Nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động
Chính thức khởi động tại Trường Đại học Văn Lang và Đại học Bách Khoa – ĐHQG HCM với sự tham dự của hơn 500 sinh viên, "Trường Đại học Xanh" đánh dấu sự hợp tác chiến lược giữa PepsiCo Foods và GRAC trong xây dựng hệ thống thu gom và phân loại rác thải bền vững thông qua ứng dụng công nghệ. Được thực hiện với nỗ lực chung của các trường Đại học, doanh nghiệp, và đặc biệt là các bạn sinh viên, dự án hướng tới mục tiêu "không tạo ra rác thải" thông qua ba trụ cột chính: thiết kế sản phẩm với mục tiêu kéo dài vòng đời vật liệu, giảm thiểu rác thải và phát thải, và khôi phục hệ sinh thái.
Trong bối cảnh này, Trường Đại học Văn Lang, với cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững, đã trở thành điểm sáng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về tầm quan trọng của môi trường sống và tinh thần xanh. Sự tham gia của trường không chỉ khẳng định vai trò tiên phong trong giáo dục môi trường mà còn giúp nâng cao nhận thức và trách nhiệm về môi trường trong sinh viên.
Lễ khởi động "Trạm xanh tái chế" tại Trường Đại học Văn Lang thu hút sự quan tâm của sinh viên từ nhiều ngành học.
Ở giai đoạn thí điểm, dự án tổ chức thu gom rác thải nhựa qua ứng dụng GRAC, nơi các bạn sinh viên có thể tích điểm từ hoạt động đổi rác thải nhựa và nhận các phần quà hấp dẫn. Không chỉ thấy được thực trạng về rác thải ngay tại TP.HCM, chương trình còn giúp các bạn có thêm kiến thức về quy trình tái chế, từ việc phân loại rác thải đến biến chúng thành những sản phẩm mới, giúp kéo dài vòng đời của vật liệu.
Tại Lễ phát động được tổ chức tại Đại học Bách Khoa, bạn Quốc Thắng, Khoa Môi trường và Tài nguyên cho biết: "Hôm nay tụi em đã có thêm nhiều thông tin hữu ích. Em nhìn được bức tranh toàn diện hơn về vòng đời của rác thải khi chúng ta biết cách thu gom, tái chế và không thể tưởng tượng rằng từ rác thải có thể làm nên những vật dụng có giá trị như vậy".
Là một phần quan trọng trong dự án, ứng dụng GRAC - nền tảng quản lý rác thải thông minh, số hóa mạng lưới thu gom rác thải sinh hoạt và tích hợp thanh toán online. Thông qua ứng dụng này, các bạn sinh viên không chỉ tích điểm và nhận quà bằng việc đổi bỏ bao bì snack, nắp chai, mì gói, giấy, vỏ hộp sữa, chai nhựa, ly trà sữa, túi nilon… tại các "trạm xanh", mà còn có thể dễ dàng đặt lịch thu gom rác thải, kết nối với các vựa ve chai, đồng thời nắm rõ hơn về việc phân loại và tái chế rác thải nhựa. Có thể nói, GRAC không chỉ đơn thuần là một công cụ mà còn là giải pháp giúp cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ hình thành thói quen sống xanh hơn, chung tay hành động và đóng góp tích cực vào việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Sinh viên hào hứng tải ứng dụng GRAC và đổi quà tại "trạm xanh".
Đầu năm 2025, bên cạnh việc tổ chức thu gom rác định kỳ tại các trường, giải thưởng "Truyền thông xanh và cuộc thi Tái chế sáng tạo trong khuôn khổ của dự án cũng sẽ diễn ra với nhiều quà tặng hấp dẫn. Và các bạn sinh viên – thế hệ gen Z đầy tài năng và sáng tạo hứa hẹn sẽ mang đến cho dự án những ý tưởng bất ngờ thú vị.
Động lực từ chiến lược Pep tích cực của PepsiCo
Có khoảng 2,62 triệu tấn rác nhựa thải ra môi trường mỗi năm, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải cao hơn mức trung bình của thế giới. Riêng TP. HCM, mỗi ngày phát sinh hơn 9.000 tấn rác thải, trong đó rác nhựa chiếm tỷ trọng lớn, gây áp lực nghiêm trọng lên hệ thống xử lý và môi trường. Từ thực tế này, dự án "Trường Đại học Xanh" là khởi đầu quan trọng để PepsiCo Foods và các đối tác hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức, cải thiện hạ tầng thu gom, thúc đẩy phân loại rác tại nguồn thông qua ứng dụng nền tảng công nghệ và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, nhằm giải quyết vấn đề rác thải đang bức thiết.
Các bạn sinh viên mang rác nhựa đến đổi quà tại "trạm xanh".
Với vai trò tiên phong, PepsiCo Foods thông qua dự án đã tập hợp nguồn lực từ công nghệ hiện đại, sáng kiến cộng đồng và sự đồng hành của các bên liên quan để thiết lập các giải pháp bảo vệ môi trường bền vững. Từ đó, mỗi bên tham gia vào dự án đều tận dụng được thế mạnh riêng, cùng thực hiện trách nhiệm xã hội, tạo ra những thay đổi tích cực cho cộng đồng và thế hệ mai sau.
Dự án cũng nằm trong nỗ lực triển khai chiến lược chuyển đổi toàn diện PepsiCo Positive (Pep tích cực) của PepsiCo trên toàn cầu. Tại Việt Nam, năm 2024 Pep tích cực được hiện thực hóa bằng vốn đầu tư gần 90 triệu USD để xây dựng nhà máy mới hiện đại tại Hà Nam, với cam kết mở rộng chương trình nông nghiệp bền vững, giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động sản xuất và áp dụng bao bì thân thiện hơn với môi trường.
Kệ trưng bày và thùng rác mô phỏng tại sự kiện đều được PepsiCo Foods thực hiện bằng vật liệu tái chế.
PepsiCo Foods Việt Nam cũng hợp tác với các thành viên Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (ProVN) nhằm chung tay hiện thực hóa cam kết thu gom và tái chế khoảng 64.000 tấn bao bì tại Việt Nam trong năm 2024, đồng thời thí điểm xây dựng các mô hình tuần hoàn phù hợp với điều kiện thị trường và thói quen tiêu dùng tại Việt Nam. Đây là các bước chuẩn để thực thi Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) có hiệu lực vào năm 2024, với khát vọng đến năm 2030, tất cả sản phẩm của các thành viên sẽ được sản xuất, phân phối và tái chế hoàn toàn tại Việt Nam.