Toa tàu "an toàn" cho nữ giới
Nhật Bản là một trong những quốc gia có nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông công cộng cao nhất thế giới. Hình ảnh những chuyến tàu đầy ắp người trong giờ cao điểm không còn quá xa lạ. Nhiều tay "yêu râu xanh" cũng lợi dụng lúc đông đúc mà sờ soạng các hành khách nữ. Phần đông nạn nhân đều im lặng chịu đựng vì họ sợ xấu hổ ở nơi công cộng và vì vai trò của nữ giới ở Nhật chưa thực sự được coi trọng.
Những sân ga, toa tàu chật kín người không phải hình ảnh hiếm thấy vào giờ cao điểm.
Cách đây gần 20 năm, các công ty tàu hỏa Nhật Bản đã sắp xếp một số toa xe chỉ dành riêng cho phụ nữ, như một nỗ lực bảo vệ nữ giới khỏi những kẻ quấy rối tình dục. Thật ra từ những năm 1912, người ta cũng đã nghĩ đến những toa tàu theo kiểu này để bảo vệ các cô gái trẻ khỏi những ánh mắt khiếm nhã của cánh đàn ông, tuy nhiên, vì nhiều nguyên do, ý tưởng này không thể thực hiện được. Phải đến năm 2000, khi tình trạng tấn công tình dục trên phương tiện công cộng ngày càng trầm trọng, những toa xe đặc biệt trên mới được chính thức đưa vào vận hành.
Từ khi có quy định mới này, hầu hết trẻ em gái, nữ sinh, nữ nhân viên… đều cảm thấy an tâm và thoải mái hơn khi di chuyển bằng tàu. Không còn nữa những giờ đồng hồ chen chúc trên xe trong bất an, lo sợ.
Phái yếu cảm thấy yên tâm hơn trên những toa tàu này.
Sự bất công đối với nam giới?
Tuy ý tưởng này được phái yếu hết sức đồng tình, phần đông nam giới lại cho rằng, đây là một hành động phân biệt giới tính, và thật bất công khi họ phải trả giá vé tương tự cho những toa xe chật chội, đông đúc hơn.
Các quy định về toa xe dành cho phụ nữ không được quy định trong luật pháp, mà dựa vào sự tự giác của các hành khách. Giờ đây, vấn đề này lại biến thành một mối xung đột lợi ích giữa nam và nữ giới.
Những biển chỉ dẫn thế này khiến nam giới cảm thấy bị phân biệt đối xử
Tờ Mainichi đưa tin một vụ việc xảy ra hồi tháng Hai tại nhà ga Nezu, trên đường tàu Chiyoda của Tokyo, 3 người đàn ông và một nhóm phụ nữ đã cãi cọ căng thẳng trên sân ga vào giờ cao điểm buổi sáng. Nguồn cơn sự việc là do tranh chấp quyền sử dụng toa xe dành cho phụ nữ. Ga Katsura ở Kyoto hồi đầu năm nay cũng đã xảy ra một sự cố tương tự.
Một ý kiến khác cho rằng, việc "cách ly" nam giới như vậy khiến họ cảm thấy mình bị xem như những tên tội phạm, những kẻ biến thái sẵn sàng giở trò nếu có thời cơ. Họ cho rằng nên tố cáo và xử lý đích đáng những kẻ quấy rối, thay vì đánh đồng tất cả nam giới đều là mối nguy hại cho phụ nữ theo cách mà các hãng tàu đang làm.
Một xã hội hiện đại và ích kỉ
Tuy còn nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề này, nhưng hầu hết những ý kiến phản đối đều đến từ việc lợi ích cá nhân bị ảnh hưởng.
Ông Makoto Watanabe, phó giáo sư ngành Truyền thông đa phương tiện tại Đại học Hokkaido Bunkyo, cho rằng, trên quy tắc thì việc đàn ông đi trên toa tàu dành cho phụ nữ không bị quy là phạm pháp. Dù pháp luật không quy định, nhưng việc nam nữ đi trên những toa riêng là phương án khả quan nhất hiện nay để phụ nữ cảm thấy an toàn khi di chuyển bằng tàu. Ban đầu, những người đề xuất cho rằng, tất cả mọi người sẽ tự nguyện thực hiện, vì họ sẽ ý thức được đây là một hành động cần thiết và đúng đắn.
Dù còn gây nhiều tranh cãi, đây vẫn là phương án khả quan nhất hiện tại
Nhưng dường như xã hội Nhật Bản đã thay đổi quá nhanh. Trong quá khứ, một chuẩn mực đạo đức không bị ràng buộc bởi bất cứ luật lệ nào vẫn được mọi người nghiêm túc thực hiện. Nhưng ở hiện tại, với nhịp sống quá nhanh, họ sẵn sàng bỏ qua những quy tắc ứng xử phải phép, dù ý thức được rằng điều ấy là đúng đắn, và mình nên tôn trọng, tuân theo.
Đây chỉ là một ví dụ trong số rất nhiều những hiện tượng cho thấy các giá trị đạo đức trong xã hội đang bị phớt lờ. Người Nhật đang ngày càng ích kỉ hơn, tập trung vào bản thân hơn và lạnh nhạt với những người xung quanh hơn. Mọi thứ thay đổi rõ rệt chỉ trong vòng 20 năm qua.
Cùng với sự phát triển quá nhanh của xã hội, con người cũng vô tâm và ích kỉ hơn
Nhật Bản là quốc gia được đánh giá cao về con người, về những giá trị đạo đức và văn hóa bền vững, về sự đoàn kết và vị tha. Ông Makoto Watanabe buồn rầu: "Liệu có bao giờ chúng ta nhìn lại, và tự hỏi cái xã hội tuyệt vời của 20 năm trước đã đi đâu mất rồi?"
Nguồn: South China Morning Post