1. Khi mới vào làm, cần tìm hiểu rõ những điều cơ bản về công ty
Muốn nhanh chóng phát triển trong một môi trường mới, điều đầu tiên là phải quen thuộc và nắm rõ những điều cơ bản trong công ty: như các phòng ban, tên lãnh đạo, nhân viên, cấp trên, cấp dưới... của những người sẽ có liên hệ, làm việc chung với mình và email làm việc của họ.
Thứ hai, tìm hiểu nhanh về quy định, điều lệ và lịch sử phát triển công ty.
Thứ ba, tự mình "cảm nhận", hòa hợp với môi trường và công việc, cố gắng thích nghi và nắm bắt nhanh những hoạt động mình phải làm.
2. Ưu tiên làm những việc quan trọng trước
Để làm việc có hiệu quả cao, không chỉ cần tập trung, chú ý, mà còn phải biết cách sắp xếp hợp lí, việc nào nên làm trước, việc nào nên để sau.
Một ngày chỉ làm việc 8 tiếng, đừng lãng phí bất cứ thời gian nào. Trước đây, khi mới vào làm, dù rất chăm chỉ, nhưng tôi vẫn thường làm chậm hơn người khác. Mỗi ngày, đều phải ở lại công ty tăng ca để hoàn thành xong công việc.
Sau đó, có một chị nhân viên lâu năm đã chỉ tôi những phím tắt và cách sắp xếp tài liệu, con số một cách nhanh nhất. Nhờ đó, tôi không cần phải ngày ngày tăng ca nữa.
Khi làm bất cứ việc gì đi nữa, cũng cần nên có một sự sắp xếp hợp lí. Bạn nên ưu tiên làm những việc quan trọng trước, những việc không cần thiết để sau.
3. Đừng chỉ nhìn vào "phần thưởng" của người ưu tú, hãy nhìn kĩ quá trình mà họ đã bỏ ra.
Có nhiều người rất thích "so sánh", nhưng so sánh xong lại bắt đầu ghen tỵ, mà ghen tỵ lại chính là nguyên nhân khiến họ không bao giờ khá lên nổi.
Bởi khi người ta bỏ công bỏ sức cố gắng, họ chỉ đứng tại chỗ bỏ "thái độ", thì làm sao có thể thành công được?
Tôi rất thích những người "nói ít làm nhiều", họ không cần khoe khoang "tôi đã làm được gì", cũng không cần than vãn "tôi đã khổ thế nào". Họ im lặng và nỗ lực, nhờ vậy hái được nhiều quả ngọt.
Nếu thật sự muốn được như họ, muốn học hỏi họ, hãy để ý xem người ta đã trả giá như thế nào, nỗ lực ra sao?
Thật ra đối thủ lớn nhất của bạn không phải người khác, mà là chính mình. Chiến thắng cái sợ, cái lười, cái nhút nhát của bản thân, bạn nhất định sẽ thành công.
4. Đừng bao giờ dùng việc chê bai người khác để làm bàn đạp "an ủi" chính mình.
Người khác được thăng chức tăng lương, bạn bảo do nhờ có quan hệ họ hàng với giám đốc.
Người khác ăn nên làm ra, bạn nói do nhà có điều kiện.
Người khác được học bổng, bạn bảo do trời sinh ra có IQ cao.
Nói như vậy, bạn đã vô tình để lộ thái độ "coi thường người khác", như thế không hay chút nào.
Người dám công nhận sự ưu tú của người khác, và chấp nhận sự thiếu sót của chính mình, mới là một người thông minh. Bởi vì trên đời này, có ai là hoàn mỹ hoàn toàn đâu.
Học hỏi là một loại lựa chọn, trưởng thành là một loại ý chí. Đôi lúc đừng nên dùng góc nhìn chủ quan của chính mình mà áp đặt lên mọi việc, mọi vật.
5. Luôn nghĩ rằng mình làm việc là vì "bản thân", không phải vì "công ty"
Tại sao vào làm cùng ngày, ngồi cùng vị trí, nhận cùng mức lương, nhưng một người được thăng chức, một người bị giáng chức?
Bởi vì có vài người thường mang tư tưởng "lười" vào công ty. Họ nghĩ dù là làm nhiều hay làm ít đi nữa thì một tháng cũng nhận mức lương cố định nhiêu đó thôi.
Thế nên, thay vì "làm tốt", họ chỉ "hoàn thành" là đủ.
Nhưng họ không biết rằng: Kiếm tiền là cái trước mắt, nhưng năng lực kiếm tiền mới là tương lai. Thay vì tính toán thiệt hơn, chi bằng cố gắng làm tốt mọi việc. Dù nhận được mức lương thấp đi nữa, kỹ năng và kinh nghiệm mà họ học được, vẫn sẽ giúp ít rất nhiều cho tương lai của họ sau này.
6. Hoạt động phải đi đôi với suy nghĩ
Rất nhiều người dù cố gắng rất nhiều nhưng vẫn không có kết quả, ấy là vì nỗ lực không kế hoạch, không suy nghĩ cẩn thận.
Công ty muốn đẩy sản phẩm mới ra thị trường, kêu nhân viên cùng đăng lên Facebook cá nhân. Ai nấy đều nhanh chóng chụp một tấm hình rồi nhanh chóng đăng lên dòng thời gian, và bạn cũng vậy.
Nhưng mà đã là giới thiệu sản phẩm mới, vậy tại sao không viết thêm hai, ba dòng giới thiệu về sản phẩm, thu hút người khác?
Nói đến cách làm việc, nhân viên bình thường luôn làm theo mệnh lệnh được giao, hoàn thành là được. Nhân viên ưu tú lại suy nghĩ trước, xem mục đích, hướng giải quyết tốt nhất cho công việc đó là gì. Thế nên, họ mới dễ dàng được lãnh đạo trọng dụng.
7. Khái niệm phải đi đôi với thực tế
Trước đây, có nhiều sinh viên thường hỏi tôi: "Tại sao những thứ em học đều không có tác dụng gì? Vậy mà nhà trường vẫn bắt học, bắt thi lấy điểm? Đây chẳng phải là đang lãng phí thời gian hay sao?"
Thật ra, có nhiều lý thuyết, không phải bản thân nó vô dụng, mà là vì bạn chưa vận dụng nó vào cuộc sống thực.
Khái niệm là nền tảng của suy nghĩ. Nhưng trải nghiệm và thực hành mới là sự trưởng thành của bản thân.
Học cách vận dụng những điều đã học, đã đọc, đã nghe, đã thấy vào cuộc sống. Đó là điều cần thiết để bạn dễ dàng phát triển.
8. Cách làm tốt đến đâu, cũng cần có hành động thực tiễn
Biến đổi 1% suy nghĩ thành 100% hành động, dù sao vẫn tốt hơn nhiều so với suy nghĩ 100% nhưng chỉ bỏ ra 1% hành động.
Tôi có một người bạn, IQ rất cao, từ tiểu học đến đại học, năm nào cũng là học sinh, sinh viên xuất sắc. Nhưng không ngờ sau này khi ra đời, anh ta lại bị cuộc sống đánh bại.
Bởi vì anh ta có một tật xấu: Suy nghĩ rất kĩ, rất lâu, nhưng đến khi hành động thì chần chừ, thiếu tự tin, quyết đoán.
Vì vậy, dù đã nhiều lần, anh ta nói với tôi muốn ra làm riêng, tự mình làm chủ lấy mình, nhưng chỉ đành bỏ cuộc, và hiện tại vẫn còn làm nhân viên cho người khác.
Dù là thành công hay thất bại, nếu bạn đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, vậy đừng nên do dự mà hãy can đảm, quyết tâm thực hiện.