Con trai 16 tuổi bỗng dưng đòi đi du học, bà mẹ có cách ứng xử đáng khen

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ Việt Nam 15:35 05/07/2023
Chia sẻ

Không phải đứa trẻ nào giỏi ngoại ngữ, có chút tài chính cũng có thể đi du học sớm. Nhiều cha mẹ bắt con gánh ước mơ của mình mà chưa thực sự hiểu con mình hay hiểu về nơi có thể con sẽ tới.

Ngày nay, du học trở nên phổ biến hơn và độ tuổi thì trẻ hóa dần. Nhiều cha mẹ sẵn sàng nhịn ăn nhịn mặc, cho con "ra biển lớn" từ sớm để bằng bạn bằng bè. Nhưng để con đường học tập nơi xứ người của con suôn sẻ, cha mẹ cần chuẩn bị những gì và làm sao để nhận diện được liệu con mình có phù hợp để đi du học hay không?

Một người mẹ đến từ Quảng Đông (Trung Quốc) mới đây có cách ứng xử khá khôn khéo khi con trai 16 tuổi nhất quyết muốn đi du học. Chị nói với con: "Gia đình ta không có nhiều tiền như vậy đâu", cậu con trai trả lời: "Chỉ cần mẹ cho con học phí năm đầu tiên, sau này mẹ không cần lo lắng nữa". Trên thực tế, gia đình chị có thể đủ điều kiện lo hết 4 năm học cho con, tuy nhiên, điều chị muốn biết là ở thời điểm này, con có thích hợp để ra nước ngoài?

Thấy con trai vẫn kiên trì thuyết phục, người mẹ nảy ra một sáng kiến: "Chúng ta hãy dùng hai tháng nghỉ hè để thực hiện một cuộc mô phỏng du học, xem con có thể sống mà không cần đưa tiền cho con trong hai tháng. Con tiếp tục học tiếng Anh, tiếp tục đi làm thêm, xem có thể nuôi sống bản thân không, nếu kiên trì thì mẹ có thể cân nhắc".

Con trai 16 tuổi bỗng dưng đòi đi du học, bà mẹ có cách ứng xử đáng khen - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Hai tháng này đứa trẻ đã vất vả làm nhiều công việc, cuối cùng không chỉ tự lo cho bản thân, còn dư thêm 500 nhân dân tệ (khoảng 1,7 triệu đồng). Nhìn thấy con có khả năng tự lập dù xa gia đình, lại có kiến thức và vốn tiếng Anh trôi chảy, hoạt động ngoại khóa sôi nổi, bà mẹ quyết định đồng ý. Chị cùng con lên kế hoạch săn học bổng, làm hồ sơ du học. Chị cũng khuyến khích con tập trung học hành, không đặt nặng vấn đề làm thêm.

Cách "thử" con của bà mẹ này được nhiều người khen ngợi.

Trong một hội nghị về vấn đề du học, một chuyên gia về giáo dục gia đình ở Trung Quốc từng chia sẻ câu chuyện như sau:

"Mười ngày trước, tôi bắt taxi từ ngoại ô Bắc Kinh đến sân bay. Người tài xế nghe thấy tôi nói chuyện với người khác và biết tôi là một nhà giáo dục nên muốn thảo luận về việc học của con mình.

Trên chuyến đi kéo dài 1 giờ đồng hồ, người bố kể chuyện, rằng ông hy vọng con trai sẽ đến Anh. Ông nói: 'Gia đình chúng tôi có tổng cộng 1,5 triệu nhân dân tệ (khoảng 4,9 tỷ đồng) tiền tiết kiệm, chúng tôi có thể đầu tư số tiền đó. Vợ chồng tôi kiếm được 20.000 nhân dân tệ mỗi tháng (khoảng 65 triệu đồng) và chúng tôi có thể dành riêng cho con 15.000 nhân dân tệ (khoảng 49 triệu đồng)'. Tôi hỏi anh: 'Anh có biết các trường đại học của Anh không? Con anh có thích hợp ra nước ngoài không?'. Người cha lúng túng, ông không thể giải thích rõ ràng mọi câu hỏi. Tôi nghĩ đây là vấn đề của nhiều gia đình.

Không phải đứa trẻ nào giỏi ngoại ngữ, có chút tài chính cũng có thể đi du học sớm. Nhiều cha mẹ bắt con gánh ước mơ của mình mà chưa thực sự hiểu con mình hay hiểu về nơi có thể con sẽ tới", chuyên gia này nói.

Khi nào con phù hợp để đi du học?

Sau đây là 5 gợi ý của các chuyên gia cho các bậc cha mẹ muốn con cái đi du học sớm:

Đầu tiên, cha mẹ cần kiểm tra năng lực của con đủ để theo học chương trình quốc tế bằng tiếng nước ngoài, không phải là tiếng mẹ đẻ hay không.

Thứ hai, song song với việc nâng cao khả năng ngoại ngữ của trẻ, cần chú ý nhiều hơn đến việc nuôi dưỡng tính chủ động và tự chủ của trẻ. Cha mẹ cần xem con có kỹ năng hội nhập nền văn hóa, tiếp thu những điều tốt đẹp và tránh xa những cám dỗ hay không. Cha mẹ có thể cho con tham gia các trại hè, những đợt trao đổi sinh viên để làm quen trước môi trường nước ngoài. Những chuyến Summer camp (trại hè), con đi xa cha mẹ, sống tự lập ngắn ngày, trải nghiệm những vất vả, thử thách sẽ giúp con cứng cáp, tự tin hơn khi phải một mình đối mặt với cuộc sống, học tập du học ở xứ người.

Đừng quên trang bị cho con thứ quan trọng nhất để tồn tại ở môi trường học đường nước ngoài chính là kỹ năng học tập.

Thứ ba, cha mẹ cần phân tích ưu - nhược điểm của các phương án khác nhau. Hãy chọn phương án đem lợi ích nhiều nhất, giảm thiểu rủi ro đáng kể. Ngoài ra, cha mẹ hãy cân nhắc vấn đề tài chính, tránh trường hợp xấu xảy ra khiến việc học của con bị gián đoạn.

Thứ tư, cần chuẩn bị về mặt tinh thần, tâm lý. Bố mẹ cần đồng hành cùng con cái, luôn trò chuyện để hiểu nhu cầu, nguyện vọng của con. Ngược lại, con cái cũng cần chia sẻ mọi chuyện với bố mẹ để tìm được sự hỗ trợ tốt nhất. Các bạn học sinh cũng cần chuẩn bị cho mình những cú sốc tinh thần có thể gặp phải như: Nỗi nhớ nhà, khó thích nghi văn hóa, chưa quen lối sống, cường độ làm việc…

Thứ 5, một điều phụ huynh và học sinh cần hết sức lưu ý là tìm trung tâm tư vấn du học uy tín. Hãy tìm hiểu kỹ thông tin về những du học sinh đã từng được phía trung tâm hỗ trợ, chi phí làm hồ sơ, các điều khoản trong hợp đồng giữa hai bên để tránh khoản phí phát sinh… Cần tìm hiểu kỹ lưỡng chất lượng đào tạo của ngôi trường dự định vào học.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần xác định mục tiêu cho con đi du học là gì thay vì đổ xô đi theo trào lưu để lấy danh tiếng. Chẳng hạn, nhiều người muốn con du học để giỏi tiếng Anh. Nhưng chúng ta đang sống ở thế giới phẳng, ngồi ở đâu cũng có thể tiếp nhận được tri thức toàn thế giới.

Vì thế, các bậc cha mẹ không nhất thiết phải cho con du học sớm để rèn luyện tiếng Anh. Nhiều học sinh được đầu tư học ngoại ngữ đúng cách vẫn có thể nói và sử dụng tiếng Anh không thua kém học sinh bản xứ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày