Sôi động mua bán qua mạng
Trong ngày hội mua sắm 12/12, hàng loạt các trang thương mại điện tử đều tung ra các sản phẩm giảm giá để thu hút khách hàng. Trước đó là các sự kiện mua sắm như: 9/9, 10/10, 11/11 và gần đây nhất là Black Friday đã lần lượt thiết lập các kỷ lục mới cho ngành thương mại điện tử tại Việt Nam.
Chỉ với một thiết bị thông minh hay một chiếc máy tính cá nhân có kết nối Internet, người tiêu dùng có thể dễ dàng "săn" được những món đồ giảm giá tới 70, thậm chí 90%... mà bình thường khó có thể có được. Trong những ngày này các trang thương mại điện tử đắt hàng như tôm tươi.
Trong hôm nay, sàn thương mại điện tử Sen đỏ có 1 triệu sản phẩm được bán ra. Nhiều chương trình xả hàng có giá trị chỉ dưới 10.000 đồng. Dự kiến doanh thu trong hôm nay của Sen đỏ tăng gấp 3 lần so với ngày thường. Còn Shopee cũng có lượng sản phẩm bán ra trong 1 giờ đầu tiên tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Dịp cuối năm hàng loạt các trang thương mại điện tử đều tung ra các sản phẩm giảm giá để thu hút khách hàng
Không chỉ các trang thương mại điện tử, các đơn vị chuyển phát nhanh cũng đã có sự chuẩn bị từ sớm cho các dịp tăng đột biến. Đại diện Viettel Post cho biết, dự kiến sản lượng sẽ tăng hơn 1,5 lần so với năm 2019. Thời gian giao hàng cũng đã được Viettel Post tính toán để rút ngắn thời gian cho khách hàng thay vì từ 1-2 ngày thì chỉ mất vài tiếng đồng hồ.
Thông thường, trong mỗi dịp sale cuối năm, các sàn thương mại điện tử sẽ áp dụng chiến dịch giảm giá sớm từ trước đó 1-2 tuần để thu hút khách hàng lựa chọn trước sản phẩm cho vào giỏ hàng, thu thập mã giảm giá, voucher… Các sàn thương mại điện tử cho biết, dự báo tăng trưởng năm nay có thể sẽ tới 40% so với mọi năm.
Cảnh giác với các chiêu trò khuyến mại, giảm giá
Các nền tảng thương mại điện tử đua nhau chạy nhiều chương trình ưu đãi lớn vào các dịp mua sắm và quyết không bỏ qua bất cứ người dùng nào cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, có một thực tế là những vấn đề như nâng giá để khuyến mãi ảo hay chất lượng hàng hóa không như quảng cáo thì năm nào cũng xảy ra và luôn bị người tiêu dùng phản ánh. Thậm chí, nhiều người mua hàng mang tiếng là mua được sản phẩm giảm giá, nhưng tìm hiểu ra mới biết còn đắt hơn lúc chưa giảm.
Trong một đoạn clip được chia sẻ trên mạng xã hội TikTok, thanh niên trong đoạn clip đã mua một chiếc cặp với giá 350.000 đồng vì sản phẩm đang được giảm giá. Thế nhưng, giá cũ thực chất chỉ là 320.000 đồng, tức mua hàng giảm giá mà còn đắt hơn cả giá gốc.
Một khách hàng mua một chiếc sạc pin có giá 1.000 đồng và khi hoàn thành các thủ tục đặt mua hàng thì chi phí vận chuyển đơn hàng được báo về lên tới 1,8 triệu đồng.
Nâng sản phẩm lên mức giá "trên trời" rồi hạ xuống - đây không phải là chiêu trò mới xuất hiện ở Việt Nam. Vào các trang mạng xã hội TikTok như Lazada, Shopee… người dùng không khó để tìm thấy các quảng cáo được giảm với mức giá lên tới hơn 10 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, đây chỉ là chiêu trò giảm giá ảo để lôi kéo, dụ dỗ khách hàng.
iPhone 11 Pro max phiên bản 64GB hàng quốc tế xách tay từ thị trường Mỹ được quảng cáo là giảm giá 26%, từ 38 triệu đồng xuống còn 28 triệu đồng. Trong khi đó, iPhone 11 Pro Max chính hãng 64GB hiện cũng chỉ có giá 26 triệu đồng. Tức là có thể hiểu mức giá mà các gian hàng bán còn cao hơn giá bán trên thị trường.
Ngoài nâng giá ảo thì mua hàng với giá 1.000 đồng cũng được áp dụng như một chiêu trò để lôi kéo khách hàng. Trong Ngày mua sắm 11/11, một khách hàng ở Tiền Giang đã mua một chiếc sạc pin có giá 1.000 đồng và khi hoàn thành các thủ tục đặt mua hàng thì chi phí vận chuyển đơn hàng được báo về lên tới 1,8 triệu đồng.
Có ý kiến cho rằng, chiến dịch giảm giá cuối năm chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp bán lẻ thu hồi vốn hoặc tăng doanh số. Đây cũng là lúc nhập nhèm giá cả cũng như mẫu mã.
Dịp cuối năm, hàng triệu người đang háo hức "săn" hàng giảm giá từ các chương trình khuyến mãi khủng. Lợi dụng tâm lý này, các đối tượng lừa đảo đã tung ra hàng loạt những cạm bẫy nhằm kiếm lợi bất chính.