Hiện nay, phòng ngủ kết hợp nhà tắm khép kín là mô hình thiết kế nhà ở phổ biến. Nhiều người sau khi mua lại nhà cũ có xu hướng thích cải tạo nhà tắm thành không gian phòng ở khác. Bởi họ cho rằng không cần thiết giữ lại quá nhiều phòng tắm trong ngôi nhà.
Tuy nhiên, nếu đang có ý định thiết kế lại nhà ở theo hướng này, bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng hơn. Bởi mới đây, một cặp vợ chồng đến từ tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đã phải "trả giá" khá đắt khi biến nhà tắm cũ thành kho chứa đồ.
Được biết ban đầu cô Qin mua lại nhà cũ có diện tích 125m2, bao gồm 3 phòng ngủ và 2 nhà tắm (kết hợp cả nhà vệ sinh). Cô cho rằng gia đình chỉ có hai vợ chồng nên không cần dùng quá nhiều phòng tắm, do đó cô muốn cải tạo không gian này thành phòng chứa đồ.
Cô Qin cải tạo nhà tắm khép kín cũ thành phòng chứa đồ
Tuy nhiên, cô Qin không ngờ rằng chỉ sau 1 năm, phòng chứa đồ bắt đầu bốc mùi như "nước cống rãnh". Cảm thấy khó chịu với mùi hương, vợ chồng cô phải thuê người dỡ bỏ tất cả gạch lát sàn nhà và bịt kín lối dẫn vào bồn cầu.
Tuy nhiên, mùi hương khó chịu vẫn chưa biến mất. Sau đó, cặp đôi tiếp tục kiểm tra trần nhà và hệ thống ống dẫn bao quanh phòng chứa đồ, nhưng họ không phát hiện bất kỳ điểm bất thường nào.
Cuối cùng, chỉ còn một nơi họ chưa "để mắt" đến là tủ quần áo. Khi gạch lát dưới đáy tủ quần áo bị tháo rời, nguồn gốc của mọi vấn đề đã được tìm thấy. Hoá ra dưới đáy tủ quần áo là hệ thống thoát nước dành riêng cho máy giặt từng lắp ở nhà tắm cũ - đây cũng là nơi mùi hương khó chịu bốc ra.
Sau nhiều ngày vất vả để tìm ra nguồn cơn sự việc, cô Qin mệt mỏi tâm sự: "Tôi không ngờ việc cải tạo nhà tắm có thể mang đến nhiều rắc rối đến vậy. Biết thế tôi đã để lại mọi thứ đúng với tình trạng vốn có của nó".
Cô Qin phải tìm người tháo hết gạch lát và kiểm tra trần nhà mới tìm thấy nguồn cơn của mùi hương khó chịu
Trên thực tế, không chỉ cô Qin, nhiều người cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi xuống tay cải tạo phòng tắm thành không gian khác. Nếu muốn thay đổi kết cấu của căn phòng này, bạn nên lưu ý 2 điều sau:
- Chống thấm cẩn thận
Sau khi vận chuyển hết bồn cầu và bồn rửa mặt ra ngoài, bạn nên dùng thiết bị chống thấm cho 4 bức tường. Ngoài ra, nếu ở khu chung cư, bạn nên liên hệ với người ở tầng trên để nhờ họ kiểm tra khả năng chống thấm ở không gian tương tự. Điều này phòng trường hợp nhà vệ sinh nhà bạn và lầu trên nằm cùng một vị trí, từ đó xuất hiện hiện tượng rò rỉ nước từ phòng tắm nhà họ xuống nhà bạn.
- Thông tắc và gỡ bỏ đường ống của nhà tắm cũ
Khi cải tạo không gian nhà tắm, hãy đảm bảo tất cả hệ thống ống thoát nước và cống dưới sàn nhà bạn được thông tắc, hoặc tốt nhất là nên gỡ bỏ hết nếu có thể. Nhớ rằng sở dĩ nhà cô Qin có mùi hôi suốt thời gian dài là do hệ thống ống nước ngầm bị rò rỉ, từ đó gây bất tiện cho cuộc sống của gia chủ.
Hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi cải tạo nhà tắm cũ thành không gian khác
Bên cạnh đó, hãy nhớ rằng việc phá bỏ nhà tắm khép kín có thể đem lại bất tiện cho nhà bạn trong tương lai. Nhiều người ban đầu cho rằng họ không cần dùng đến 2 nhà tắm hay nhà vệ sinh, thế nhưng theo thời gian, phần đông đều hối hận với quyết định năm nào, với những lý do sau:
- Bất tiện khi đi vệ sinh
Thực tế, có không gian vệ sinh khép kín sẽ giúp bạn đỡ mất thời gian và công sức khi "giải quyết nhu cầu", đặc biệt là vào thời điểm tỉnh giấc vào ban đêm hoặc tiết trời lạnh. Nếu bạn phá hoàn toàn nhà vệ sinh khép kín, bạn sẽ phải đi ra phòng ngủ và đi bộ cả quãng đường khá dài mới đến nhà vệ sinh ở phòng khác.
Mặt khác, thử tưởng tượng trong tương lai gia đình bạn có thêm thành viên mới. Sẽ thật bất tiện khi 3-4 người phải dùng chung một nhà tắm, đặc biệt là vào giờ "cao điểm".
- Thiếu sự riêng tư
Nếu trong nhà chỉ có một nhà vệ sinh kết hợp với nhà tắm, sẽ hơi thiếu riêng tư vì chúng ta không thể để bừa bãi đồ dùng cá nhân ở căn phòng này. Thử tưởng tượng một vị khách bất chợt đến nhà bạn chơi sau đó nhìn thấy thứ đồ nhạy cảm của vợ chồng bạn? Đó không phải là tình huống vui vẻ với bất kỳ ai đâu.
- Rủi ro khi cải tạo phòng tắm
Sau khi thay đổi phòng tắm thành phòng chức năng khác, nhiều người phản hồi họ ngửi thấy mùi hôi, đặc biệt là vào những ngày trời nhiều mây và nồm ẩm, tình hình này càng trở nên tồi tệ. Kể cả khi bạn đã mở cửa sổ, mùi hương khó chịu cũng khó biến mất hoàn toàn.
Nguồn: Sohu