Từ đầu tháng 10, hàu nuôi tại bè của Công ty TNHH Hàu Thái Bình Dương Nha Trang tại đầm Nha Phu, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa bị chết đến 90%, ước thiệt hại khoảng 50 tấn hàu thương phẩm, trị giá 1 tỷ đồng.
Ông Hà Văn Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Hàu Thái Bình Dương Nha Trang cho biết: "Nguyên nhân nào đó mà hàu của công ty cũng như hàu của các hộ dân bên cạnh đây chết trong thời gian rất ngắn, trong 1-2 ngày, mất khoảng 40-50 tấn. Thiệt hại toàn bộ, cả hàu to, cả hàu nhỏ và cả hàu giống. Trong thời tiết bình thường mà hàu chết đồng loạt như thế này thì hầu như chưa xảy ra bao giờ".
Người nuôi vận chuyển tôm chết vào bờ
80 hộ nuôi hàu, cá chim vây vàng ở đầm Nha Phu thị xã Ninh Hòa cũng bị thiệt hại, tỷ lệ hàu chết từ 70 đến 100%, cá chết từ 30 đến 40%. Trong khi đó, tại vùng biển thuộc xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh cũng xảy ra tình trạng tôm hùm chết hàng loạt. Trước khi tôm hùm chết, người dân phát hiện một luồng nước màu đỏ rộng 200m, dài 600m cách bờ 500-600m, nằm trong khu vực xảy ra hiện tượng tôm hùm chết. Tỷ lệ tôm hùm chết của một số hộ dân nằm trong luồng nước màu đỏ từ 40-50%, số lượng tôm chết đến hàng ngàn con, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi. Đối với một số hộ nuôi nằm ngoài vùng nước đỏ đã có biện pháp sục oxy, giảm tỷ lệ chết.
Lồng, bè nuôi tôm với mật độ dày đặc tại vùng biển Cam Ranh, Khánh Hòa
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa đã kiểm tra và lấy mẫu các khu vực có thủy sản bị chết phát hiện hàm lượng oxy trong nước rất thấp. Việc thiếu oxy cục bộ một thời gian tương đối dài có thể làm hàu, tôm hùm chết. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa nhận định, nguyên nhân tôm hùm chết là do ảnh hưởng của luồng nước đỏ (khả năng do tảo nở hoa), khiến cho hàm lượng oxy trong nước xuống thấp.
Tôm hùm bị chết hàng loạt, gây thiệt hại cho người nuôi ở thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa
Cơ quan chức năng địa phương khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi và đo yếu tố môi trường, đặc biệt là oxy để có biện pháp xử lý kịp thời. Ông Lê Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa khuyến cáo người nuôi theo dõi chặt chẽ sức khỏe của tôm, loại bỏ tôm chết, xác tôm lột, thức ăn thừa, cần giãn cách lồng, bè nuôi tạo sự thông thoáng trong khu vực nuôi.
"Luồng nước được cho là có sự đổi màu vào vùng nuôi trồng này, khả năng vật nuôi bị ảnh hưởng bởi ô xy. Quá trình nuôi phải đảm bảo môi trường là yếu tố số 1, phải sạch. Sau khi bị thiệt hại ở một số ô lồng, bà con đã chủ động thu dọn các vật nuôi, kể cả xử lý bằng vôi, diệt khuẩn để không ảnh hưởng lây lan. Phải kiểm soát những yếu tố có tác động, địa phương tiếp tục theo dõi, tới giờ này, chưa phát hiện việc lây lan", ông Lê Ngọc Thạch nói.