TP.HCM qua 17 ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới: Thách thức, cũng là cơ hội để gần dân, sát dân, hiểu người dân hơn

Kỳ Hoa, Theo Tổ quốc 11:10 21/04/2020

Dịch Covid-19 tại TP HCM bước đầu được kiểm soát, 17 ngày qua trên địa bàn không phát hiện trường hợp mới. Các biện pháp phòng dịch chủ động tiếp tục được thành phố siết chặt nhằm sớm kết thúc dịch.

TP.HCM qua 17 ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới: Thách thức, cũng là cơ hội để gần dân, sát dân, hiểu người dân hơn - Ảnh 1.

Kể từ khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ngày 23/1, TP.HCM đã trải qua gần 90 ngày đêm chống lại dịch bệnh với nhiều khó khăn, thử thách. Và liên tục 17 ngày qua, thành phố (TP) không ghi nhận thêm ca nhiễm mới.

Đến chiều 20/4, TP chỉ còn 3 người nhiễm Covid-19 đang điều trị, 71 người đang được theo dõi tại các khu cách ly tập trung, 197 người đang cách ly tại nhà.

Những kết quả tích cực đó là căn cứ để TP đề xuất Chính phủ cho kết thúc thực hiện Chỉ thị 16 về cách ly xã hội từ ngày 23/4, áp dụng các biện pháp chống Covid-19 theo Chỉ thị 15. Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, yếu tố mang đến thành công trong công tác phòng chống dịch của TP HCM là thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng sự đồng tình, ủng hộ của người dân thành phố.

TP.HCM qua 17 ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới: Thách thức, cũng là cơ hội để gần dân, sát dân, hiểu người dân hơn - Ảnh 2.

Khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc hồi đầu năm, Việt Nam đã triển khai đồng bộ 9 giải pháp dựa trên nguyên tắc: Phòng bệnh đi trước chữa bệnh. Phòng dịch kịp thời, kiên quyết, triệt để bằng sức mạnh của cả hệ thống chính trị và văn hóa; chữa bệnh tập trung, đồng bộ và sáng tạo.

TP.HCM qua 17 ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới: Thách thức, cũng là cơ hội để gần dân, sát dân, hiểu người dân hơn - Ảnh 3.

TP HCM tạm ngừng hoạt động các địa điểm vui chơi từ 18h ngày 15/3. Ảnh: Hải Long

Tại TP.HCM, cuối giờ chiều 14/3, Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm đã chấp thuận đề xuất của Sở Văn hóa - Thể Thao, yêu cầu ngưng hoạt động các rạp chiếu phim, quán bar, game online, điểm massage, karaoke, vũ trường... kể từ 18h ngày 15/3, đến hết 31/3.

Trưa hôm đó, Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Văn Dũng cũng yêu cầu các phòng, ban và 10 phường, đề nghị các cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ trên địa bàn, đặc biệt tại phố Tây Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão) tạm ngưng hoạt động kể từ 18h ngày 14/3.

Động thái này được đưa ra rất sớm, trước khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị 15 (ngày 27/3), tiếp đó là Chỉ thị 16 về việc thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 - đưa cả nước bước vào cuộc chiến phòng, chống dịch.

TP.HCM qua 17 ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới: Thách thức, cũng là cơ hội để gần dân, sát dân, hiểu người dân hơn - Ảnh 4.

Phố Tây Bùi Viện vắng vẻ sau Chỉ thị 16. Ảnh: Hải Long

Nhấn mạnh về tinh thần thực hiện Chỉ thị 16, tại cuộc họp tối 24/3, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, nói: "Đây là thời điểm chúng ta góp phần giữ đất nước bình yên trước dịch bệnh. Lỡ mất thời cơ này, chúng ta có lỗi với đất nước và không thể làm lại".

TP.HCM qua 17 ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới: Thách thức, cũng là cơ hội để gần dân, sát dân, hiểu người dân hơn - Ảnh 5.

Ngày 19/3, mọi lo lắng của người dân TP HCM đổ dồn vào ca bệnh 91, một phi công quốc tịch Anh - ca chỉ điểm cho "ổ dịch" Buhhda (Thảo Điền, quận 2). Bởi, người này đang trong giai đoạn ủ bệnh và có lịch trình di chuyển ở khá nhiều nơi.

