Crayfish - hay tôm càng (hoặc tôm hùm đất) - là tên gọi chung của hơn 500 loài tôm càng nước ngọt khác nhau. Và cũng giống như mọi loài tôm khác, chúng sinh sản hữu tính - tức là cần làm "chuyện ấy" giữa hai cá thể khác giới tính để duy trì nòi giống.
Nhưng bạn biết không, có một loài tôm càng đang xâm chiếm cả châu Âu nhờ khả năng "độc nhất vô nhị" trong các loài tôm - đó là nhân bản vô tính.
Tôm càng cẩm thạch đang xâm chiếm cả châu Âu
Loài tôm chúng ta đang nhắc đến là marmokrebs (còn gọi là tôm càng cẩm thạch). Chẳng rõ vì sao mà toàn bộ tôm càng cái trong loài này bị đột biến, nhờ vậy có thể tự nhân bản mà chẳng cần đến tôm đực.
Cũng chính vì thế mà số lượng tôm càng cẩm thạch đang tăng với tốc độ chóng mặt, và giờ đây chúng gần như đã xâm chiếm cả châu Âu cùng một phần của châu Phi rồi.
Được biết, loài tôm bị đột biến này được tìm thấy vào năm 1995, sau đó chúng bắt đầu lan tỏa từ Đức sang toàn châu Âu, rồi châu Phi. Theo Gerhard Scholtz - chuyên gia sinh học tiến hóa tại ĐH Humboldt (Berlin, Đức): "Lũ tôm này là một loài khá nguy hại." Lý do vì chúng sinh sản quá nhanh, đồng thời gây nguy hiểm cho động vật bản địa vì bản tính hung dữ.
Trong một nghiên cứu mới đây được đăng tải trên tạp chí Nature Ecology and Evolution, các chuyên gia từ Trung tâm nghiên cứu ung thư Đức đã thử phân tích bộ gene của 11 con tôm, để xem lý do vì sao chúng có thể tăng số lượng nhanh đến thế. Kết quả, toàn bộ 11 con tôm đều có chung một bộ gene - chứng tỏ chúng ra đời nhờ nhân bản vô tính từ một cá thể duy nhất.
Theo các chuyên gia, mọi chuyện có thể bắt đầu từ một tai nạn vào 25 năm trước, khi một người nuôi cá cảnh tại Đức mua về con tôm càng. Ông gọi nó là tôm càng Texas. Nhưng rồi người này đã bị sốc khi con tôm ấy đẻ tới hàng trăm trứng một lần, và ngày càng trở nên "phổng phao" hơn.
Đáng ra, người này phải ngay lập tức tiêu hủy con tôm. Nhưng không, ông cho nó đi, và rồi nó xuất hiện trong một cửa hàng bán thú nuôi tại Đức.
Phải nói rằng người chủ tiệm bán thú đã có một món hời, vì con tôm này chẳng cần tôm đực mà vẫn có thể đẻ trứng. Toàn bộ tôm con đều là con cái, vì là nhân bản của tôm mẹ. Hơn nữa, tôm càng đực khác loài cũng không thể sinh sản cùng tôm cẩm thạch được nữa, dù chúng vẫn có thể làm "chuyện ấy" với nhau.
Chúng sinh sản quá nhanh, quá nhiều
Khi những con tôm đột biến được bán ra, chúng sinh sản cực kỳ nhanh, rồi chủ nuôi lại thả chúng ra sông, hồ. Cuối cùng, tôm Marmokreb bắt đầu xâm chiếm cả châu Âu, tấn công cả Nhật Bản và Madagascar. Chưa có thống kê cụ thể, nhưng các chuyên gia cho rằng số lượng tôm đang tăng lên từng ngày.
Hiện tại, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức cấm mọi hoạt động liên quan đến loài tôm này, bao gồm buôn bán, lưu giữ, phân phối hay thả tôm ra ngoài môi trường.
"Đây là một trường hợp tiến hóa trong thời gian ngắn nhất từng được chứng kiến" - Frank Lyko, giám đốc di truyền tại Trung tâm nghiên cứu ung thư Đức.
"Bình thường các tế bào di truyền sẽ phải thay đổi theo thời gian. Nhưng đây là trường hợp rất hiếm."
Tuy nhiên, mọi chuyện không hẳn đã quá tăm tối. Dù loài tôm này có nguy hại, nhưng cách tiến hóa của chúng cũng cho chúng ta một phương án chống lại ung thư, vì khả năng nhân bản của tôm cũng tương tự như cách ung thư phát triển.
Lý do là vì, dù toàn bộ tôm càng cẩm thạch Marmokrebs được nhân bản từ cùng một bộ gene. nhưng chúng vẫn có thể thích nghi với nhiều môi trường khác nhau, nhờ cái gọi là "cơ chế biểu sinh" có trong ADN.
Cơ chế này cho phép các thông tin di truyền được phân tách, hoạt động giống như công tắc "tắt - bật" các gene phù hợp với môi trường vậy. Đó là lý do chúng có thể lây lan rất nhanh mà chẳng sợ bị bất kỳ dịch bệnh nào tấn công cả.
Hiện các chuyên gia đang tìm cách sử dụng loài tôm này để tìm hiểu nhiều hơn về cơ chế phát triển của ung thư.