Tiết kiệm là bước đầu tiên để có tài chính ổn định. Tuy nhiên, không phải lúc nào nỗ lực cắt giảm chi tiêu cũng là điều tốt bởi nếu các khoản chi đã "vừa vặn", không quá phung phí thì cắt giảm thêm có thể khiến chất lượng cuộc sống không được đảm bảo. Ranh giới giữa tiết kiệm và sống kham khổ đôi khi cũng rất mong manh điển hình như câu chuyện của gia đình dưới đây.
Cụ thể, một người vợ đã tâm sự về hành trình tay trắng mua nhà của gia đình mình. Cặp đôi có mức lương tàng tàng, không quá cao, như người chồng chỉ tầm 10 triệu/tháng. Thế nhưng cặp đôi vẫn mua được nhà nhờ sống chắt bóp. Tuy nhiên, cả hai chắt bóp đến mức quần áo của con toàn đồ si khiến nhiều người cũng tranh cãi.
Ảnh minh hoạ.
Nguyên văn dòng tâm sự của người vợ như sau:
"Chỉ cần khéo léo chi tiêu thì trong nhà cái gì cũng có, còn tiêu hoang thì đến cái chun cũng chẳng giữ nổi. Vợ chồng mình chẳng khá giả gì, mình là giáo viên tiểu học, chồng cũng làm công ăn lương tháng tầm 10 triệu, có thêm nguồn thu buôn bán thì nhỏ lẻ thôi. Học hành thì mình chỉ học cao đẳng, chẳng bằng ai, chẳng hơn ai.
Vậy mà tới ngày báo mua được nhà, ai nghe cũng tròn mắt ngạc nhiên. Thiệt ra cũng không có bí quyết gì to tát, chỉ là biết tiết kiệm, biết co kéo. Không tiêu ngẫu hứng, không mua đồ theo lố.
Đồ cho con thì chỉ mua mới vài bộ cần thiết, còn lại toàn đồ si (PV - đồ secondhand. Ý chỉ hàng đã qua sử dụng (đồ sida) và được bán lại cho người có nhu cầu). Ai cho gì mình cũng xin về, con mặc xong nếu còn tốt lại san sẻ cho người khác. Hàng si mà chất lượng lắm, vải đẹp, mát, con mặc rất thích.
Cần gì là như có duyên, lại gặp được người bán đồ cũ đúng món mình kiếm. Như cái bàn học của con, mình mua lại hồi năm 2020 có 300k mà giờ vẫn còn xài ngon lành. Đôi giày trượt patin cũng là hàng si, 60k thôi mà con đi mê tít. Nhiều khi nghĩ, khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, sống biết đủ thì đời cũng nhẹ nhàng hơn nhiều ".
Đồ si tiết kiệm và rẻ, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khoẻ. (Ảnh minh hoạ)
Bên dưới bài đăng, nhiều người đã bình luận về dòng tâm sự của người vợ. Trong đó, nhiều người đã dành lời khen cho sự tiết kiệm và chắt chiu, biết vun vén từng đồng của cô đã giúp gia đình mua được căn nhà. Thế mới thấy dù lương không quá cao, nhưng biết vun vén thì rồi cũng sẽ sở hữu được bất động sản!
Tuy nhiên, ở phía ngược lại, bài đăng cũng tạo nên tranh cãi. Netizen cho rằng biết tiết kiệm là tốt, song cách tiết kiệm của người vợ này đang hơi quá. Bởi người vợ tâm sự chỉ mua vài món đồ cần thiết cho con, còn lại quần áo và đồ dùng thì toàn đồ secondhand hoặc đồ của người khác cho.
Điều này sẽ khiến đứa trẻ sinh tâm lý e ngại, thậm chí còn tự ti với bạn bè. Nếu dùng đồ cũ nhiều mà không biết chọn lọc còn có thể sinh ra bệnh tật cho chính con cái của mình. Một số đưa ra lời khuyên là bây giờ cặp đôi đã mua được nhà, tình hình kinh tế khá hơn thì cũng nên chi tiêu thoáng tay cho con. Thỉnh thoảng sắm vài bộ độ mới (phù hợp với mức chi tiêu) cũng khiến đứa trẻ thấy hạnh phúc hơn nhiều!
Suy cho cùng, mỗi gia đình lại có hoàn cảnh và điều kiện sống khác nhau. Sau tất cả, miễn gia đình này đủ đầy, con cái hạnh phúc thì với mức sống bao nhiêu cũng đều ổn hết!
Biết vun vén là tốt, nhưng chất lượng cuộc sống cũng quan trọng không kém. (Ảnh minh hoạ)
Dưới đây là một số bình luận nổi bật:
- "Mình quan niệm giống bạn. Mình không ngại mặc đồ si. Nhà mình có giáo sư, tiến sĩ còn thạc sĩ thì mỗi cháu có 1 bằng, riêng mình có 2 bằng đại học, thu nhập tốt. Mà cả nhà các bác trai bác gái và cả bố mẹ con cái vẫn thích mua đồ secondhand đẹp để mặc. Riêng mẹ mình có đeo vòng ngọc trai 200-300 triệu/chiếc mà bà vẫn thích đồ cũ. Dù vẫn mua đồ mới, vẫn mua hàng hiệu. Cả nhà trộm vía đến giờ cả đại gia đình khoẻ mạnh, tinh thần ổn định, làm ăn tốt. Quan trọng là mình vững, mình sống đạo đức, biết cẩn thận, biết chăm chỉ làm lụng."
- "Đồng quan điểm, từ thời độc thân em cũng hay mua đồ si. Nếu đi tiệc em sẽ mua váy đầm mới, vì độc thân làm cũng khá nên mua váy mới thì hàng thiết kế mới mang được và hợp gu. Khi lấy chồng kinh tế eo hẹp, muốn mua đồ cho mình thì mua hàng si tuyển, vừa mua được nhiều, đồ thay đổi, mà chất vải nó hơn hẳn hàng mới ở chợ. Chẳng ai biết là em dùng hàng si.
Nhiều người mặc định hàng si là cũ, nhưng si có nhiều loại nhé, và ai kén hơn thì kiếm mấy shop chuyên bán đồ thanh lý hay lỗi mốt mà giá chỉ bằng nửa thị trường ấy. Em mua đồ Tết hay tặng ở mấy chỗ ấy ai cầm đồ cứ tưởng hàng triệu, trong khi đó mình tiết kiệm được rất nhiều. Và 30 tuổi em đã xây được nhà riêng là thành công đầu tiên nhờ sự cố gắng của mình. Thực tế xung quanh em thì nhiều người dù mức lương cao nhưng vung tay quá trán thì cuối cùng cuộc sống cũng không khá lên được nếu không biết chi tiêu hợp lý".
- "Mình thấy tiết kiệm là tốt và cần phải tiết kiệm nhưng tiết kiệm như này thì thực sự khổ thân con quá. Ngày Tết con cũng cần có bộ quần áo mới, đôi giày mới. Mình không thích toàn bộ đồ là mặc đồ người khác cho và đồ si."
- "Bác vén khéo quá. Tuy nhiên thì như ý kiến riêng của em là em mặc đồ si thì được, chứ con em thì không. Tại đồ si em nghe mọi người nói là có đồ ủ kho lâu năm, có đồ do người khác mặc rồi gom bán lại. Thậm chí có đồ từng là đồ của người đã mất, nên cố gắng lo cho con đc những điều tốt nhất, còn mình thì như nào cũng được ạ".
- "Em hiểu bài viết đang lan tỏa thông điệp tiết kiệm. Với em tiết kiệm đúng là rất tốt. Nhưng em cũng từng có bố mẹ tiết kiệm thì em chia sẻ một chút ạ. Em cũng hay mặc đồ cũ, đồ cho lại của người khác, thường là lỗi mốt rồi họ mới cho. Xe em đi cũng là mua cũ, nó không hỏng chỗ này thì hỏng chỗ khác. Em thời đi học hay bị bạn bè trêu chọc, xe hay hỏng nắng mưa toàn dắt bộ. Nên theo em mua mới nhưng không chạy theo mốt là được, mua mới nhưng dùng cẩn thận, dùng bền lâu hơn là mua cũ. Em chia sẻ quan điểm cá nhân thôi ạ. "
Ảnh minh hoạ.
Tiết kiệm là chìa khóa để xây dựng tài chính vững chắc, nhưng nếu tiết kiệm quá mức, bạn có thể rơi vào lối sống kham khổ, mất đi niềm vui hàng ngày. Ngược lại, chi tiêu thoải mái mà không tiết kiệm sẽ khiến bạn khó đạt được mục tiêu dài hạn như mua nhà, du lịch, hay nghỉ hưu sớm.
Vậy thì nên tiết kiệm bao nhiêu là đủ?
Để tiết kiệm mà không kham khổ, bạn cần xác định mức chi tiêu giúp bạn sống thoải mái, phù hợp với lối sống và hoàn cảnh cá nhân. Hãy liệt kê các khoản chi thiết yếu (nhà ở, thực phẩm, đi lại) và những thứ mang lại niềm vui (ăn ngoài, xem phim, mua sắm nhỏ).
Ví dụ, nếu bạn kiếm 15 triệu/tháng và cần 8 triệu cho sinh hoạt cơ bản, bạn có thể dành 2 triệu cho sở thích như cà phê cuối tuần hoặc du lịch ngắn ngày, để lại 5 triệu để tiết kiệm. Theo dõi chi tiêu trong 1-2 tháng bằng ứng dụng sẽ giúp bạn biết đâu là khoản có thể cắt giảm mà không ảnh hưởng đến chất lượng sống, như giảm từ 2 triệu xuống 1 triệu cho ăn ngoài.
Một cách hiệu quả để cân bằng tiết kiệm và chi tiêu là áp dụng quy tắc phân bổ thu nhập, như 50/30/20 (50% nhu cầu thiết yếu, 30% nhu cầu cá nhân, 20% tiết kiệm) hoặc 60/20/20 nếu chi phí sinh hoạt cao.
Với thu nhập 20 triệu/tháng, quy tắc 50/30/20 cho phép bạn chi 10 triệu cho sinh hoạt, 6 triệu cho sở thích, và tiết kiệm 4 triệu. Nếu muốn tiết kiệm nhiều hơn mà vẫn thoải mái, thử quy tắc 60/20/20: 12 triệu cho sinh hoạt, 4 triệu cho sở thích, và 4 triệu tiết kiệm.
Điều chỉnh tỷ lệ dựa trên thu nhập và ưu tiên - nếu bạn muốn tích lũy nhanh, tăng tiết kiệm lên 25-30%, nhưng đảm bảo vẫn có 15-20% cho giải trí và chăm sóc bản thân để tránh cảm giác thiếu thốn.
Ảnh minh hoạ.
Một quỹ dự phòng đủ lớn là yếu tố then chốt để bạn tiết kiệm nhiều mà không lo kham khổ, vì nó giúp bạn đối phó với tình huống bất ngờ như mất việc hoặc chi phí y tế. Hãy nhắm đến quỹ dự phòng bằng 6-12 tháng chi phí sinh hoạt. Ví dụ, nếu bạn chi 10 triệu/tháng, mục tiêu là tiết kiệm 60-120 triệu.
Bắt đầu bằng cách dành 10-15% thu nhập mỗi tháng - như 2 triệu từ lương 15 triệu – vào tài khoản tiết kiệm riêng, ưu tiên ngân hàng có lãi suất tốt (5-6%/năm). Khi có quỹ dự phòng, bạn sẽ tự tin chi tiêu cho sở thích mà không lo rủi ro, đồng thời tiếp tục tích lũy cho các mục tiêu lớn như mua xe hoặc đầu tư.
Để tiết kiệm nhiều mà không hy sinh chất lượng sống, bạn cần chi tiêu thông minh thay vì cắt giảm mọi thứ. Hãy tìm cách giảm chi phí mà không làm mất niềm vui: Mua thực phẩm số lượng lớn để tiết kiệm 500 nghìn/tháng, săn ưu đãi khi mua quần áo, hoặc chọn gói cước chung với bạn bè. Ngoài ra, cân nhắc đầu tư vào các khoản mang lại giá trị lâu dài, như khóa học kỹ năng (2 triệu) thay vì đồ dùng xa xỉ, để vừa phát triển bản thân vừa giữ tài chính lành mạnh.
Cuối cùng, mức độ tiết kiệm cần linh hoạt để phù hợp với mục tiêu tài chính và thay đổi trong cuộc sống. Nếu bạn nhắm đến mục tiêu lớn như mua nhà 2 tỷ trong 5 năm, có thể tăng tiết kiệm lên 30-40% thu nhập (6-8 triệu/tháng từ lương 20 triệu), nhưng vẫn giữ 10-15% cho sở thích để tránh kiệt sức.
Nếu thu nhập giảm hoặc có chi phí phát sinh, tạm giảm tiết kiệm xuống 10% và tập trung tối ưu hóa chi tiêu. Hãy kiểm tra tài chính hàng quý để đánh giá xem mức tiết kiệm có còn phù hợp. Ví dụ, nếu bạn nhận thưởng Tết 50 triệu, hãy dành 70% để tiết kiệm và 30% để thưởng cho bản thân một chuyến du lịch. Sự linh hoạt này giúp bạn duy trì thói quen tiết kiệm lâu dài, vừa tích lũy nhiều vừa sống thoải mái.