Cơn "bão giá" hiện nay không còn nằm ở trên tivi, báo đài nữa mà đã gõ cửa đến từng gia đình. 1 tháng gần đây nhất, từ người độc thân tới các gia đình đều than trời với nhau vì chi phí đi chợ tới xăng xe đều tăng lên một cách chóng mặt. Tổng kết nhanh có gia đình tăng tới 50% chi phí chi tiêu một cách đáng lo ngại, khiến họ buộc phải thắt chặt chi tiêu để tiết kiệm hơn.
Quỳnh Trang (25 tuổi) đang thuê trọ và sống độc thân ở khu vực Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ bão giá khiến cuộc sống gặp khó khăn ngay khi xuất hiện. Trang hiện đang sống 1 mình nên rất ít khi đi chợ, nấu ăn. Chủ yếu là đặt đồ ăn online ship tận nhà.
Tuy nhiên, 1 tháng nay thấy bão giá, đồ ăn đắt lên do phí ship tăng cao. Trang nhẩm tính nhanh cũng thấy tăng tới hơn 1 triệu tiền ăn uống. Để tiết kiệm, Trang hạn chế đi chơi mà chỉ di chuyển từ chỗ làm về nhà và ngược lại, nhưng chi phí xăng xe cũng thấy tăng gần 300k so với tháng trước. Thu nhập mỗi tháng không cao, chỉ dao động từ 6 - 8 triệu khiến Trang rất lo sợ việc không đủ tiền chi tiêu nếu bão giá cứ kéo dài như hiện tại.
Bảng chi tiêu trước và sau bão giá của Quỳnh Trang
Gia đình 3 người nhà chị Hào Nguyễn (Ảnh: NVCC)
Gia đình 3 người nhà chị Nguyễn Hào cũng không đứng ngoài cơn bão giá ập tới. Sống ở Long Biên, Hà Nội, gia đình chị Hào có quãng đường di chuyển đi làm khá xa, tới 20 cây số/ngày cả đi và về. Ngoài ra, gia đình cũng khá tốn kém trong khoản chi tiêu trong vấn đề ăn uống vì chị cũng rất quan tâm tới sức khỏe và chất lượng của thực phẩm.
Bão giá kéo tới, chị Hào nhanh chóng nhận ra khoản chi tiêu của gia đình đã đội lên từng ngày. "Đi chợ cách đây khoảng 2 tuần, mình mua 1 mớ rau muống giá 25k, xong mua thêm quả cà bát ăn cho đúng vị thì tới 20k/quả. Thế là nguyên liệu chưa thịt đã hết 45k rồi. Thấy giá tăng cao, mình xoay qua đi siêu thị mua ngay để bình ổn giá. Ví dụ như trứng, nếu mua ngoài chợ là 30k/chục thì vào siêu thị chỉ 27k - 29k thôi. Rau muống cỡ 17k/túi. Nói chung là thấy giá hợp lý hơn khi mua ngoài chợ. Dù xoay chuyển cách đi chợ rất nhanh nhưng khi tổng kết vẫn thấy chênh lên khá nhiều".
Bảng chi tiêu trước và sau bão giá của gia đình chị Nguyễn Hào
Gia đình chị Trần Hiền có 2 vợ chồng và 1 giúp việc hiện đang sống tại Hà Đông (Ảnh: NVCC)
Gia đình chị Trần Hiền, hiện đang sống tại Hà Đông, Hà Nội cũng đang loay hoay tìm cách tiết kiệm làm sao để vượt qua thời kỳ bão giá đang đổ bộ vào cuộc sống của gia đình. Vì thu nhập không cao nên gia đình chị Hiền lựa chọn thuê nhà khá xa khu vực trung tâm. Tuy nhiên, chi phí đi chợ tới xăng xe đều tăng cao trong thời gian này khiến cả hai vợ chồng vô cùng lo lắng.
Chị Hiền chia sẻ: "Gia đình mình thường được bố mẹ gửi đồ ăn lên cho nhưng khi thống kê lại vẫn thấy tốn khá nhiều tiền chi phí cho khoản này. 1 tháng bão giá gia đình bị đội chi phí lên tới gần 2,5 triệu. Khi đi chợ mình cũng đã biết nhưng tới khi tổng kết lại mới bất ngờ. Nếu không cân bằng mình sợ hai vợ chồng sẽ lạm vào cả tiền tiết kiệm mất".
Bảng chi tiêu trước và sau bão giá của gia đình chị Trần Hiền
Từ chi phí đi chợ đến tiền xăng đã tăng quá nhiều trong khoản chi tiêu hàng tháng của gia đình chị Uyên
Tự nhận là chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cơn bão giá, gia đình chị Uyên (7 người) hiện đang sống ở Long Biên cũng đang phải học cách thích nghi và sống chung với tình trạng giá cả tăng cao. Chị Uyên chia sẻ, gia đình thường chỉ ăn chung với nhau 1 bữa tối đầy đủ mọi người ở trong nhà. Còn lại, mọi người sẽ ăn trưa ở nơi làm việc. Riêng bé nhà chị đang học Tiểu học được mẹ cho riêng 2 triệu để ăn trưa tại nhà.
"Lúc trước 2 triệu là đủ tiền ăn trưa cho con, nếu còn dư mình sẽ mua đồ chơi hoặc đồ ăn vặt cho bé. Thế nhưng tháng vừa rồi, 2 triệu chỉ vừa đủ bởi chi phí giao hàng tăng lên. Tiền xăng xe cũng khiến vợ chồng mình đau đầu không kém. Hai vợ chồng đi xe ô tô mà chi phí đổ xăng thấy tăng gấp đôi rồi", chị Uyên chia sẻ.
Bảng chi tiêu trước và sau bão giá của gia đình chị Nguyễn Uyên
Có thể thấy nhiều mặt hàng tăng giá trong thời gian qua đã tác động lên mọi mặt của đời sống và mọi đối tượng trong xã hội. Giữa "bão giá", họ phải chắt bóp, "khéo co thì ấm" để tồn tại. Hơn bao giờ hết, các gia đình lại bắt đầu siết chặt chi tiêu để giảm bớt khó khăn.