Theo số liệu do cơ quan giám sát khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) công bố ngày 4/10, nền nhiệt trung bình toàn cầu trong tháng 9 vừa qua đã tăng 0,57 độ C so với mức trung bình trong lịch sử và lặp lại mức nhiệt ghi nhận được hồi tháng 9/2016. Trên thực tế, nhiệt độ trung bình tháng 9/2019 còn cao hơn 0,02 độ C so với tháng 9/2016.
Theo Copernicus, những dữ liệu vừa công bố là minh chứng rõ ràng hơn về "xu hướng ấm lên dài hạn" của Hành tinh Xanh. Cụ thể, tháng 6 vừa qua là tháng 6 ấm nhất từ trước đến nay; tháng 7 là tháng nóng nhất trong lịch sử; và tháng 8 cũng là tháng 8 nóng nhất kể từ khi hồ sơ về nền nhiệt Trái Đất được thiết lập.
Trẻ em chơi đùa tại khu vực đài phun nước ở quảng trường Schwarzenberg, Áo để tránh nắng nóng với nhiệt độ lên tới 36 độ C. Ảnh: THX/TTXVN
Sử dụng hình ảnh từ vệ tinh để quan sát xu hướng khí hậu trên Trái Đất, Copernicus nhận định tình trạng gia tăng nhiệt độ diễn ra đáng kể ở miền Trung và miền Đông nước Mỹ, cao nguyên Mông Cổ và một phần Bắc Cực. Nhiệt độ ở châu Âu tháng 9 vừa qua thấp hơn mức trung bình cùng kỳ trong lịch sử, do có vị trí địa lý ở Tây Nam nước Nga và một phần của Nam Cực.
Giám đốc Copernicus - ông Jean-Noel Thepaut cảnh báo: "Một loạt mức nhiệt độ phá kỷ lục gần đây là hồi chuông báo động về xu hướng ấm lên dài hạn hiển hiện rõ ở cấp độ toàn cầu. Với lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính liên tục gia tăng và tác động của tình trạng này đối với nhiệt độ toàn cầu, các mốc nhiệt sẽ còn tiếp tục bị phá vỡ trong tương lai. Trái Đất đã ấm lên hơn 1 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp và khí thải công nghiệp cũng như nồng độ khí nhà kính khí quyển đang tăng lên hằng năm".