UBND TP HCM vừa có báo cáo về thực hiện Chỉ thị 31/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới (từ ngày 21-12- 2023 đến ngày 21-12-2024)
Theo UBND TP, để công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) cho lứa tuổi học sinh, TP đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó nổi bật là lực lượng Công an TP cùng các đội tình nguyện đã bố trí lực lượng ứng trực tại khu vực cổng các trường học vào thời gian đầu và cuối giờ học, ngày khai giảng, những ngày mưa bão, kỳ thi tốt nghiệp. Đồng thời, xử lý các trường hợp học sinh vi phạm luật giao thông; phụ huynh giao xe cho học sinh không đủ tuổi điều khiển...
Theo báo cáo của TP, kết quả xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh ở lĩnh vực vi phạm đường bộ, gồm: Lập biên bản 589.320 trường hợp. Trong đó, xử phạt liên quan tới lứa tuổi học sinh: 19.006 trường hợp (tăng 10.122 trường hợp so với liền kề); ước tính thành tiền: 17.627.550.000 đồng; tạm giữ: 11.500 xe môtô, 218 phương tiện khác.
Các lỗi vi phạm tập trung xử lý liên quan lứa tuổi học sinh gồm: Vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện: 36 trường hợp, chạy quá tốc độ cho phép: 318 ; Chở quá số người quy định: 134; không đủ tuổi điều khiển phương tiện: 10.554; Không có giấy phép lái xe: 235; Vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy: 759; Không chấp hành tín hiệu đèn giao thông: 40; đi ngược chiều đường một chiều: 30.
Qua đó, lập biên bản 5.637 trường hợp giao, để phương tiện cho học sinh không đủ điều kiện khiển phương tiện. Gửi thông báo 12.068 trường hợp học sinh vi phạm về cho nhà trường để có hình thức xử lý và biện pháp giáo dục phù hợp.
TP HCM cũng kiểm tra đã phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm, yêu cầu dừng hoạt động đối với 38 bãi xe trái phép tự phát nhận trông, giữ xe mô tô cho học sinh xung quanh khu vực trường học; lập biên bản ghi nhận 79 trường học vẫn còn tình trạng trông, giữ xe cho học sinh không đủ điều kiện trong trường...
Nhận định về những tồn tại, hạn chế, theo UBND TP, mặc dù các đơn vị đã phối hợp tốt công tác tổ chức tuyên truyền yêu cầu giáo viên, phụ huynh, học sinh ký cam kết chấp hành nghiêm Chỉ thị 31.
Tuy nhiên, quá trình kiểm tra thực tế một số đơn vị, địa phương chưa thực hiện thường xuyên liên tục, chỉ quyết liệt trong thời gian đầu. Việc xử lý học sinh vi phạm quy định về trật tự ATGT chưa thể hiện tính răn đe, chưa có hướng dẫn, thống nhất cụ thể về việc xử lý đối với các trường hợp học sinh vi phạm, gắn trách nhiệm cụ thể đối với nhà trường, giáo viên, phụ huynh; hầu hết các trường hợp vi phạm mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, hoặc nếu có thông báo gửi về trường thì nặng nhất cũng chỉ bị phê bình dưới sân trường. Ngoài ra, khi bị lực lượng chức năng xử lý, chính các bậc phụ huynh lại gây khó dễ cho lực lượng chức năng, khiến công tác xử lý học sinh vi phạm giao thông chưa đạt hiệu quả cao...
26 phương tiện đưa-đón học sinh bị xử lý
Tại TP HCM, trong năm học 2024, hoạt động đưa rước học sinh trên địa bàn TP được tổ chức tại gần 100 trường học (khoảng 10% tổng số trường học trên địa bàn thành phố), với số lượng phương tiện đăng ký tham gia hoạt động khoảng 350 phương tiện có sức chứa từ 16 chỗ ngồi trở lên. Tuy nhiên, một số phương tiện đưa đón học sinh vẫn còn vi phạm luật giao thông trong quá trình di chuyển; qua thống kê có 26 phương tiện đưa, đón học sinh đã bị xử lý
Để chuẩn bị cho hoạt động đưa rước học sinh kể từ năm 2025, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng đã bổ sung các điều kiện quy định theo Luật Giao thông đường bộ trong tiêu chí xét chọn đơn vị vận tải đủ năng lực đảm nhận khai thác hoạt động vận chuyển học sinh xe như: đưa rước trẻ mầm non, học sinh tiểu học buộc phải có camera, thiết bị chống bỏ quên, dây đai an toàn, người quản lý trẻ trên xe trong suốt chuyến đi, lái xe khi tham gia vận chuyển đưa rước học sinh phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm…