5h30 sáng, khi con trai lục đục kiểm tra lại một số vật dụng, tôi cũng tranh thủ xới bát xôi đậu đỏ, khuyên con ăn no. Hai mẹ con dắt xe, cùng nhau đến điểm thi tốt nghiệp cách nhà 3km. Dù đã dặn dò con hàng chục lần những chuyện liên quan, đến khi bóng con chầm chậm khuất sau cổng trường, tim tôi vẫn đập thình thịch từng nhịp một. Có lẽ, lâu lắm rồi tôi mới có tâm trạng hồi hộp đến thế...
Từ nhiều năm nay, những dịp thi cử của con, dù là một cuộc thi nhỏ cấp trường về học thuật hay về ngoại khóa... vợ chồng tôi luôn phân công người đưa đón. Có khi cả bố mẹ và em gái, khi mẹ bận thì bố nhận trách nhiệm, và ngược lại. Việc đưa đi đón về không phải là sợ con không tự đi được (bởi nhà tôi không cách trường quá xa, hàng ngày con tự đi học), nhưng ít ra, theo tôi, đó là cách giản dị nhất mà cha mẹ có thể làm để động viên, tiếp sức cho con cái mình.
Một hình ảnh đẹp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. (Ảnh: Thanh Hương)
Một phụ huynh có con ở cùng điểm thi kể, chị đã xin nghỉ phép hai ngày đưa con đi thi, thậm chí cũng như tôi, chị cố nán lại trước cổng đợi con làm bài xong. Một ông bố khác chạy từ chỗ làm lên thành phố với quãng đường hơn 90km chỉ để kịp đưa con đến cổng trường. Họ nói với tôi dù có đi làm hay về nhà thì tâm trạng cũng bứt rứt, lo lắng không yên. "Mình làm cả đời, con thì cả đời thi có một đôi lần thôi", người bố nói.
Đội nắng, dầm mưa, ánh mắt đầy quan tâm, trông ngóng... Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa thi, hình ảnh những ông bố bà mẹ cùng con đến trường thi lại làm bao người xúc động...
Vậy nhưng, một hành động "đưa con đi thi" tưởng chừng hiển nhiên và cảm xúc như thế, không hiểu sao năm nào cũng gây tranh cãi. Tôi còn nhớ, năm 2021, dịp thi vào lớp 10 ở Hà Nội, chuyện phụ huynh đưa con đi thi bằng ô tô tận cổng vì sợ con ướt cũng từng khiến dư luận rùm beng một phen. Họ cho rằng phụ huynh ngày nay đã quá bao bọc con. Và phải chăng vì quá thương con, chúng ta đã tước mất đi cơ hội được tự lập của con mình?...
Quan tâm chăm sóc con cái là hạnh phúc, là đặc ân của cha mẹ, lo lắng bồi hồi là những cảm xúc tuyệt vời cần được trải nghiệm. Đành rằng, nuôi dạy con cái không phải là nâng niu chúng trong lòng bàn tay mà phải để chúng học được cách độc lập vững bước.
Nhưng rèn con là 1 quá trình, đâu phải ngày một ngày hai và cứ phải chọn đúng ngày trọng đại của con để mà rèn? Một đứa trẻ nhiều năm được "nâng như trứng, hứng như hoa", liệu có vì vài ngày tự lập mà bỗng dưng trưởng thành lên được hay không?
Cảm giác trước khi bước vào phòng thi được bố mẹ siết chặt tay, trao cái ôm để chúc thi tốt, không tiền bạc nào mua được. Khi con ra khỏi phòng, mừng rỡ vì hoàn thành bài tốt, có bố mẹ tươi cười san sẻ niềm vui. Khi con thất vọng vì kết quả không như ý, rơi những giọt nước mắt trong vòng tay bố mẹ, con sẽ được ủi an và thấu cảm rất nhiều.
Khác với người khác, cha mẹ là những người thương yêu, giúp đỡ và chia sẻ với con vô điều kiện. Tôi tin, nếu không phải vì lý do bất khả kháng, vì công việc mưu sinh khó sắp xếp nghỉ được... thì không ông bố bà mẹ nào muốn để con phải đơn thương độc mã trong một hành trình quan trọng thế này.
Việc đưa con đi thi và việc để cho con trưởng thành vốn dĩ chẳng liên quan gì tới nhau. Việc đưa con đi thi hay không cũng là lựa chọn của mỗi gia đình. Nếu nó không gây ra bất tiện, phiền hà, tốn kém gì cho xã hội, nếu cha mẹ vẫn đảm bảo tốt công việc của mình sau 1, 2 ngày nghỉ thì có đáng phải bàn luận và lên án hay không?
12 năm học sinh của con gói gọn lại trong vài ngày thi. Hơn ai hết, những phụ huynh thừa hiểu, rằng việc đưa đón con chẳng có ý nghĩa gì quá lớn lao, chỉ đơn giản là họ muốn được xuất hiện trong những dấu mốc quan trọng của cuộc đời con mình, được lúc nào hay lúc đó.
Như tôi, mấy chục năm vẫn còn nhớ như in ánh mắt lo lắng và yêu thương của bố mình lúc vẫy tay chào để đi vào phòng thi. Tôi nhiều lần vin vào ánh mắt đó để hiểu và thương bố hơn mỗi khi hai bên có sự mâu thuẫn, bất hòa. Có những thứ thuộc về kỷ niệm, và nó quý giá vô cùng.
Khoảnh khắc đưa con đi thi như một đoạn phim khiến tôi nhớ lại mười mấy năm vừa qua… Ngày đầu tiên bỡ ngỡ cùng con vào lớp 1. Ngày con chuyển cấp thành học sinh lớp 6. Ngày con thi lên lớp 10. 12 năm dằng dặc đã trôi nhanh tưởng như một chớp mắt. Cùng con đi đến hôm nay và được đưa con đi thi, đợi con như vậy là một chặng đường, dù kết quả ra sao, tôi vẫn vừa mừng, vừa thấy tự hào.
Cuộc đời là cả một chuỗi dài hàng chục năm để trẻ trưởng thành, không phải chỉ mỗi một ngày đưa hay không đưa con đi thi. "Dù ai nói ngả nói nghiêng" ra sao, có một điều tôi luôn biết chắc chắn: Bây giờ và sau này, tôi vẫn sẽ có mặt trong mọi sự kiện quan trọng của con. Đó là ý nghĩa của 2 chữ người nhà. Đơn giản như thế mà thôi.