Trả tiền để vào groupchat khen nhau cho sướng: Trào lưu mạng xã hội mới khá dị ở Trung Quốc

Hà Thu, Theo Trí Thức Trẻ 08:25 22/03/2019

Trào lưu này đang nở rộ khá nhanh, thậm chí trở thành một mặt hàng dịch vụ được bày bán công khai trên Internet.

Internet nói chung hay mạng xã hội nói riêng là con dao hai lưỡi, vừa có thể chia sẻ niềm vui giữa nhiều kỷ niệm hân hoan cùng bạn bè, nhưng cũng sẵn sàng kéo bạn xuống tận cùng nỗi buồn khi gặp chuyện tiêu cực hay bị "ném đá". Nếu là người giỏi xoay xở, đó hẳn không phải một điều quá to tát, nhưng sẽ là một cơn ác mộng với những ai nhạy cảm và dễ bị tổn thương.

Chính vì thế, một xu hướng khá "dị" tại Trung Quốc đang nổi lên giữa những người chán ghét năng lượng tiêu cực từ Internet: Lập ra các hội nhóm riêng trên mạng xã hội, trả tiền chỉ để khen nhau, không một lời lẽ ghét bỏ nào được cho phép ở đó.

Cụ thể, WeChat và QQ - 2 ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất đất nước tỷ dân - chính là nơi bắt nguồn cho trào lưu này.

Trả tiền để vào groupchat khen nhau cho sướng: Trào lưu mạng xã hội mới khá dị ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Diễn biến ra sao mà nhiều người lại thích tham gia đến vậy?

Trang tin CNBC đã có cơ hội gặp được một số người tham gia các phòng chat riêng và nghe lời chia sẻ từ họ. Được biết, tất cả những phòng groupchat này đều được gọi chung là "nhóm khen ngợi", đúng như mục đích mà nó được lập ra. Muốn tìm tới một nhóm để làm quen, điều đầu tiên cần làm là lên trang thương mại điện tử Taobao của Trung Quốc để tìm kiếm.

Tại sao lại là trang mua sắm Taobao trong khi đây là group nhắn tin? Vì muốn có mặt trong đó, bạn phải trả tiền, không khác gì một dịch vụ và món hàng cả. Có một vài mức giá được liệt ra tùy theo tính chất nhóm, khởi điểm từ 35 NDT (khoảng 5,2 USD).

Thực chất, thứ bạn bỏ tiền ra mua không hẳn là vé vào group, mà là quyền được khen khi bạn tham gia group đó. Sai khi giao dịch được hoàn tất và xác nhận, một đường link lời mời vào group trên WeChat sẽ được gửi tới người mua, sẵn sàng vào nhóm ngay lập tức. Tại đó, dù có chia sẻ điều gì, phản ứng nhận được luôn luôn là những lời khen trên mây, không bao giờ khiến bạn thất vọng.

Dần dần, có những gói dịch vụ nhóm chat khác được lập ra với tính chất "cao cấp" hơn, không khác gì một loại hình kinh doanh mở rộng. Chẳng hạn, nếu chọn mua các gói đắt hơn, người mua sẽ có quyền tự mời thêm một người quen khác và có những quyền được tự chỉnh sửa sở thích được khen.

Trả tiền để vào groupchat khen nhau cho sướng: Trào lưu mạng xã hội mới khá dị ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Một mặt hàng group bày bán trên trang shopping online.

Quản lý của group cao cấp thế này thường không bao giờ lộ danh tính, cho biết tiền được trả theo phút. Bạn có thể gửi trước các thông tin về mối quan hệ thân thiết hoặc sở thích sở ghét để mọi người cùng biết mà khen cho chuẩn ý. Bất ngờ nhất, quản lý này tiết lộ đây chỉ là nghề tay trái của mình và vài người bạn khác.

Dĩ nhiên, cũng có những group WeChat miễn phí phục vụ tuỳ nhu cầu. Mọi người vẫn luôn nhắn gửi lời khen ngợi cho nhau trong đó, chỉ là ít đặc quyền hơn.

Phóng viên CNBC có thử tham gia và nhắn tin: “Xin chào. Tôi mới chuyển đến sống ở Trung Quốc và đang khá cô đơn. Chẳng có việc gì làm. Tôi cũng mới học tiếng Trung thôi.” Đáp lại ngay sau đó là liên tục những tin nhắn như: “Tuyệt vời. Vậy là bạn vẫn đang có nhiều thời gian rảnh. Hãy cứ tận hưởng niềm vui trong này nhé.”; “Tôi tin chắc bạn sẽ thành thạo tiếng Trung sớm thôi.”

Tại sao trào lưu này lại rộ lên phổ biến đến vậy?

Quy mô của các groupchat này thường đạt tới vài trăm người, có khi lên tới 500. Thậm chí, cả các trường đại học cũng có group nội bộ riêng cho sinh viên trong đó để khen nhau. Cô cậu nào đó than phiền sách quá khó để hiểu ư? “Vậy thì là do cậu thông minh quá, trình độ của sách không đáp ứng được đó,” trích lời đáp kể lại.

Trả tiền để vào groupchat khen nhau cho sướng: Trào lưu mạng xã hội mới khá dị ở Trung Quốc - Ảnh 3.

Mạng xã hội từ lâu vẫn là một nhân tố gây nên căng thẳng và stress cho người dùng. Ngoài ra, nhiều người cho rằng trước đây từng có các group “nói xấu” trên WeChat, nơi mọi người tham gia tự thoá mạ lẫn nhau trong đó (không phải hợp lại đi nói xấu nạn nhân khác). Vì thế, họ nghĩ trào lưu mới này chỉ đơn giản là một thái cực ngược lại để cân bằng nhu cầu.

Một quản lý group khen ngợi trả lời: “Chúng tôi không tự khen mình mà cố gắng làm điều đó cho người khác. Đó là cách chúng tôi học chấp nhận lẫn nhau để hoà hợp hơn.”

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày