Việc áp dụng học phí cho sinh viên quốc tế tại những nước đang miễn học phí cho thấy quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục bậc cao và xây dựng chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, đi kèm với đó là lo ngại số lượng sinh viên quốc tế sụt giảm và gây bất bình đẳng giáo dục.
Có đem lại công bằng?
Sau một thời gian tranh luận căng thẳng, Quốc hội Na Uy đã chính thức bãi bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên quốc tế ngoài Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) và Thụy Sĩ. Như vậy, kể từ mùa Thu năm 2023, sinh viên quốc tế đến Na Uy có thể phải đóng học phí nhưng mức đóng chưa được công bố.
Quyết định mới của Na Uy đã chính thức chấm dứt một kỷ nguyên hỗ trợ hiệu quả dành cho sinh viên quốc tế. Từ năm 1993, Chính phủ Na Uy cấp 1.000 chỉ tiêu học bổng cho sinh viên quốc tế đào tạo tại Na Uy theo các trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Ngoài ra, nước này cũng miễn giảm học phí hoàn toàn cho sinh viên quốc tế đăng ký vào các trường đại học, cao đẳng. Du học sinh chỉ cần đóng khoảng 30 –-60 euro để chi trả các khoản phí sinh viên như hội phí sinh viên, phí tư vấn sức khỏe... Điều này giúp Na Uy mỗi năm thu hút hàng nghìn sinh viên quốc tế và những ứng viên được nhận có trình độ tốt.
Ông Emmanuel Ovon Babatunde, cố vấn cấp cao tại Bộ phận Nghiên cứu và Đổi mới, Đại học Bergen, Na Uy, đánh giá chương trình này là “một trong những chương trình giáo dục đại học tốt nhất châu Âu”. Sinh viên được nhận vào dựa trên thành tích và không có sự phân biệt đối xử nên họ là những sinh viên xuất sắc nhất.
Vì vậy, xung quanh việc Na Uy thu học phí đã nhận được không ít những ý kiến trái chiều. Bộ trưởng Nghiên cứu và Giáo dục Đại học Na Uy, Ola Borten Moe, nhận định biện pháp trên là công bằng vì theo quy định, sinh viên Na Uy phải trả học phí khi du học nước ngoài nên sinh viên nước ngoài đến Na Uy cũng nên làm điều tương tự.
Ngoài ra, theo ông Ola, sinh viên quốc tế lựa chọn Na Uy không phải vì chi phí mà vì chất lượng giáo dục của nước này được đánh giá cao trên thế giới. Việc thu học phí còn giúp kiểm soát số lượng du học sinh tại Na Uy; đồng thời, mở rộng điều kiện học tập và sinh hoạt cho sinh viên trong nước.
Còn ông Himanshu Gulati, cựu Ngoại trưởng Na Uy, ủng hộ ý tưởng miễn học phí giáo dục đại học nhưng “không nên miễn học phí cho sinh viên quốc tế”. “Giáo dục miễn phí là một phúc lợi và những phúc lợi như vậy nên dành cho quốc gia thay vì dành cho sinh viên quốc tế”, ông Himanshu nhấn mạnh.
Ở chiều ngược lại, ông Lars Olav Grovik, Chủ tịch Hiệp hội các chuyên gia khoa học và kỹ thuật sau đại học Na Uy, cho biết, hơn 100.000 thành viên phản đối kế hoạch và cho rằng động thái này sẽ làm suy yếu chất lượng giáo dục đại học.
“Nhiều sinh viên quốc tế lấy bằng tiến sĩ, sau đó ở lại làm việc và đóng góp vào đội ngũ giảng viên, nghiên cứu khoa học trong giáo dục đại học Na Uy. Đề xuất học phí cho nhóm đối tượng này sẽ khiến việc tuyển dụng nhân tài sụt giảm”, ông Lars phân tích.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà nghiên cứu Na Uy, Guro Lind nhận định đây là một quyết định “thiếu khôn ngoan” và “bất công” với sinh viên quốc tế đến từ các quốc gia nghèo hơn vì họ không thể đáp ứng điều kiện mới của Na Uy.
Số lượng sinh viên nước ngoài đến Na Uy theo đó sẽ sụt giảm, kéo theo đó là sụt giảm chất lượng đầu vào của sinh viên. Bởi lẽ nhiều sinh viên có thành tích học tập xuất sắc nhưng bị cản trở cơ hội học tập vì học phí.
Sinh viên quốc tế tại Na Uy được hưởng chính sách miễn học phí.
Nâng tầm giáo dục quốc tế
Bên cạnh Na Uy, Trung Quốc nhen nhóm ý tưởng thu học phí với sinh viên quốc tế. Trong năm 2023, học phí đại học đối với sinh viên trong nước đã tăng tới 54%, mức tăng học phí đầu tiên trong 2 thập kỷ ở một số khu vực. Tiếp đó, nhóm chuyên gia giáo dục tại Học viện Công nghệ Bắc Kinh, Trung Quốc, do GS Liu Jin dẫn đầu, đã đề xuất tăng mức học phí của sinh viên quốc tế lên 100 nghìn nhân dân tệ/năm.
Hiện nay, các trường đại học công lập tại Trung Quốc, bao gồm các trường tốp đầu thế giới như Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh... thu học phí tiêu chuẩn đối với sinh viên quốc tế là 20 nghìn nhân dân tệ/năm, tương đương học phí của sinh viên trong nước. Mức đóng này đã được duy trì trong 20 năm.
Chuyên gia giáo dục Qiang Zha, Đại học York, Canada, nhận định hiện nay, nhiều sinh viên quốc tế từ Nam bán cầu đến Trung Quốc. Họ đang sử dụng nhiều nguồn lực tài nguyên công cộng như nhà ở miễn phí, học bổng do các trường đại học trao... Chưa kể học bổng cho sinh viên quốc tế có xu hướng cao hơn so với sinh viên bản địa.
“Ngày càng có nhiều cuộc thảo luận về tăng học phí cho sinh viên quốc tế tại Trung Quốc. Các đề xuất có thể là phản ứng không đồng tình của người dân địa phương khi sinh viên quốc tế được sử dụng cơ sở vật chất, lợi ích tương đương với sinh viên trong nước. Vấn đề này càng trở nên cấp bách sau dịch Covid-19 khi nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn”, ông Qiang chỉ ra.
Là chuyên gia về giáo dục đại học Trung Quốc, ông Joshua Mok Ka-Ho, Phó Hiệu trưởng Đại học Lĩnh Nam, Hồng Kông, lưu ý nhiều trường đại học Trung Quốc đã tăng thứ hạng toàn cầu. Họ nhận thấy sinh viên đến từ một số khu vực, đặc biệt là châu Á, đủ điều kiện để trả học phí cao hơn trong bối cảnh so sánh với học phí vốn đắt đỏ ở các điểm đến phổ biến như Mỹ, Vương quốc Anh.
Theo ông Mok, các trường đại học Trung Quốc đủ tự tin tuyển sinh sinh viên quốc tế vì họ biết mình có lợi thế nếu được đặt lên bàn cân so sánh với các điểm đến du học lớn hay các trường đại học hàng đầu thế giới.
Trong đó, nhiều sinh viên đến từ các nước tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường hay ký kết các hiệp định kinh tế với Trung Quốc. Họ bao gồm sinh viên đến từ châu Á, châu Phi.
“Nhiều sinh viên đến từ các quốc gia thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường thấy được lợi ích từ việc học tập tại Trung Quốc, xây dựng mạng lưới Trung Quốc và những ưu tiên khác”, ông Mok nhận xét.
Tương tự, đề xuất tăng học phí của nhóm GS Liu Jin cũng nhằm cho phép các trường đại học Trung Quốc cung cấp dịch vụ giáo dục tốt hơn và cạnh tranh với các tổ chức giáo dục hàng đầu thế giới. Điều này cũng thu hút sinh viên quốc tế chất lượng cao đến Trung Quốc.
Nhưng nhóm của GS Liu Jin chỉ ra những hạn chế tiềm tàng đối với việc tăng học phí quốc tế. Mức tăng quá cao có thể hạn chế số lượng sinh viên quốc tế đến học tại Trung Quốc, từ đó dẫn đến giảm số lượng cá nhân tài năng đóng góp cho nền kinh tế và xã hội của Trung Quốc.
Nhóm đề xuất chính phủ áp dụng chính sách “phân biệt giá”, cung cấp các khoản tài trợ hoặc trợ cấp cho những sinh viên có tài năng và tiềm năng cao. Điều này sẽ giúp đảm bảo sinh viên nước ngoài có thể tiếp cận giáo dục đại học ở Trung Quốc, bất kể tình hình tài chính của họ.
Đồng thời, việc định một mức phí phù hợp với điều kiện của hầu hết sinh viên quốc tế cũng đảm bảo các nguồn lực được phân bổ hiệu quả và chính phủ không phải chịu gánh nặng tài chính quá mức.
Du học sinh trải nghiệm môi trường giáo dục phổ thông tại Trung Quốc.
Tạo chỗ đứng trên trường quốc tế
Từ trường hợp của Na Uy và Trung Quốc, có thể thấy các tranh luận hầu hết xoay quanh lo ngại sụt giảm sinh viên quốc tế khi tăng học phí. Về vấn đề này, một số quốc gia đã có kinh nghiệm.
Tại Thụy Điển, việc áp dụng học phí đối với sinh viên quốc tế đã thay đổi nền giáo dục theo nhiều cách. Đầu tiên, thách thức là các trường đại học phải thay đổi thủ tục như quy tắc, quy định, chính sách... Sau đó, các trường phải học cách thích nghi về một hệ thống có thu phí, chấp nhận việc sụt giảm sinh viên trong thời gian đầu.
Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục có số lượng lớn sinh viên quốc tế trả phí hiện đang có nguồn thu lớn, hỗ trợ vào việc cải thiện cơ sở vật chất, điều kiện học tập và nâng cao chất lượng giảng viên. Do đó, kể từ năm 2011, Thụy Điển đã củng cố được vị trí là một điểm đến học tập cho sinh viên quốc tế và tạo được chỗ đứng trên thị trường giáo dục toàn cầu.
Trong khi đó, Pháp quyết định nâng học phí với sinh viên ngoài EU từ năm 2019. Sinh viên quốc tế phải trả 2.770 euro/năm (khoảng 71 triệu đồng), thay vì 170 euro (khoảng 4,3 triệu đồng) như trước đây. Đây là mức tăng học phí cao kỷ lục đối với sinh viên quốc tế khi gấp 16 lần so với mức học phí gần đây nhất.
Lo ngại bất bình đẳng khi thu học phí sinh viên quốc tế.
Khi đưa ra đề xuất trên, Chính phủ Pháp đã chỉ ra sự bất hợp lý khi sinh viên nước ngoài giàu có trả cùng mức học phí với sinh viên nghèo ở Pháp - những người mà cha mẹ đã sống, làm việc và đóng thuế cho đất nước trong nhiều năm. Tuy nhiên, Chính phủ Pháp cũng cân nhắc đến các trường hợp sinh viên quốc tế đến từ những nước thu nhập thấp hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Khoản phí đã tăng chỉ đại diện cho 1/3 chi phí thực tế của khóa học vì phần còn lại được trả bởi Chính phủ Pháp. Số lượng học bổng đại học cũng tăng gấp ba từ 7.000 lên 21 nghìn và sẽ có 14 nghìn khoản trợ cấp dành cho du học sinh đến từ các nước đang phát triển. Theo chính phủ, kết hợp với những khoản tài trợ khác, trung bình một trên bốn sinh viên quốc tế đủ điều kiện nhận trợ cấp hoặc học bổng.
Việc tăng học phí đã góp phần tăng sức hút của giáo dục bậc cao của Pháp. Với mức học phí gần như miễn phí, nhiều sinh viên quốc tế, bao gồm Trung Quốc, xem như dấu hiệu của chất lượng thấp và không muốn lựa chọn Pháp.
Hơn nữa, Pháp coi việc tăng học phí như một sự đánh đổi giữa số lượng và sự đa dạng của sinh viên quốc tế. Việc học phí tăng làm giảm số lượng sinh viên quốc tế đến Pháp nhưng lại đóng góp cho nền kinh tế Pháp và nâng cao chất lượng của các trường đại học nước này khi được tăng nguồn ngân sách.
Kết quả, năm 2021 - 2022, Pháp ghi nhận số lượng sinh viên quốc tế đăng ký tăng 8%, vượt quá 400 nghìn người. Theo Bộ Ngoại giao Pháp, đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2005, trong đó, số lượng sinh viên tăng mạnh nhất từ khu vực châu Mỹ, châu Âu, Trung Đông - Bắc Phi. Trong khu vực EU, Pháp vẫn là một trong những quốc gia thu hút đông sinh viên quốc tế, bất kể việc nước này đã tăng học phí.
Đan Mạch là quốc gia Bắc Âu đầu tiên thu học phí sinh viên quốc tế ngoài EU từ năm 2006, theo sau là Thụy Điển vào năm 2011. Phần Lan đưa ra giai đoạn thử nghiệm thu học phí sinh viên quốc tế kéo dài 5 năm từ 2010 - 2014 nhưng cuối cùng lại giữ nguyên mức thu học phí. Đầu năm 2022, vấn đề này tiếp tục được Chính phủ Phần Lan đem ra tranh luận.