Chỉ 10 ngày sau, số ca nhiễm từ Buhhda tăng vọt lên 16 và đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến bệnh nhân 91. Thời điểm ấy, Giám đốc Bệnh viện Quận 2 Trần Văn Khanh nhận định: "Ổ dịch tại quán bar là nút thắt, nếu không được kiểm soát giải quyết dứt điểm ngay từ đầu, nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất lớn".

Với sự hỗ trợ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), lực lượng chức năng quận 2 nhanh chóng vào cuộc phong tỏa quán bar cùng nhiều chung cư để khử trùng, trích xuất camera làm cơ sở dữ liệu cho việc sàng lọc lấy mẫu xét nghiệm.

Song, quá trình tìm kiếm gặp khá nhiều khó khăn khi việc trích xuất camera không thể nhận dạng được hết khách ra vào. Mặt khác, nhiều người không sinh sống trên địa bàn quận 2 và chỉ đến quán bar một lần duy nhất.

TP.HCM qua 17 ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới: Thách thức, cũng là cơ hội để gần dân, sát dân, hiểu người dân hơn - Ảnh 6.

Bar Buhhda - "ổ dịch" Covid-19 của TP HCM bị ngừng hoạt động. Ảnh: Hải Long

Bên cạnh những người tự giác khai báo, một số trường hợp liên quan đến quán bar này cố tình trốn tránh, đợi đủ 14 ngày mới khai báo để được xét nghiệm mà không bị cách ly.

Điều đáng mừng, đến ngày 3/4, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng (Giám đốc HCDC) cho biết, "ổ dịch" này đã được kiểm soát, giảm bớt áp lực cho cuộc chiến chống Covid-19.

Đến 13/4, tổng cộng có 255 trường hợp liên quan "ổ dịch" này đã được lấy mẫu. Trong đó, 242 trường hợp âm tính, 13 trường hợp dương tính.

TP.HCM qua 17 ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới: Thách thức, cũng là cơ hội để gần dân, sát dân, hiểu người dân hơn - Ảnh 7.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 chiều tối 3/4, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, TP sẽ triển khai 62 chốt kiểm soát dịch bệnh, bao gồm 16 chốt trạm chính và 46 chốt trạm phụ.

"Đây không phải là phong toả thành phố, đề nghị các cơ quan, đơn vị tuyên truyền cho người dân hiểu rõ mục đích của việc này", Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh khi đó.

Ngay sáng hôm sau, các chốt đã hoạt động, tất cả cửa ngõ, bến xe, nhà ga, sân bay đều có lực lượng cảnh sát phối hợp quân đội, y tế, thanh tra giao thông... kiểm tra việc phòng chống Covid-19.

Những người có thân nhiệt cao (từ 38 độ C trở lên) sẽ được giữ lại khu vực riêng tại trạm để theo dõi khoảng 30 phút và đo lại. Nếu thân nhiệt dưới 38 độ C, người dân sẽ được đi tiếp, nếu vẫn cao sẽ được đưa đi cách ly.

TP.HCM qua 17 ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới: Thách thức, cũng là cơ hội để gần dân, sát dân, hiểu người dân hơn - Ảnh 8.

TP HCM lập 62 chốt tăng cường kiểm soát dịch. Ảnh: Hải Long

TP.HCM qua 17 ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới: Thách thức, cũng là cơ hội để gần dân, sát dân, hiểu người dân hơn - Ảnh 9.

Đến ngày 9/4, tại buổi giao ban trực tuyến với Thường trực Chính phủ, ông Lê Thanh Liêm (Phó Chủ tịch UBND TP HCM) cho biết, TP đã ban hành bộ chỉ số 10 tiêu chí đánh giá rủi ro lây nhiễm dịch Covid-19 tại doanh nghiệp.

Theo đó, đơn vị sản xuất có chỉ số rủi ro lây nhiễm Covid-19 từ 80% trở lên phải ngưng hoạt động trong mùa dịch.

TP.HCM qua 17 ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới: Thách thức, cũng là cơ hội để gần dân, sát dân, hiểu người dân hơn - Ảnh 10.

Công ty Pouyuen Việt Nam hàng ngày có trên 800 xe đưa rước công nhân. Ảnh: Hải Long

Trong cuộc họp vào tối 30/3 trước đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng dự tính việc tạm dừng hoạt động sản xuất tại nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn bằng bộ tiêu chí đánh giá, để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch.

"Việc hàng triệu công nhân đi làm hàng ngày hiện nay (tức là họ hoàn toàn không thực hiện cách ly xã hội) đang là nguy cơ lớn nhất lây lan Covid-19 và có thể phát triển thành dịch. Vì vậy phải kiểm soát chặt chẽ nguy cơ này để các nhà máy có nguy cơ lớn phải thực hiện nhiều biện pháp giảm nguy cơ đến mức cần thiết hoặc phải tạm dừng hoạt động", ông Nhân nhấn mạnh.

Với chỉ số rủi ro lây nhiễm Covid-19 lên đến 81%, Công ty Pouyuen Việt Nam phải tạm ngưng hoạt động trong 2 ngày 14 và 15/4 để khắc phục. Công ty này có quy mô rất lớn với khoảng 70.000 lao động, làm việc 3 ca (có ca đêm), hàng ngày trên 800 xe đưa rước công nhân.

TP.HCM qua 17 ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới: Thách thức, cũng là cơ hội để gần dân, sát dân, hiểu người dân hơn - Ảnh 11.

Bằng việc làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh, tính đến ngày 9/4, TP HCM ghi nhận 6 ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới. Thời điểm này, ở một số nơi, người dân nảy sinh tâm lý lơ là, các tuyến đường, chợ dân sinh... bắt đầu đông người.

TP.HCM qua 17 ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới: Thách thức, cũng là cơ hội để gần dân, sát dân, hiểu người dân hơn - Ảnh 12.

Ở một số chợ dân sinh, người dân bắt đầu tập trung đông đúc, mang tâm lý chủ quan. Ảnh: Hải Long

Nhằm ngăn chặn tâm lý chủ quan của người dân, nhà chức trách đã tăng cường kiểm tra giám sát, nhất là việc đeo khẩu trang và thực hiện đảm bảo khoảng cách của người dân.

Từ ngày 10/4, TP HCM triển khai giám sát trong cộng đồng thông qua khai báo y tế và xét nghiệm tầm soát mở rộng bằng test nhanh, tức test kháng thể.

TP tiến hành xét nghiệm xác định những trường hợp nào dương tính bằng RT-PCA tại các Khu ký xá công nhân, các cơ sở sản xuất tập trung nhiều lao động, các khu vực cộng đồng dân cư và các đối tượng có nguy cơ cao.

TP.HCM qua 17 ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới: Thách thức, cũng là cơ hội để gần dân, sát dân, hiểu người dân hơn - Ảnh 13.

TP HCM triển khai giám sát trong cộng đồng từ ngày 10/4. Ảnh: Hải Long

Đến ngày 15/4, TP HCM tiếp tục được xếp vào nhóm địa phương có nguy cơ cao và tiếp tục thực hiện cách ly xã hội đến hết 22/4.

Thời điểm này, TP đã chuẩn bị sẵn sàng 3.700 giường điều trị, 150 giường hồi sức tại 6 bệnh viện, cùng thêm khu cách ly của các bệnh viện hiện hữu, để ứng phó trong tình huống có đến 500 người cùng lúc dương tính với Covid-19.

TP.HCM qua 17 ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới: Thách thức, cũng là cơ hội để gần dân, sát dân, hiểu người dân hơn - Ảnh 14.

Đánh giá cách ly xã hội là "thách thức nhưng cũng là cơ hội để chính quyền gần dân hơn, sát dân hơn và hiểu người dân hơn", Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM Lê Minh Tấn cho biết, TP đã dành 9 tỷ đồng hỗ trợ gần 12.000 người bán vé số, mỗi người nhận 750.000 đồng do dịch vụ xổ số ngưng phát hành.

TP.HCM qua 17 ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới: Thách thức, cũng là cơ hội để gần dân, sát dân, hiểu người dân hơn - Ảnh 15.

TP HCM triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Hải Long

Khoảng 9.000 hộ nghèo, cận nghèo của TP bị tác động bởi Covid-19 (mất việc làm, mất nguồn hỗ trợ xã hội, buôn bán ế ẩm) cũng được hỗ trợ 3 triệu đồng trong 3 tháng để vượt qua khó khăn.

Bên cạnh đó, có khoảng 600.000 công nhân và giáo viên bị ngừng việc, mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được hỗ trợ theo Nghị quyết của HĐND TP HCM. Tổng số tiền TP hỗ trợ là khoảng 1.800 tỷ đồng, lấy từ nguồn thu nhập tăng thêm năm 2020 của cán bộ, công chức TP.

TP.HCM qua 17 ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới: Thách thức, cũng là cơ hội để gần dân, sát dân, hiểu người dân hơn - Ảnh 16.

Nhiều nơi phát thức ăn miễn phí cho người lao động nghèo, mất việc. Ảnh: Hải Long

Ngoài ra, theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, TP đang triển khai chính sách hỗ trợ lao động tự do (lao động không có hợp đồng) bị mất việc bởi Covid-19 như: người bán hàng rong, thu gom rác, tài xế xe ôm, xe xích lô, bảo vệ, bốc vác, những người làm việc ở các hộ kinh doanh...

UBND và công an các phường xã, đang lên phương án rà soát những người thuộc đối tượng này. Mỗi người sẽ được nhận một triệu đồng mỗi tháng, thời gian nhận không quá 3 tháng; chi trả từ giữa tháng 5.

Đặc biệt, sau máy "ATM gạo" đầu tiên của cả nước được đặt tại số 204B đường Vườn Lài (quận Tân Phú), TP HCM đã có thêm nhiều chiếc "ATM thần kỳ" hoạt động 24/24, giúp người lao động nghèo tạm thời vượt qua khó khăn trong mùa dịch… "ATM gạo" cũng lan tỏa đi mọi miền đất nước.

TP.HCM qua 17 ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới: Thách thức, cũng là cơ hội để gần dân, sát dân, hiểu người dân hơn - Ảnh 17.

Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến với Ban chỉ đạo Quốc gia chiều 20/4, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhận định: "Để đạt được kết quả tốt cho đến thời điểm này là cả quá trình nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng tình, ủng hộ của người dân thành phố".

Đây là dịch bệnh mới, lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới và chưa có thuốc điều trị. Bởi thế, mọi thứ đều mới mẻ, lạ lẫm và chưa có tiền lệ, chỉ cần sai lệch một bước sẽ phải trả giá rất đắt và không thể làm lại.

Từ đó, TP đặt ra nguyên tắc luôn phải cảnh giác cao, không được chủ quan lơ là. Cùng với đó là sự kiên định 6 nguyên tắc chống dịch và phương châm 5 tại chỗ, có biện pháp thận trọng, phù hợp để từng bước đưa nhịp sống trở lại bình thường - ông Phong nhấn mạnh.

TP.HCM qua 17 ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới: Thách thức, cũng là cơ hội để gần dân, sát dân, hiểu người dân hơn - Ảnh 18.

Phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 20/4, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân ủng hộ và hoan nghênh các kế hoạch phòng chống dịch UBND đang tiến hành.

"Đề nghị thành phố ban hành bộ tiêu chí cho từng lĩnh vực trước 30/4 để từng đơn vị tự sắp xếp, xây dựng quy chế ứng xử để tháng 5, thành phố cùng cả nước chuyển sang giai đoạn bình thường mới", Bí thư Nhân quán triệt.

TP.HCM qua 17 ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới: Thách thức, cũng là cơ hội để gần dân, sát dân, hiểu người dân hơn - Ảnh 19.

Bí thư Thành ủy đặc biệt lưu ý về các chuyến bay chở người Việt Nam từ nước ngoài về nhập cảnh trong giai đoạn tới. Ông yêu cầu thành phố bám sát kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải để sẵn sàng tiếp nhận người nhập cảnh, đưa về khu cách ly tập trung.

Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cũng đề nghị sau khi Chính phủ có có chỉ đạo mới vào ngày 22/4, thành phố sớm có phương thức phù hợp để kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

TP.HCM qua 17 ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới: Thách thức, cũng là cơ hội để gần dân, sát dân, hiểu người dân hơn - Ảnh 20.

"Đó là dịp để đánh dấu thành phố cùng cả nước chuyển giai đoạn mới của việc phòng chống dịch. Chúng ta phải xây dựng một nếp sống mới, một quy trình công tác mới ở các cơ quan để khôi phục nhanh nhất các hoạt động đời sống xã hội với điều kiện đảm bảo an toàn dịch", lãnh đạo Thành ủy giao nhiệm vụ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày