Bác sĩ Cao Văn Tuân, phòng khám G.B (huyện Bình Chánh, TP. HCM) cho biết thông tin này trong ngày 13/10, khi ông vừa cứu sống một trường hợp bệnh nhi đuối nước dẫn đến ngưng tim, ngưng thở trong tình huống gần như đã tuyệt vọng.
Theo thông tin ban đầu, thời điểm xảy ra sự việc, mẹ bé N.P.K (19 tháng tuổi, ngụ xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) đang mải mê công việc ở nhà trước vì gia đình làm nghề bán rau, để bé K. chơi tự do trong nhà.
Bé N.P.K.
Mãi đến khi nhớ đến con, người mẹ chạy xuống bếp tìm thì kinh hoảng thấy cháu bé đã chúc đầu vào thùng nước và nằm im. Khi người mẹ truy hô, cả xóm chạy sang và ôm đứa bé đi cầu cứu bác sĩ. Tại phòng khám, người mẹ đã không giữ được bình tĩnh, liên tục khóc và tự trách mình không biết cách giữ con.
Khi đến phòng khám, người mẹ đã không giữ được bình tĩnh, liên tục tự trách mình.
"Khi đến nơi thì bé đã tím hết cả người, tim ngừng đập, phổi không thở, người cứng, đồng tử giãn. Mình đặt cháu lên giường, móc đờm dãi trong miệng nhanh và ngay lập tức bóp tim ngoài lồng ngực trong khi cô điều dưỡng thổi ngạt. Vì bé nhỏ nên chỉ có thể dùng 2 ngón tay cái bóp nhanh liên tục vùng mũi ức.
Cứ 12 nhịp thì điều dưỡng thổi ngạt một lần, mặt bé để nghiêng về một bên để nước trong người ọc ra sau khi thổi ngạt và bóp tim. Liên tục 30 phút mà bé vẫn chưa tỉnh, mình bắt đầu nản bởi vì hồi sinh thế này thường hơn 20 phút mà không được thì khó cứu" – bác sĩ Tuân nhớ lại.
Lúc này dù gần như đã tuyệt vọng nhưng vì mạng sống của bệnh nhi, bác sĩ quyết định sẽ cố làm thêm 5 phút nữa. Điều kỳ diệu bất ngờ xảy ra khi môi bé K. bớt tím và dần chuyển sang hồng, đồng tử có co nhỏ lại. Như được tiếp thêm hi vọng, bác sĩ tiếp tục cấp cứu thêm ít phút nữa.
Khoảnh khắc bác sĩ làm nên điều kỳ diệu khi đưa bé thoát tử thần.
"Mình cảm giác tim cháu đập dưới ngón tay và sau đó bé tự thở được. Mồ hôi đẫm áo và mừng đến phát khóc. Mình nói bé sống rồi, cô bé điều dưỡng khóc ồ lên. Mình cúi xuống ôm con cũng để giấu nước mắt mừng vui. "Cảm ơn chúa đã cứu con" là câu nói mình đã nói thầm lúc đó" – bác sĩ kể thêm.
Sau khi sơ cứu thành công, bé được chuyển đến bệnh viện Nhi đồng 1 để theo dõi tình trạng phổi và não sau khi thiếu máu kéo dài. Bệnh nhi cũng có tiền sử bị bệnh tim.
Không may mắn như bé trai này, đầu năm 2017 một bệnh nhi 17 tháng tuổi (ngụ huyện Bình Chánh, TP. HCM) trong lúc sinh hoạt tại nhà cũng đã chúc đầu vào xô nước rồi va đập vào đáy lu.
Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu bệnh viện Nhi đồng 1 thường xuyên tiếp nhận những trường hợp trẻ bị tai nạn đuối nước nguy kịch.
Khi người lớn phát hiện, đứa bé đã trong trạng thái sặc nước nặng, ngưng thở, ngưng tim. Bệnh nhi được đưa đến bệnh viện Nhi đồng Thành phố trước khi chuyển tiếp đến bệnh viện Nhi đồng 1. Dù các bác sĩ đã tận tình cứu chữa nhưng do tình trạng quá nặng, đứa bé đã tử vong sau đó.
Bác sĩ cảnh báo cha mẹ khi tắm cho con tuyệt đối không bỏ đi làm việc khác, lỡ ham việc quên trẻ có thể ân hận cả đời.
Từ những trường hợp trên, bác sĩ cảnh báo cha mẹ cẩn thận không cho trẻ một mình ở khu vực có nước như hồ bơi. Các vật dụng chứa nước trong gia đình phải có nắp đậy, khu vực bếp, nhà tắm phải có cửa đóng cài chặt để bé không tự vào được. Khi tắm cho con tuyệt đối không bỏ đi làm việc khác, lỡ ham việc quên trẻ có thể xảy ra hậu quả nặng nề.
"Tuyệt đối không sốc đối với người đuối nước mà phải tranh thủ thời gian hà hơi thổi ngạt và xoa bóp tim ngay lập tức sau khi lấy hết dị vật trong miệng nạn nhân" – bác sĩ khuyến cáo những sai lầm khi sơ cứu cho phụ huynh.
Cách sơ cứu trẻ hóc dị vật:
Trường hợp trẻ còn tỉnh: Cho trẻ đứng, người sơ cứu đứng phía sau lưng hoặc quỳ gối, choàng 2 tay ra phía trước ngang thắt lưng. Một tay nắm thành nắm đấm, một tay chồng lên tay còn lại, đặt ngay vào vị trí ở vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên 5 cái thật mạnh liên tiếp. Nếu dị vật chưa ra thì có thể lặp lại biện pháp này từ 6 đến 10 lần.
Trường hợp trẻ hôn mê: Đặt trẻ nằm ngửa, người sơ cứu quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi trẻ. Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp.
Trong tình huống nạn nhân hôn mê và không thở được thì trước tiên phải hà hơi thổi ngạt 2 cái. Nếu dị vật vẫn chưa ra, trẻ vẫn chưa thở được thì kết hợp vừa hà hơi thổi ngạt vừa dùng tay ấn cho đến khi dị vật văng ra hoặc bệnh nhân khóc, thở được, hồng hào hơn.