Trạm xăng của người cao tuổi: Số phận những cây xăng hoang phế tại Nhật bản sẽ đi về đâu?

Skye, Theo Thời Đại 20:00 11/10/2017

Khi dân số suy giảm, số lượng các cây xăng cũng bị cắt giảm do nhu cầu giảm sút của người dân. Tuy nhiên, vẫn còn những người già cần tới nó. Và không chờ chính quyền giải quyết, người cao tuổi tại Nhật Bản đã tự tìm cách để vực lại một phần cuộc sống của họ.

Tại Shimukappu, một ngôi làng phía bắc đảo Hokkaido, Nhật Bản - nơi nổi tiếng với những khu trượt tuyết, người dân đang mở lại cây xăng duy nhất trong khu vực. Được biết, cây xăng này đã bị đóng cửa từ cách đây 4 năm do doanh số giảm sút.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra trên khắp Nhật Bản, nơi nhu cầu xăng dầu đã giảm gần 1/3 kể từ năm 2000 khi dân số quốc gia này thụt giảm. Doanh số bán xe mới cũng giảm khoảng 1/3 kể từ năm 1990.

Với việc doanh số ngày càng suy giảm như vậy, số lượng các trạm xăng cũng đã giảm đến một nửa từ năm 1995 đến nay. Con số hiện tại rơi vào khoảng 31,000 trạm xăng trên cả nước. Những nơi còn lại trở nên hoang phế và không ai quản lý.

Trạm xăng của người cao tuổi: Số phận những cây xăng hoang phế tại Nhật bản sẽ đi về đâu? - Ảnh 1.

Những cây xăng bỏ hoang ngày càng nhiều tại Nhật Bản.

Không chỉ như vậy, việc giảm số lượng cây xăng khiến nhiều người già tại các vùng hẻo lánh tại Nhật Bản phải đi quãng đường rất xa mới có thể đến trạm xăng gần nhất để đổ. Khoảng 15% các ngôi làng, thị trấn và thành phố tại Nhật Bản có ít hơn 3 trạm xăng. Bộ trưởng thương mại Nhật Bản cũng đã ra khuyến nghị gửi tới chính quyền địa phương nỗ lực nhiều hơn để giữ những trạm xăng này được mở phục vụ người dân.

Nhiều trạm xăng bỏ hoang được chuyển thành các cửa hàng, quán cà phê, tiệm giặt ủi... Một trạm xăng tại thành phố Kyoto, Nhật Bản đã được chuyển thành nhà hàng mì ramen, dưới sự quản lý của chuỗi nhà hàng mì Ramen nổi tiếng Tenkaippin. Tuy nhiên, không phải nơi đâu cũng được như thế; đa phần các trạm xăng đều nằm đổ nát, hoang tàn.

"Trạm xăng của những người già"

Khi dân số Nhật Bản suy giảm liên tục, đặc biệt tại các vùng nông thôn, chính quyền địa phương cũng đang ra sức đễ hỗ trợ các trạm xăng, trợ giá để chúng có thể hoạt động. Tuy nhiên, tại một số vùng nông thôn, những người cao tuổi đang tự mình nỗ lực để giữ gìn những trạm xăng cuối cùng, khi mà người trẻ đều đã bỏ quê lên thành phố tìm việc.

"Trạm xăng gần nhất ở thị trấn bên cạnh, cách tới 30km", Mitsuhiko Hirakawa, quản lý khu vực Tomamu tại thành phố Shimukappu. "Việc không có cây xăng thực sự gây bất tiện cho cuộc sống của chúng tôi".

Trạm xăng của người cao tuổi: Số phận những cây xăng hoang phế tại Nhật bản sẽ đi về đâu? - Ảnh 2.

Nhiều nơi, người dân phải đi hàng chục cây số mới có xăng để đổ.

Một khảo sát địa phương đã cho thấy việc thiếu cây xăng là một trong những điều được đánh giá khó chịu nhất với dân địa phương. Được biết, chính quyền địa phương tại ít nhất 12 ngôi làng đã khôi phục lại các cây xăng cũ. Nguyên nhân chính mà các cây xăng này bị đóng cửa là do thiếu người vận hành, giá cả giảm cũng như chi phí thay thế những thùng nguyên liệu ngầm quá cao.

Trên thực tế, không chỉ tại những vùng nông thôn; các cây xăng tại những thành phố lớn như Tokyo cũng rơi vào quên lãng. Tại khu vực các quận phía tây thủ đô Tokyo, nhiều người dân vẫn phải lái xe 15km để đổ xăng. Mặc dù nhiều người đã chuyển qua dùng xe nạp điện, xe chạy xăng vẫn chiếm một thị trường lớn tại Nhật Bản. Hiện tại, cả nước Nhật có khoảng 7,000 trạm nạp điện cho xe.

Yasushi Kimura, giám đốc hiệp hội xăng dầu Nhật Bản cho biết: "Việc giảm số lượng các cây xăng là một điều không tránh khỏi. Chúng ta cần nghĩ cách để những cây xăng này có thể tồn tại bằng cách tích hợp chúng với các cửa hàng tiện lợi chẳng hạn".

Trạm xăng của người cao tuổi: Số phận những cây xăng hoang phế tại Nhật bản sẽ đi về đâu? - Ảnh 3.

Một hàng xăng được chuyển thành nhà hàng mì ramen tại Nhật Bản.

Tại thành phố Shimanto, với dân số khoảng 35,000 người, người dân địa phương đã hùn tiền để mua lại cây xăng duy nhất của khu vực. Giờ đây, cây xăng này còn có thêm một cửa hàng chuyên phục vụ giao hàng tại nhà. 

"Tỷ lệ người già trong khu vực này đã vượt quá 50%. Dân số cũng đã suy giảm 70% kể từ năm 2006. Vì thế, cửa hàng xăng dầu này cũng hoạt động khó khăn hơn", ông Takehiko Okamura, một người trông cửa hàng cho biết.

(Theo Japantoday, Yahoo)