướng Thái Lan cũng khuyến khích người dân nước mình xem và sẵn sàng tài trợ nếu như đất nước ông muốn làm một bộ phim tương tự. Vì thế nếu chưa có một kịch bản tốt cỡ Hậu duệ mặt trời thì làm phim remake cũng là một sự lựa chọn. Vấn đề là remake như thế nào để khiến khán giả không thất vọng khi bản gốc đã quá thành công và nổi tiếng.

Trào lưu làm phim remake: Hướng đi mới hay sự bế tắc của điện ảnh Việt? - Ảnh 13.

Có lẽ chúng ta không cần phải quá lo lắng về việc phim remake có thể giết chết nền điện ảnh dân tộc. Remake cũng chỉ là một hướng đi trong tình trạng khan hiếm kịch bản tốt và bản thân những bộ phim remake cũng làm phong phú thêm cho nền điện ảnh nước nhà. Như đã nói ở trên, khi mức sống ngày càng được nâng cao thì gu thưởng thức nghệ thuật của công chúng cũng ngày một khắt khe hơn.

Phim remake dẫu là một món ngon và lạ miệng thì khán giả ăn mãi cũng ngán và cũng chỉ nên là những món thêm nếm cho phong phú bàn tiệc. Người Việt thì không thể ăn kim chi hay pizza thay cơm được. Với sự tiếp nhận và đánh giá ngày một khắt khe của khán giả thì những bộ phim kém chất lượng sớm muộn cũng bị đào thải khỏi quy trình vận hành đầy khốc liệt của ngành điện ảnh.

Trào lưu làm phim remake: Hướng đi mới hay sự bế tắc của điện ảnh Việt? - Ảnh 14.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày