Mùa Thanh minh năm nay, rất nhiều gia đình đã tranh thủ ngày nghỉ có mặt tại những nơi ông bà, tổ tiên an nghỉ để cùng báo hiếu. Theo quan niệm, Tết Thanh minh mang ý nghĩa cội nguồn, nhắc chúng ta không quên hướng về quê cha đất tổ.
Trao đổi với chúng tôi, đại gia đình cô Nguyễn Thị Bích Ngọc (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã có mặt từ sáng sớm tại Công viên nghĩa trang tâm linh Lạc Hồng Viên (Kỳ Sơn - Hòa Bình) để thắp nén hương tưởng nhớ đến các đấng sinh thành, tổ tiên.
Gia đình cô Ngọc cho biết, cha cô khi còn sống là người rất tình cảm, luôn thương yêu các con trong nhà nên năm nào cứ ngày lễ Tết, Thanh minh… con cháu dù bận đến mấy cũng sẽ thu xếp về cùng nhau dâng nén hương lên đấng sinh thành.
Những người cháu, chắt nội ngoại cũng cùng gia đình theo lên nơi ông bà, tổ tiên. Theo cô Ngọc, việc đưa những đứa trẻ lên đây dâng hương lên tổ tiên nhằm giáo dục cho con trẻ biết công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ cũng như ông bà.
Rất nhiều gia đình ở địa phương cũng như tại Hà Nội đã có mặt tại đây để cùng tảo mộ, sửa sang, chỉnh trang phần mộ của gia đình.
Tùy điều kiện cũng như sở thích của mỗi gia đình khi tiến hành tảo mộ cho tổ tiên về các lễ vật, tuy nhiên không thể thiếu những bó hoa tươi.
Những ngôi mộ được người nhà dọn dẹp sạch sẽ, vun đắp thêm đất mới, đó là những tâm đức của người đang sống đối với người đã khuất.
Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất, cuối cùng là về nhà làm cỗ cúng gia tiên.
Những nén hương của con cháu dâng lên tổ tiên, mong muốn ông bà, tổ tiên an nghỉ nơi chín suối được siêu thoát, người ở trần được che chở mọi sự bình an, may mắn.
Các lễ vật được chuẩn bị chu đáo, thậm chí nhiều gia đình mua những bánh trái mà xưa kia người đã khuất thường ăn để tỏ lòng tri ân.
Thậm chí những vật hàng mã được nhiều gia chủ "gửi" xuống cho người âm sử dụng.
Một cụ già rưng rưng trước ngôi mộ của cha mẹ mình đã an nghỉ nơi chín suối từ lâu.
"Tết Thanh minh không phải Tết chính nhưng bao hàm nhiều ý nghĩa về cuội nguồn, gợi nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người đã khuất. Nhân ngày này con cháu có dịp tụ hội, quây quần về cùng nhau tới các phần mộ của các thân nhân của mình để tảo mộ", Đại đức Thích Trí Thịnh chia sẻ.
Người dân nhiều nơi kết hợp Tết Thanh minh với Tết Hàn thực, tức ngày bánh trôi bánh chay, được tổ chức vào ngày 3 tháng 3 Âm lịch. Tuy nhiên, trên thực tế Tết Thanh minh đi theo quy luật vận hành của mặt trời - lịch dương, chứ không theo lịch mặt trăng - lịch âm, thường rơi vào ngày 4 hoặc ngày 5 của tháng Tư dương lịch.