TP.HCM nắng nóng đỉnh điểm, người dân "tá hoả" vì tiền điện tăng chóng mặt

Nam An, Theo Phụ Nữ Việt Nam 12:24 05/05/2023
Chia sẻ

Dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần nhưng khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 4, nhiều người dân TP.HCM tá hỏa khi thấy tiền điện tăng cao hơn nhiều so với tháng trước… Bởi bước vào đợt cao điểm nắng nóng, các thiết bị điện trong nhà đều hoạt động hết công suất để làm mát.

Những ngày vừa qua, TP.HCM bước vào đợt nắng nóng đỉnh điểm kéo dài, thời tiết oi bức với nền nhiệt ngoài trời lên tới hơn 40 độ C. Nắng nóng kỷ lục kéo dài khiến nhiều người lo lắng hóa đơn tiền điện sẽ tăng vọt bởi các thiết bị làm mát trong gia đình như quạt, điều hoà,... đều được sử dụng hết công suất.

Trong đó máy lạnh là một trong những thiết bị hao tốn điện năng nhất và chiếm tỉ trọng tiêu thụ điện lớn trong hộ gia đình.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Trần Quỳnh Thắm sống cùng gia đình ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết, tiền điện tháng 4 vừa rồi của gia đình chị đã tăng chóng mặt, và cao nhất từ đầu năm đến nay với tổng số tiền là 6,244 triệu đồng dù gia đình không kinh doanh gì.

Theo chị Thắm, số lượng điện năng tiêu thụ trong tháng 4 của gia đình chị đã tăng gần gấp đôi so với các tháng trước đó do thời tiết oi bức, lại có trẻ con nên hầu như phòng nào cũng bật điều hoà. "Gia đình mình có 6 người lại có con nhỏ hơn 1 tuổi nên khi ở trong phòng ngủ, xuống phòng khách hay phòng ăn đều phải bật điều hòa để em bé vui chơi được thoải mái tránh ra mồ hôi trong những ngày oi bức đỉnh điểm. Thêm nữa nhà mình sử dụng thêm 4 chiếc tủ lạnh ở các phòng nên lượng điện tiêu thụ cũng đáng kể".

TP.HCM nắng nóng đỉnh điểm, người dân tá hoả vì tiền điện tăng chóng mặt - Ảnh 1.

Hoá đơn tiền điện tháng 4/2023 của một hộ dân ở TP.HCM

Tương tự, chị Thanh Hà (Quận Thủ Đức) cũng cho biết, tháng 4 gia đình chị nhận được hóa đơn tiền điện tăng cao. Theo chị Hà gia đình chị không lắp thêm thiết bị điện mới, hầu như những thiết bị làm mát trong nhà như quạt, điều hòa đều phải hoạt động với công suất tối đa.

"Trời nắng nóng 37-40 độ nên quạt với 2 điều hòa đều phải thay nhau chạy, dù mình cũng đã tham khảo các mẹo tiết kiệm điện như cài đặt máy lạnh để nhiệt độ trong phòng chênh lệch không quá nhiều so với nhiệt độ ngoài trời hay tắt khi không sử dụng để giảm thiểu tối đa điện năng tiêu thụ. Tuy nhiên, tháng này nhà mình vẫn phải trả hơn 2 triệu đồng tiền điện trong khi những tháng trước đó chỉ dao động trong khoảng 1,2-1,5 triệu đồng", chị Hà chia sẻ.

Dù đã chuẩn bị tâm lý tiền điện sẽ tăng cao hơn tháng trước đó nhưng khi nhận được hóa đơn anh Quang Minh (TP.HCM) vẫn không khỏi bất ngờ. Anh Minh cho biết vợ chồng anh và 2 con nhỏ ở chung cư. Trước đó, hầu như ban ngày gia đình anh chỉ sử dụng quạt phun sương để làm mát và bật điều hòa vào buổi tối khi đi ngủ.

TP.HCM nắng nóng đỉnh điểm, người dân tá hoả vì tiền điện tăng chóng mặt - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Nhưng 1 tháng trở lại đây, điều hòa trong phòng khách và phòng ngủ đều thay nhau hoạt động hết công suất vì thời tiết oi bức, ngột ngạt. Ngay từ 8h sáng chỉ ngồi không cũng thấy mồ hôi đầm đìa, trẻ con chạy nhảy, nô đùa một xíu là mồ hôi ướt áo... nên anh đã phải mở máy lạnh liên tục.

"Thời tiết quá nóng bức, chỉ bước ra ngoài một xíu đã không thể chịu nổi dù đã che chắn kín mít. Nhiệt độ trong nhà và ngoài trời chênh lệch cao nên lượng tiêu thụ điện năng cũng tăng đáng kể. Nhà dùng 2 cái điều hòa, máy tạo ẩm cũng bật cả ngày cả đêm, rồi tủ lạnh cũng hoạt động hết công suất cho việc làm đá, làm kem,... nên hai vợ chồng cũng đã chuẩn bị tinh thần cho việc tiền điện tăng trong mùa hè này" - anh Minh cho hay.

Tuy nhiên, trước thông tin giá điện bán lẻ bắt đầu tăng từ tháng tới đây, anh Minh, chị Hà... và nhiều người dân khác cũng bày tỏ lo lắng khi nhu cầu tiêu thụ điện trong mùa nắng nóng cao như vậy thì hóa đơn tiền điện cũng sẽ tăng chóng mặt.

Trước việc tăng giá điện bán lẻ bình quân 3% ngày 4/5, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc EVN trấn an dư luận và cho biết điều này có những tác động đến đời sống người dân nhưng không nhiều.

Đối với khách hàng, EVN cho rằng, tăng giá điện 3% khiến hộ tiêu dùng điện từ 50 kWh/tháng (thuộc biểu giá điện bậc 1), hộ sử dụng ít điện chỉ nộp thêm 2.500 đồng/hộ. Đối với hộ sử dụng 100 kWh/tháng, số tiền tăng thêm là 5.100 đồng, hộ sử dụng 200 kWh/tháng sẽ tăng tiền thêm 18.700 đồng/tháng, hộ sử dụng trên 400 kWh sẽ tăng thêm 27.200 đồng/tháng.

TP.HCM liên tục lập kỷ lục mới về tiêu thụ điện

Ngày 25/4 vừa qua, TP.HCM tiếp tục phá vỡ kỷ lục về tiêu thụ điện với 93,566 triệu kWh - mức cao nhất từ trước đến nay - và vượt kỷ lục mới lập cách đây vài ngày. Trước đó, ngày 21.4, TP.HCM lập kỷ lục về tiêu thụ điện với 93,53 triệu kWh, cao hơn kỷ lục cũ là 90,69 triệu kWh vào ngày 14/5/2021.

Theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), từ đầu tháng 4 đến nay, thời tiết nắng nóng, oi bức, nhiệt độ ngoài trời nhiều ngày đạt đến trên 45 độ C, chiều tối cũng không còn mát mẻ như tháng trước. Thế nên, lượng điện năng tiêu thụ của thành phố tăng từng ngày. Cụ thể, tính đến ngày 22/4, lượng điện tiêu thụ trung bình trong tháng 4 đạt 85,91 triệu kWh/ngày. Cùng kỳ các năm trước đều dưới mốc 80 triệu kWh/ngày.

Đại diện EVNHCMC cho rằng nguyên nhân chính là do thời tiết nắng nóng và không khí oi bức nên nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát tăng cao. Đặc biệt, nắng nóng vào cuối tuần nên mặc dù khối sản xuất và các cơ quan, cao ốc văn phòng nghỉ nhưng lượng điện tiêu thụ vẫn đạt trên 92,34 triệu kWh, chỉ thấp hơn 1,27% so với ngày thứ sáu trước đó và cao hơn kỷ lục của những năm trước.

"Sản lượng điện tiêu thụ tăng cao từng ngày cho thấy tiêu thụ điện ở các hộ gia đình đang tăng rất mạnh, chủ yếu do nhu cầu làm mát tăng cao. Theo số liệu trên cho thấy bình quân một hộ gia đình trong ngày thứ bảy đã sử dụng trên 30 kWh điện. Dự báo trong mấy ngày tới, thời tiết vẫn tiếp tục nắng nóng lên đến 37 độ và buổi tối thấp nhất 29 độ, nền nhiệt cao và không khí oi bức nên nhu cầu sử dụng điện, nhất là điện cho các thiết bị làm mát tiếp tục tăng cao", đại diện EVNHCMC cho hay.

Để hạn chế hóa đơn tiền điện các tháng mùa khô tăng cao đột biến, EVNHCMC khuyến nghị khách hàng, người dân cần thật sự quan tâm thực hành tiết kiệm điện, vừa giảm nguy cơ sự cố điện vừa tránh được hóa đơn tiền điện tăng cao. Cần sử dụng điện theo nguyên tắc 4 đúng: "Đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và đúng nhu cầu" và hãy "Tắt khi không sử dụng".

Nên cài đặt máy lạnh để nhiệt độ trong phòng chênh lệch không quá nhiều so với nhiệt độ ngoài trời (khoảng 5 độ C) và hạn chế sử dụng nhiều máy lạnh cùng một lúc trong nhà.

Bên cạnh đó, việc vệ sinh máy lạnh theo định kỳ để giúp máy lạnh hoạt động ổn định tăng khả năng làm lạnh và ít tiêu hao điện năng.

Khách hàng nên dùng quạt thay cho máy lạnh khi thời tiết không quá nóng; Tích cực sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để giảm tiền điện ở các bậc giá cao. Đặc biệt, hãy tận dụng tối đa ánh sáng trời và thông gió tự nhiên.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày