Whose Chance - Cơ Hội Cho Ai? qua 5 mùa phát sóng vẫn nhận được sự đón chờ của đông đảo khán giả. Chương trình trở thành cầu nối giữa nhà tuyển dụng và người lao động với slogan: "Tìm việc - Tìm người - Tìm cơ hội đổi đời". Whose Chance là sàn giao dịch việc làm thú vị, nơi mà năng lực làm việc, mức lương, chế độ đãi ngộ,... được thương lượng công khai.
Tưởng chừng bài toán về người lao động, thị trường việc làm với báo cáo dày đặc những con số sẽ khiến người xem mệt mỏi, chán nản thì dưới chiến lược của anh Cao Thế Anh - Tổng đạo diễn chương trình đã "hô biến" Whose Chance thành sân chơi sôi động, thú vị. Ngoài phút giây căng thẳng, hồi hộp ngóng chờ các Sếp ấn nút vàng hay chốt "deal", khán giả được nhiều phen "cười lăn, cười bò" trước câu nói bá đạo, bắt "trend" của Sếp hay phải trầm trồ tài năng ca hát, đọc rap,... của ứng viên.
Hãy cùng chúng tôi trò chuyện với anh Cao Thế Anh - người "thổi hồn" giúp Whose Chance trở nên thú vị, mới mẻ và gần gũi.
- Qua 5 mùa nhưng Whose Chance - Cơ Hội Cho Ai? vẫn không hề giảm nhiệt. Cảm xúc của anh ra sao khi chương trình do mình là Tổng đạo diễn ghi được dấu ấn?
Tôi thấy vui, hạnh phúc khi chương trình là tâm huyết của bản thân và ê-kíp nhận được sự đón nhận. Whose Chance đem đến cơ hội cho người lao động được gặp gỡ trực tiếp các Sếp là chủ doanh nghiệp, thành viên Ban lãnh đạo, chứ không đơn thuần là nhân sự trong bộ phận tuyển dụng.
Đó chính là cơ hội quý giá để ứng viên được gặp gỡ, học hỏi, lắng nghe từ những vị Sếp – người có nhiều kinh nghiệm và góc nhìn.
- Giữa một "rừng" chương trình truyền hình thực tế hiện nay, làm sao để tạo nên một Whose Chance khác biệt?
Chúng tôi nảy ra ý tưởng "format" vào năm 2013 - sau năm kinh tế chạm đáy là 2012, nhiều doanh nghiệp cực kỳ khó khăn, dẫn đến thị trường biến động, bài toán được xã hội quan tâm là giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động.
Tuy nhiên, nếu chương trình truyền hình khai thác theo hướng những câu chuyện giáo điều sẽ khó chạm đến người lao động. Vì thế, tôi mong muốn tạo nên sân chơi thú vị, thực tế, không bị khô cứng và có giá trị bền vững. Tôi nghĩ điều khác biệt là đây không phải sân chơi dành cho giới nghệ sĩ, người nổi tiếng - nhóm đối tượng đã quá quen với ống kính máy quay. Mà người tham gia đều hết sức bình thường, có những bạn mới ra trường, mọi người không biết là ai nhưng bỗng nổi tiếng chỉ sau vài chục phút xuất hiện trên sóng truyền hình.
Bài toán nan giải tiếp theo là liệu người lao động có dám tham gia không? Vì bình thường công tác tuyển dụng diễn ra trong phòng kín, đảm bảo sự riêng tư. Giờ lên truyền hình, mọi thứ đều được "show" như tên tuổi, quê quán, bằng cấp, cá tính, khả năng ứng xử... trước hàng triệu người theo dõi.
Bài toán thứ ba là vấn đề công khai mức lương có tạo ra bất cập, sẽ tác động đến doanh nghiệp và người lao động như thế nào? Tôi đã trao đổi với các Sếp, doanh nghiệp để cố gắng phản ánh giá trị thật, không phá vỡ mặt bằng lao động. Mức lương, chính sách đãi ngộ đều thực tế, phù hợp năng lực của ứng viên.
Tôi bắt đầu tham khảo các chương trình có chủ đề tương tự và mong muốn Việt Nam sẽ có "format" vươn tầm thế giới. Thời điểm đó, thị trường thế giới đang rất sôi động về việc nhượng quyền "format" và Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều "format". Việc cần làm là tạo được kịch bản khác biệt, đã làm thì phải làm lớn. Ngay từ đầu, chúng tôi đặt ra cái tên cũng phải "quốc tế", đó là Whose Chance, sau đó mới dịch ra tiếng Việt Cơ Hội Cho Ai?. Đó là cơ hội cho người lao động, cho doanh nghiệp và cho thị trường.
"Format" chương trình được nghiên cứu từ năm 2013 đến 2014 mới chính thức đăng ký. Thời gian đó, chúng tôi làm việc không quản ngày đêm, kết hợp với các nhóm nghiên cứu, tổ tư vấn. Số người đồng tình rất ít, còn số người phản biện, nêu ra hàng loạt khó khăn để không thể làm được lại nhiều khiến tôi lo lắng, hoang mang. Nếu tinh thần không vững, có lẽ tôi đã từ bỏ. Tôi luôn lắng nghe để hoàn thiện, xây dựng một ê-kíp tốt, tâm huyết để có thể làm được một chương trình cho người lao động và đến năm 2019 chúng tôi mới bắt đầu sản xuất mùa đầu tiên.
- Như vậy, người lao động là nguồn cảm hứng lớn nhất để anh xây dựng "format" chương trình?
Đúng vậy, khi tiếp xúc tôi thấy được nhiều người lao động khát khao được phát triển, được một lần trong đời xuất hiện trên sóng truyền hình. Họ muốn thực hiện cả ước mơ của bố mẹ, gia đình. Tôi biết nhiều gia đình ở quê làm vài mâm cơm mời hàng xóm, bạn bè đến nhà cùng xem con họ lên sóng VTV3. Họ nhìn con trưởng thành và vô cùng tự hào, hạnh phúc. Với họ, ngày đó tưng bừng như ngày hội vậy.
Và nhiều người trung niên, người cao tuổi xem chương trình như được bước ra thế giới của nghề nghiệp. Nhờ đó, họ hiểu con cháu họ đang làm gì, lương thưởng ra sao, tính chất công việc thế nào. Và họ còn biết đến khá nhiều ngành nghề mới lạ mà trước đây chưa từng nghe như Lập trình game, Trí tuệ nhân tạo,...
- Sau 5 mùa phát sóng, các Sếp có những thay đổi nhất định. Liệu Sếp mới có thu hút được ứng viên không, thưa anh?
Tiêu chí để mời các Sếp không khác nhiều bởi ngay từ đầu đã đi theo "format" tổng thể, có giá trị cốt lõi xuyên suốt. Tiêu chí đầu tiên của BTC là mời các Sếp đến từ doanh nghiệp, tập đoàn uy tín. Đó là những đơn vị tiên phong, top đầu trong các nhóm ngành nghề. Các Sếp cần có kinh nghiệm, có tâm huyết với người lao động.
Trong mùa đầu tiên, chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi mời các Sếp. Bởi "format" chỉ ở trên giấy, các Sếp chưa hình dung được vai trò, vị trí của mình và băn khoăn những rủi ro doanh nghiệp phải đối mặt khi chương trình phát sóng.
Khó khăn thứ hai là việc thuyết phục các Sếp ghi hình. Không ít Sếp chia sẻ với tôi rằng đã rất lâu, họ không đọc CV, không trực tiếp phỏng vấn nhân viên. Vì thế, họ ngại là dễ bị lúng túng khi phỏng vấn, truyền cảm hứng, cách nhận xét phù hợp,...
Việc mời các Sếp theo cá tính, phong cách và thế hệ, có Sếp cũ, Sếp mới cũng tạo nên các màu sắc, đó cũng là điều thu hút ứng viên ứng tuyển và khán giả.
- Vì sao BTC nhất định phải mời các Sếp là chủ doanh nghiệp lớn hoặc nằm trong ban lãnh đạo thay vì trong bộ phận tuyển dụng nhân sự?
Nhiều Sếp tâm sự đã rất lâu không trực tiếp tuyển dụng nhân viên, chỉ thông qua bộ phận chuyên môn. Một số Sếp dí dỏm chia sẻ, đến với Whose Chance là cơ hội xuống mặt đất để lắng nghe mong muốn, nhu cầu người lao động và hiểu hơn tính cách, cá tính giới trẻ.
Nhiều tập đoàn lớn - nơi mà để ứng viên gặp Sếp phải qua 4 - 5 vòng, thậm chí cả năm không gặp được Sếp. Hay cũng có những hồ sơ bị loại từ vòng gửi hồ sơ, Sếp lớn chưa bao giờ đọc.
Đây chính là mục tiêu của "format", phải mời được các Sếp lớn trực tiếp tham dự. Chương trình may mắn khi được hợp tác, đồng hành với các Sếp giỏi, có tâm, sẵn sàng lắng nghe, đánh giá thẳng thắn, may đo theo năng lực, trao cho ứng viên những lời khuyên, những cơ hội tốt để họ có thể phát triển, thay đổi cuộc đời.
- Các Sếp ở thế hệ khác nhau, chắc hẳn đây là dụng ý của BTC chương trình?
Trong việc tìm kiếm các Sếp, tôi có sự lựa chọn theo độ tuổi. Sếp Trung Dũng (CEO Dh Foods) thuộc thế hệ 6x, từng sinh sống, khởi nghiệp tại nước ngoài nên có nhiều câu chuyện thú vị. Hay Sếp Hoàng Nam Tiến (Phó Chủ tịch Hội đồng trường FPT) có uy tín, kinh nghiệm và nhiều bài học hay, đặc biệt rất bắt "trend" theo giới trẻ.
Còn các Sếp thế hệ 8x, 9x lại trẻ trung, gần gũi hơn với Gen Z, từ đó thấu hiểu suy nghĩ của giới trẻ.
Xây dựng "format", tôi trăn trở nhiều về cơ hội gặp nhau. Các Sếp không biết hôm nay sẽ gặp ứng viên nào, độ tuổi ra sao, level, cấp bậc, vị trí gì? Chính vì vậy, các Sếp phải tập trung cao độ lắng nghe, tìm hiểu kỹ để nắm được năng lực, tâm tư, nguyện vọng ứng viên. Và đặc biệt, đây là dịp Sếp nhìn thấy bản thân của nhiều năm trước và đưa ra lời khuyên hữu ích đúc rút từ trải nghiệm. Đôi khi, những lời khuyên ấy có thể khiến cuộc đời ứng viên thay đổi.
- Năm 2023 với nhiều biến động về kinh tế, vậy anh có đánh giá gì về chất lượng các ứng viên năm nay?
Quả thật năm 2023 có nhiều thách thức, doanh nghiệp đối mặt với khó khăn như doanh thu giảm, thua lỗ. Theo thống kê, 10 tháng đầu năm, trung bình 1 tháng có khoảng gần 15.000 doanh nghiệp rời bỏ thị trường, trong khi các doanh nghiệp mới thành lập nhu cầu tuyển nhân sự chưa nhiều.
Do thị trường lao động khó khăn, chất lượng ứng viên của Whose Chance tăng lên rõ rệt, nhiều ứng viên cấp quản lý, trình độ cao đã không còn ngại ngần, sẵn sàng tham gia ứng tuyển. Đây cũng là điểm khác biệt về ứng viên so với năm ngoái.
- Ngay từ đầu, anh đã xác định "Phỏng vấn thật - Thương lượng thật - Việc làm thật" là tiêu chí của chương trình?
Chính xác đó là 3 tiêu chí, hay cũng chính là cam kết của chương trình xuyên suốt từ mùa 1 đến nay. Đến với chương trình, ứng viên phải cam kết rõ ràng, quy trình tuyển dụng rất chặt chẽ. Khi đồng ý "offer", ứng viên phải đi làm thật, đương nhiên nếu sau đó đi làm, họ có thể thỏa thuận với doanh nghiệp xin nghỉ việc nếu cảm thấy không phù hợp theo quy định của Luật lao động.
Với các doanh nghiệp cũng có những thỏa thuận, cam kết rất chặt chẽ. Chương trình cần các Sếp cam kết bỏ thời gian đồng hành, khi đã chốt "deal" phải tạo điều kiện để ứng viên làm việc theo đúng thỏa thuận. Còn ở vòng ngoài, chúng tôi hợp tác với công ty nhân sự chuyên nghiệp, các chuyên gia để tổ chức các vòng casting sơ loại, casting chuyên sâu rất chặt chẽ để tìm ra những ứng viên tốt, sau đó là coaching chuyên sâu giúp ứng viên tự tin và phát triển bản thân.
Đây là cơ hội để ứng viên được học hỏi, mài giũa mà không mất kinh phí. Nhiều bạn ở xa còn được BTC hỗ trợ kinh phí di chuyển tới ghi hình. Tất cả là câu chuyện hoàn toàn tự nguyện nhưng cần sự cam kết từ các bên.
- Được biết, anh đi làm từ năm nhất đại học, startup khi tuổi đời còn trẻ. Vậy theo anh, sinh viên cần trang bị hành trang ra sao để không bỡ ngỡ sau khi tốt nghiệp?
Ngày nay, các bạn trẻ có nhiều lợi thế hơn, đó là Internet - kho tàng thông tin vô tận nhưng nếu không sử dụng khoa học rất dễ bị rối loạn. Vì thế, mỗi bạn cần có tư duy tìm kiếm, sàng lọc để đảm bảo sự phù hợp.
Tôi cũng khuyên các bạn có thể chọn ngành học theo đam mê, còn có thể ra trường sẽ xuất hiện những ngã rẽ khác nhau mà chúng ta không biết trước. Trong quá trình học, hãy hiểu sâu bản chất, đi làm thêm để có trải nghiệm thật, giá trị cụ thể, đừng làm thêm theo phong trào.
Nhà tuyển dụng thích đọc CV có cách trình bày mạch lạc, bạn có thể nêu rõ 2-3 công việc mà bạn làm tốt, mang lại thành quả, còn hơn liệt kê hàng loạt đầu việc mà đôi khi bạn còn chẳng nhớ vai trò của mình trong đó là gì. Học đi đôi với hành, còn lại bất cứ nghề gì đều có giá trị.
Một điều cần lưu ý nữa là bạn cần trung thực khi xây dựng CV. Nhà tuyển dụng nhìn vào ánh mắt ứng viên, hỏi 1 vài câu là có thể đánh giá được bạn nói thật hay nói dối. Đừng "múa rìu qua mắt thợ", đừng tô hồng mà hãy đến với doanh nghiệp bằng sự chân thành.
- Sếp Nguyễn Trung Hiếu (Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám Đốc Công ty cổ phần Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc) từng nói với ứng viên: "Em là viên ngọc thô và công ty chúng tôi sẽ mài giũa em thành viên ngọc tỏa sáng". Vậy theo anh, các bạn trẻ cần làm gì để đáp ứng thị trường lao động?
Tôi thích câu nói của Sếp Hiếu bởi chính "Whose Chance" đang mong muốn đi tìm những viên ngọc thô và sau đó sẽ mài giũa để viên ngọc đó tinh hơn, sáng hơn.
Điều đầu tiên là cần xác định tố chất con người như sự kiên trì, tính trung thực, khát khao trong công việc.
Điều thứ hai là đánh giá kiến thức chuyên môn thông qua những việc đã làm được, những cam kết cụ thể. Đương nhiên nếu tuyển dụng các bạn Gen Z chưa thể đòi hỏi nhiều kinh nghiệm nhưng phải có tình yêu với ngành nghề và sự nhạy bén.
- Tính chất công việc của đạo diễn nói riêng, của ê-kíp sản xuất chương trình nói chung khá đặc thù. Anh có thể chia sẻ thêm về công việc cũng như áp lực phải đối mặt?
Ê-kíp có hàng trăm người với nhiều bộ phận, nhân sự chuyên môn như sản xuất, biên tập, âm thanh, ánh sáng, đạo diễn dàn dựng, đạo diễn hình ảnh, truyền thông marketing, phục trang, trợ lý, quản lý ứng viên,...
Khi đi quay các số, ê-kíp sẽ có mặt lúc 6 giờ sáng và ra về lúc 1 - 2 giờ ngày hôm sau. Tất cả công việc đều được sắp xếp theo lịch trình chặt chẽ về mặt thời gian. Ngoài ra, chúng tôi phải dự phòng nhiều phương án nếu các Sếp có lịch đột xuất hay ứng viên không thể ghi hình.
Khối lượng công việc nhiều, ngành truyền hình, truyền thông gặp khó khăn, khiến đôi lúc tôi rơi vào tình trạng "stress". Hay khi vào năm 2021 - dịch bệnh COVID-19 khiến tình hình khá căng thẳng, việc tổ chức ghi hình đông người, bay đi lại không thể thực hiện, lịch ghi hình bị đẩy lùi xuống mấy tháng, đã có lúc chúng tôi tự hỏi có nên tiếp tục thực hiện. Và cứ mỗi lúc định từ bỏ, tôi nhớ lại lý do bắt đầu và sứ mệnh của mình. Và giờ tôi tự hào khi có những cộng sự tốt, "format" của Whose Chance được vươn tầm thế giới.
Ngoài ra, tôi cũng có cách giải tỏa "stress" cụ thể là rèn luyện thể lực và trí lực. Buổi sáng tôi thường dậy sớm tập thể dục, hay thi thoảng chơi golf với bạn bè. Một phương pháp nữa là tôi sẽ chơi game với con. Đó là cách giúp giải tỏa căng thẳng, gần gũi với con hơn và hiểu được tâm tư giới trẻ.
- Chắc hẳn các con đã giúp anh có thêm nhiều ý tưởng trong quá trình thực hiện chương trình?
2 con của tôi đều rất thích Whose Chance. Con trai lớn đang học lớp 10, đã trở thành trợ lý đặc biệt của tôi. Với "format", bạn ấy tham gia phản biện, ngoài ra còn trực tiếp hỗ trợ ứng viên. Bạn ấy rất hứng thú, chủ động để sắp xếp thời gian tham gia cùng ê-kíp, có lần sau khi kết thúc giờ học, tự một mình từ Hà Nội bay vào TP. HCM vào buổi tối để tham gia ghi hình vào sáng sớm hôm sau.
Bạn ấy tìm hiểu, làm việc nghiêm chỉnh như một nhân viên thực thụ. Cho con trải nghiệm sớm là cách mà tôi giúp con trân trọng sức lao động, hiểu giá trị đồng tiền và có định hướng nghề nghiệp cho tương lai.
- Còn "mentor" của anh là ai?
Tôi có rất nhiều người thầy, thực ra đó chính là người bạn, người thân, đối tác, khách hàng và cả ở nhân viên của mình. Tôi khởi nghiệp từ sớm, không ngừng học hỏi mỗi ngày từ những người đi trước và mọi người xung quanh.
Tôi hay đọc sách báo, tham gia hiệp hội doanh nghiệp, tôi được lắng nghe nhiều bài học thú vị từ các doanh nhân đi trước. Khi gặp vướng mắc trong vấn đề cụ thể, tôi sẽ tìm gặp người có chuyên môn, kinh nghiệm để được tư vấn.
Chẳng hạn như với Whose Chance vì khao khát "format" vươn tầm quốc tế nên phải có tư duy quốc tế. Chính vì vậy, tôi mời những cố vấn người Mỹ để phản biện mọi vấn đề xoay quanh. Còn ở trong nước, "mentor" của tôi là những người đang làm ở bộ phận nhân sự, tuyển dụng lao động
Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện!