9.0 IELTS là cột mốc đáng mơ ước với nhiều người trẻ. Để đạt được mức điểm tuyệt đối, nhiều người đã phải dành thời gian "cày" chứng chỉ này ngày đêm, cũng như liên tục sử dụng tiếng Anh trong cuộc sống.
Và mới đây, anh chàng Nguyễn Trung Đức (28 tuổi, Hà Nội) đã truyền cảm hứng về hành trình đạt 9.0 IELTS của mình. Đáng nói, đằng sau bảng điểm IELTS đẹp, Đức còn có nhiều thành tích đáng nể khác mà nghe thôi người ta đều phải gật gù tán thưởng.
Nguyễn Trung Đức - một trong những thầy giáo mới nhất đạt 9.0 IELTS
Trung Đức tiếp xúc với tiếng Anh từ nhỏ. Trong kỳ thi vào lớp 10, anh trúng tuyển cùng lúc lớp chuyên Anh của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và trường THPT chuyên Ngoại ngữ (ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội).
Năm 18 tuổi, Đức giành được học bổng miễn 100% học phí tại trường ĐH Yonsei (Hàn Quốc). Anh chọn học ngành Công nghệ Sinh học (Life Science & Biotechnology) và Quản trị Văn hóa và Thiết kế (Culture & Design Management).
Nói qua một chút về ĐH Yonsei, đây là một trong những ngôi trường tư thục hàng đầu Hàn Quốc. Trường nằm trong SKY - 3 đại học hàng đầu của xứ sở kim chi bên cạnh Đại học Quốc gia Seoul và Đại học Hàn Quốc, chuyên đào tạo các ngành học có xu hướng phát triển mạnh như Kinh tế, Truyền thông, Y Dược và Luật...
Dù sau này chọn về nước làm việc, song Đức vẫn cho rằng quá trình học tại ĐH Yonsei ít nhiều ảnh hưởng đến cách anh nghiên cứu và giảng dạy sau này.
Đức cho biết: "Yonsei thì không còn gì để nói bởi đây là đại học quá lâu đời và danh tiếng ở Hàn Quốc. Mình còn có cơ hội học tập tại trường Đại học Quốc tế Underwood (Underwood International College) trực thuộc ĐH Yonsei, nơi mình được tiếp xúc với môi trường tiếng Anh học thuật, được học hỏi từ giảng viên tới sinh viên. Các giáo sư đều có nhiều năm giảng dạy tại đại học danh tiếng trên thế giới, kèm theo cơ sở vật chất tốt tạo nên môi trường học tuyệt vời.
Việc học hai bằng cử nhân cũng giúp mình khá nhiều. Với bằng Công nghệ Sinh học, mình biết được cách tự học và nghiên cứu chuyên sâu về nhiều vấn đề, tăng tư duy logic. Trong khi đó, bằng Quản trị Văn hóa và Thiết kế đã mang lại cho mình tư duy về mặt văn hóa, cách sử dụng ngôn ngữ rất nhuần nhuyễn. Cả hai đều phần nào giúp đỡ mình trong việc thi và giảng dạy tiếng Anh nhờ kiến thức đa chiều mà chúng mang lại".
Hình ảnh Đức trong buổi lễ tốt nghiệp tại ĐH Yonsei
Thời điểm mới tốt nghiệp, dù có trong tay hai bằng cử nhân của trường ĐH top đầu Hàn Quốc, Đức vẫn chọn về nước vì đam mê với nghề giáo viên. Mặt khác, anh cũng cho rằng bản thân không phù hợp với môi trường công sở tại xứ sở kim chi.
"Mình chưa đi làm chính thức công sở ở Hàn Quốc nhưng do mình từng ở đó 4 năm, lại có trao đổi với nhiều người đi trước nên mình hiểu, môi trường công sở ở quốc gia này có thể nói là khá nặng nề và khốc liệt. Vì vậy mình lựa chọn về Việt Nam để phù hợp hơn với lối sống và cách làm việc freelance (tự do không gò bó) của bản thân", Đức nhớ lại.
Năm 2018, Đức tốt nghiệp ĐH Yonsei và làm việc tại một trung tâm luyện thi IELTS. Mới về nước, Đức sốc khi chỉ thi được 7.5 IELTS bởi anh cho rằng bản thân đã có nền tảng ngôn ngữ này khá vững, cũng như sử dụng tiếng Anh liên tục trong thời gian dài. Chỉ sau đó vài tháng, Đức quyết tâm thi lại và lần này anh thành công nâng mức điểm lên 8.0 IELTS.
Tính đến nay, Đức đã thi chứng chỉ IELTS 7 lần. Các mức điểm cũng tăng dần theo thời gian, từ 7.5 lên 8.0, 8.5 và gần nhất anh đạt 9.0 IELTS. (9.0 Nghe, Đọc, Nói và 8.0 Viết).
Đức cho hay, trong tất cả lần thi IELTS, anh không bao giờ đặt kỳ vọng bản thân sẽ đạt điểm tuyệt đối. Mục đích anh đi thi là nhằm trau dồi kiến thức, phục vụ việc giảng dạy tốt hơn. Anh nói thêm: "Sau khi đạt 9.0 IELTS, mình cũng rất bất ngờ. Lúc đó đã gọi điện báo ngay cho gia đình, bạn bè đồng nghiệp thân thiết - những người đã giúp mình rất nhiều trong quá trình ôn tập và thi chứng chỉ".
Đức từng thi IELTS 7 lần. Trong đó, anh đạt 7.5 IELTS 1 lần, 8.0 IELTS 1 lần, 8.5 IELTS 4 lần và 9.0 IELTS 1 lần
Theo chủ nhân bảng điểm IELTS tuyệt đối, có 2 yếu tố mà người ôn thi chứng chỉ này nên lưu ý:
- Thứ nhất, thực chất ôn thi IELTS là việc bạn làm quen với bài thi nói chung và hiểu được giám khảo, cũng như bài thi yêu cầu gì ở bạn. Khi nắm chắc được tiêu chí chấm điểm, các kỹ năng cần thiết cũng như có mức độ kiến thức phù hợp với từng thang điểm, bạn có thể định hướng việc học tập để không bị lạc.
Để có được định hướng tốt nhất về bài thi, bạn có thể tham khảo ý kiến của giáo viên có kinh nghiệm lâu năm. Ngoài ra, bạn nên sử dụng nguồn tài liệu chính gốc của Cambridge, đơn vị thực hiện bài thi IELTS, để có cái nhìn chính xác nhất, tránh bị lạc hướng bởi giáo trình hay tài liệu trôi nổi trên mạng Internet.
- Thứ hai, việc ôn thi IELTS bản chất cuối cùng cũng là kiểm tra trình độ tiếng Anh. Vì vậy trước khi thi IELTS bạn cần trau dồi vốn tiếng Anh của mình thật tốt trước đã. Việc này cần một thời gian dài và quyết tâm cá nhân để có thể đưa bản thân vào môi trường sử dụng tiếng Anh nhiều.
Nhiều bạn chỉ chăm chăm học IELTS mà quên đi tiếng Anh còn rộng hơn như vậy rất nhiều. Nếu bạn có thể tiếp cận nguồn tiếng Anh trên Internet hoặc ngoài đời thực nhiều hơn thì khả năng sử dụng tiếng Anh cũng nâng cao, từ đó việc đạt mức điểm IELTS cũng dễ dàng hơn mà không quá áp lực.
Mặt khác, Đức cũng đưa ra lời khuyên riêng để cải thiện mức điểm IELTS cho 2 nhóm dân "cày" IELTS là dưới 6,5 và từ 7.0 trở lên.
Đức cho hay: "Đối với những bạn ở band điểm chưa cao (<6.5), bạn thường gặp vấn đề lớn về từ vựng, ngữ pháp, và cách diễn đạt trong tiếng Anh khi được yêu cầu đưa ra ý kiến hoặc lập luận về một vấn đề gì đó.
Cách khắc phục là phải tiếp xúc nhiều hơn với tiếng Anh để trau dồi thêm kiến thức về những mặt này. Ngoài ra, bạn đừng học vẹt mà nên học sâu hơn khi gặp bất cứ một kiến thức tiếng Anh nào mới, thông việc qua sử dụng phần kiến thức đó vào thực tế. 'Học thì phải đi đôi với hành'.
Tiếp theo với những bạn ở band điểm khá ổn (từ 7.0 trở lên) các bạn có thể gặp vấn đề là chưa đáp ứng chính xác những gì bài thi cần để đạt điểm cao. Có thể các bạn còn đưa ra quá nhiều ý mà không có sự đào sâu phát triển một cách chính xác và đa chiều. Việc này dẫn đến tình trạng những gì bạn Viết hay Nói đều khá 'nông', chưa mang lại cho giám khảo thấy bạn có khả năng sử dụng ngôn ngữ tốt trong môi trường yêu cầu tính academic (học thuật) cao.
Lời khuyên là bạn chắc chắn phải kiểm soát tốt hơn những gì đưa ra cho giám khảo để phù hợp với tiêu chí bài thi. Ngoài ra, bạn còn nên tiếp tục trau dồi thêm kiến thức học thuật ở đa dạng chủ đề nhằm tăng thêm idea (ý tưởng) có sẵn và cách triển khai chúng".
Là giáo viên luyện thi IELTS nên Trung Đức liên tục cập nhật những thông tin về việc học và thi tiếng Anh, cũng như chứng chỉ liên quan trên mạng xã hội. Đơn cử thời gian gần đây, dân tình đang tranh cãi liệu chứng chỉ IELTS có đang bị "thần thánh hoá" khi rất đông phụ huynh và học sinh đang đổ xô đi học chứng chỉ này bất chấp thời gian, độ tuổi.
Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều tranh cãi về giá trị của chứng chỉ IELTS (Ảnh minh hoạ)
Giữa các quan điểm trái chiều, thầy giáo trẻ cũng có những nhận định riêng về câu chuyện này.
Theo đó, anh nghĩ việc chứng chỉ IELTS được đề cao là điều dễ hiểu. Bởi hiện nay, có rất nhiều trường học, cơ sở giáo dục tại Việt Nam và nước ngoài chấp nhận chứng chỉ này trong quá trình tuyển sinh. Do đó, với tâm lý "ăn chắc mặc bền", người nhà và học sinh có tâm lý muốn thi IELTS, để giảm áp lực trong những kỳ thi có đầu vào gắt gao. Ngoài ra, chứng chỉ IELTS được quan tâm cũng vì nhiều người coi chúng là "thước đo" về khả năng tiếng Anh.
Mặt khác, Trung Đức nhận định không nên "thần thánh hoá" chứng chỉ này bởi nhiều lý do.
"Với một người có kinh nghiệm học và luyện thi IELTS, mình nghĩ rằng điểm IELTS cao (đặc biệt từ mức 8 điểm trở lại) cần nhiều hơn chỉ là tiếng Anh. Cụ thể, họ còn cần kiến thức xã hội và tư duy lập luận phải vững để đạt điểm cao trong phần Viết và Nói. Do đó, từ ý kiến chủ quan, mình nghĩ ở mức độ nào đó thì IELTS cũng đánh giá khá tốt cả về năng lực ngoại ngữ, năng lực suy nghĩ và tư duy của học sinh. Nên việc bài thi này được chú trọng có thể hiểu được.
Thế nhưng, mọi người không nên 'thần thánh hóa' IELTS bởi còn rất nhiều yếu tố khác để đánh giá một người về mặt học thuật mà chứng chỉ này chưa thể làm được. Ví dụ các ngành liên quan tới Y, Dược thì yêu cầu tiếng Anh nói chung, IELTS nói riêng ở mức độ vừa phải nhưng lại yêu cầu rất cao về kiến thức chuyên ngành và kinh nghiệm thực tế", Đức bày tỏ.
Ảnh: NVCC