Tránh ngay 6 thói quen nấu nướng gây hại cho gia đình bạn

Khánh Vi (Theo Aboluowang), Theo VTV 12:22 12/10/2024
Chia sẻ

Muốn nấu ăn ngon mà vẫn đảm bảo sức khỏe? Bài viết này sẽ giúp bạn thay đổi 6 thói quen xấu thường gặp.

Nấu ăn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi gia đình, nhưng một số thói quen sai lầm trong quá trình nấu nướng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe mà nhiều người không hề hay biết. Dưới đây là 6 thói quen nấu nướng phổ biến nhưng có thể gây hại cho gia đình bạn, cùng với cách khắc phục để bảo vệ sức khỏe của cả nhà.

Tránh ngay 6 thói quen nấu nướng gây hại cho gia đình bạn- Ảnh 1.

Ảnh: Buzzfeed

1. Sử dụng lại dầu ăn đã qua sử dụng

Việc tái sử dụng dầu ăn để tiết kiệm chi phí là thói quen mà nhiều gia đình mắc phải. Tuy nhiên, khi dầu ăn được đun nóng nhiều lần, nó sẽ sản sinh ra các chất độc hại như acrylamide, gây hại cho hệ tiêu hóa và làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Để bảo vệ sức khỏe, hãy chỉ sử dụng dầu ăn một lần và chọn các loại dầu có điểm khói cao như dầu ô-liu hoặc dầu dừa.

2.Đun dầu quá nóng

Đun dầu quá nóng có thể gây hại đến sức khỏe. Hầu hết dầu thực vật mà chúng ta sử dụng hiện nay đều là dầu tinh luyện. Khi dầu bắt đầu bốc khói, điều đó có nghĩa nhiệt độ đã đạt mức rất cao. Nếu cho thực phẩm vào lúc này, không chỉ làm mất đi các vitamin, protein và dưỡng chất khác trong thực phẩm, mà còn có nguy cơ tạo ra các chất gây ung thư như acrylamide và benzopyrene, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư đường tiêu hóa.

Để tránh điều này, bạn nên chỉ làm nóng dầu đến khoảng 50-60 độ C. Khi thử bằng đầu đũa mà thấy có bọt nhỏ xuất hiện, đó là dấu hiệu cho thấy dầu đã sẵn sàng để cho thực phẩm vào nấu.

3. Dùng nồi, chảo trầy xước nhiều lớp chống dính

Nồi, chảo chống dính bị trầy xước có thể giải phóng các hợp chất hóa học như PFOA (axit perfluorooctanoic) khi tiếp xúc với nhiệt độ cao. Các chất này có thể gây hại cho gan và hệ thần kinh khi bị hấp thụ vào cơ thể. Vì vậy, khi nồi, chảo chống dính bị hư hỏng, hãy thay mới để đảm bảo an toàn cho gia đình.

4. Rửa thực phẩm sơ sài trước khi nấu

Rửa thực phẩm không đúng cách hoặc quá sơ sài có thể khiến dư lượng thuốc trừ sâu, vi khuẩn và các chất độc hại khác bám vào thực phẩm. Hãy ngâm rau, củ, quả trong nước muối loãng khoảng 15-20 phút trước khi rửa sạch dưới vòi nước để loại bỏ các chất độc hại.

5. Nấu thức ăn ở nhiệt độ cao trong thời gian dài

Nấu thức ăn ở nhiệt độ quá cao trong thời gian dài có thể làm giảm hàm lượng dinh dưỡng trong thực phẩm, đồng thời tạo ra các chất độc hại như HCAs và PAHs (hydrocarbon thơm đa vòng). Những chất này có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Thay vì chiên, xào hoặc nướng ở nhiệt độ cao, hãy thử các phương pháp nấu ăn nhẹ nhàng hơn như hấp, luộc để giữ nguyên giá trị dinh dưỡng.

6. Thớt, đũa bị mốc không được thay thế kịp thời

Thớt và đũa bị mốc không được thay thế kịp thời có thể gây hại sức khỏe. Ai cũng biết rằng không nên ăn thực phẩm bị mốc vì aflatoxin, một chất độc mạnh gấp 68 lần asen và có thể gây ung thư gan. Tuy nhiên, bạn đã bao giờ quan tâm đến thớt và đũa của mình chưa?

Thớt gỗ và đũa gỗ sau thời gian dài sử dụng thường có những vết xước nhỏ. Do tiếp xúc thường xuyên với nước và thức ăn, chúng dễ trở thành nơi trú ngụ của vi khuẩn. Khi thớt hoặc đũa xuất hiện những đốm đen, điều này cho thấy nấm mốc đang phát triển. Một số người chọn cách đun sôi hoặc phơi nắng để khử mốc, nhưng aflatoxin chỉ bị phân hủy ở nhiệt độ 280°C, nên những phương pháp này không hiệu quả.

Vì vậy, cần làm sạch thớt và đũa ngay sau khi sử dụng, để ở nơi thoáng gió để chúng khô ráo, và thay thế ngay khi chúng có nhiều vết xước rõ rệt hoặc bị mốc.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày