Tranh cãi về việc có nên tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em?

Vân Ánh - Quang Duy, Theo VTV 22:22 16/05/2021

Trên thế giới đang diễn ra một cuộc tranh luận gay gắt về tính cần thiết phải tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, trong khi đa số thuộc diện có nguy cơ thấp.

Mỹ và Canada đã bắt đầu mở rộng việc tiêm vaccine phòng COVID-19 tới trẻ em từ 12 đến 15 tuổi. Liệu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em có là cách tốt nhất vào giai đoạn hiện nay của đại dịch? Những người đặt ra câu hỏi này lý luận rằng nhiều người trưởng thành ở các nước đang phát triển còn đang chờ được tiêm mũi vaccine đầu tiên mà chưa được, trong khi đa số trẻ em không thuộc diện nguy cơ cao.

Nhưng nước Mỹ thì nghĩ khác. Phụ huynh, các trường học và giới y tế công cộng ở nước này mong muốn tạo tấm khiên bảo vệ học sinh phổ thông cơ sở và trung học trước khi chúng vào năm học tới. Thậm chí, các nhà bào chế vaccine Mỹ còn đang thử nghiệm vaccine cho trẻ 6 tháng đến 11 tuổi. Họ lý luận rằng trẻ em chiếm số lượng đáng kể trong dân số, nên cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn dịch lây lan.

Tranh cãi về việc có nên tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em? - Ảnh 1.

Ngày 24/3, Alejandra Gerardo, 9 tuổi được tiêm mũi vaccine COVID-19 của Pfizer đầu tiên trong một thử nghiệm lâm sàng cho trẻ em tại Đại học Duke, Mỹ (Ảnh: AP)

GS Yvonne Maldonado - Bác sĩ nhi, chuyên gia dịch tễ, Đại học Stanford (Mỹ) cho rằng: "Chúng ta đã chứng kiến hơn 3.500 trẻ em Mỹ nhiễm SARS-CoV-2, hàng nghìn em trong số này phải nhập viện, khoảng 300-600 em đã tử vong. COVID-19 hiện nằm trong top 10 bệnh gây tử vong hàng đầu cho trẻ em, thế nên con số có vẻ nhỏ, nhưng vẫn là rất lớn so với tổng số ca tử vong ở trẻ dưới 18 tuổi".

Chính phủ Anh thì tuyên bố rằng họ không có kế hoạch tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em. GS Adam Finn - Liên Ủy ban về vaccine của Anh, Nhóm làm việc về Vaccine của WHO cho biết: "Nhấn mạnh vào việc phân phối vaccine cho các cộng đồng có nguy cơ cao không đồng nghĩa với việc nói là nên tiêm phòng cho hàng triệu trẻ em ở Mỹ, trong khi gần như không em nào trong số này sẽ phát bệnh khi tiếp xúc với COVID-19, và thực ra gần như không em nào sẽ tiếp xúc với COVID-19 nếu toàn bộ người trưởng thành đã được tiêm phòng đầy đủ".

Châu Âu hiện cũng chưa xem xét tiêm phòng cho những trẻ em không bị nhiều bệnh một lúc. "Hiện nguồn cung vaccine còn hạn chế, nên nguồn cung này cần phải hướng tới việc ngăn chặn các ca tử vong, nhập viện và cuối cùng là ngăn bệnh lây lan trong toàn bộ dân số", GS Adam Finn nói.