Tiết kiệm tiền yêu cầu rất nhiều về tính kỷ luật của mỗi người. Việc kiểm soát chi tiêu rất khó nhưng vung tay tiêu nhiều hơn mức kiệm được lại dễ dàng vô cùng. Do vậy, làm sao để sống tiết kiệm hơn, tiêu xài nằm trong tầm kiểm soát vẫn là "bài toán" khó với nhiều người trẻ.
Đối với nhiều người trẻ việc duy trì thói quen tiết kiệm còn phụ thuộc vào thu nhập nhận được hàng tháng. Chẳng hạn như, họ cho rằng chỉ khi thu nhập đạt 20 - 30 triệu đồng/tháng thì mới có khả năng tiết kiệm được nhiều, đặc biệt càng khó hơn khi họ sống ở thành phố lớn, mức chi phí sinh hoạt đắt đỏ.
Tuy nhiên, Hoa Phạm (26 tuổi, kinh doanh tự do) không cho là vậy. Với cô, việc dành bao nhiêu phần trăm thu nhập cho tiết kiệm phụ thuộc vào mức độ quản lý tài chính của mỗi cá nhân, chứ không tuỳ thuộc quá nhiều vào mức thu nhập. Lương 5-10 triệu vẫn có thể tiết kiệm được 1/2 nếu biết cách lên kế hoạch cụ thể, chi tiết và thực hiện đúng các "cam kết" với chính mình.
Ảnh minh hoạ
Riêng với Hoa Phạm, để cô nàng tiết kiệm được nửa lương hàng tháng, thì sẽ có 2 mục chính mà mọi người cần tập trung để cải thiện, đó là tối ưu những khoản chi bắt buộc và đa dạng hóa nguồn thu nhập. Chẳng hạn như thuê chung nhà với người khác để giảm được tiền thuê nhà, tự mua đồ về nấu sẽ giúp giảm đi rất nhiều chi phí trong ăn uống.
" Mình sử dụng xe máy để đi làm cho phù hợp với tính chất công việc. Cho đến giờ, mình vẫn chưa mua xe ô tô vì cảm thấy chưa thực sự cần thiết. Khi cần di chuyển, mình đặt xe công nghệ. Thời gian đi trên xe, mình có thể làm việc hoặc nghỉ ngơi ", Hoa Phạm chia sẻ thêm.
Bên cạnh việc tiết kiệm, cô cũng nhấn mạnh rằng nên luôn tìm cách cải thiện thu nhập, không nên chỉ phụ thuộc vào một nguồn thu.
"Năm thứ 3 sau khi ra trường, bên cạnh việc làm tại cơ quan, mình có nhận thêm việc ở bên ngoài để làm vào buổi tối hoặc ngày nghỉ. Dần dần, nguồn thu nhập thứ 2 này đã giúp mình có thể tiết kiệm nhiều hơn. Từ thu nhập 4-5 triệu, mình nâng dần lên 7- 8 triệu rồi 10 triệu - 15 triệu. Dù ở mức thu nhập nào, mình cũng luôn giữ đúng 'cam kết' dành 1/2 cho việc tiết kiệm dài hạn", Hoa Phạm nhận định.
Một trường hợp khác, Mây Mây (25 tuổi, Hà Nội) chia sẻ nhiều người cho rằng mức lương 10 triệu đồng/tháng chẳng thể tiết kiệm nổi. Song cô bạn lại không nghĩ như vậy.
"Ngay cả hồi nhận lương 10 triệu/tháng, mình cũng để dành đều đều 3 triệu/tháng. Có những tháng, đỉnh điểm còn đạt được 6 triệu, khi mà mình chỉ chi trả tiền nhà và tiền ăn. Đây là thời điểm tiền mình làm ra chỉ cần lo cho cuộc sống của mình, không cần phụ ba mẹ" , Mây Mây nói.
Cô nàng đã tiết kiệm được với mức lương 10 triệu đồng/tháng như sau:
- Đầu tiên là chọn thuê nhà với chi phí chỉ bằng 1/2 giá tiền lúc còn là sinh viên. Về ăn uống, cô nàng ít khi ra ngoài và ăn rất ít.
- Tiếp theo , khi mua sắm trang phục, Mây Mây cũng rất tiết chế.
"Xuân, hạ, thu, đông, bốn mùa chỉ gói gọn trong khoảng chục bộ quần áo. Mình lựa chọn đồ có chất lượng tốt, mặc được nhiều lần mà dễ phối cùng nhau. Linh hoạt trong cách mặc cũng giúp đầu óc thư giãn hơn nhiều. Mình cực kỳ khuyên các bạn nữ nên tối giản tủ đồ của mình", cô nàng chia sẻ.
-Về riêng khoản ăn chơi, Mây Mây chỉ dành tiền cho những mối quan hệ chất lượng, còn lại thì "nói không". Nguyên tắc này vừa giúp cô tiết kiệm được thời gian, tâm trí mà cả tiền bạc. "Mình không cả nể, cũng không có thói quen phải cầu cạnh ai, nên việc này luôn nằm trong tầm kiểm soát. Chơi ít một chút, mà lành mạnh thì vẫn hơn", cô nàng nói.
Ảnh minh hoạ
Nhật Linh (Hà Nội) kiếm được 30 triệu đồng/tháng từ công việc văn phòng. Tuy nhiên, cô vẫn chi tiêu hết sức tính toán, bằng cách chỉ dành 10 triệu đồng cho chi tiêu cá nhân, còn lại để tiết kiệm.
Để đạt được mục tiêu tiết kiệm này, Nhật Linh đã duy trì kế hoạch tài chính nghiêm ngặt.
Thứ 1, Nhật Linh bắt bản thân học cách tạo ra ngân sách chi tiêu. Cụ thể hơn, cô nàng bắt đầu lên giới hạn cho từng khoản chi tiêu chứ không “thả cửa” như trước. Với 10 triệu đồng/tháng dành cho chi phí sinh hoạt, cô chia làm 3 khoản cố định là chi phí sinh hoạt bắt buộc - tiền mua sắm cho sở thích cá nhân - tiền phát sinh (chỉ chiếm 10% trong chi tiêu cá nhân hàng tháng).
Thứ 2, Nhật Linh thay đổi nhiều thói quen tài chính bằng cách ghi chép chi tiêu hàng ngày. Nhờ đó, Nhật Linh biết mình có vô số khoản chi lãng phí như thường xuyên mua đồ ăn dư thừa, lỡ vung tiền sắm thêm quần áo nhưng không sử dụng đến trên sàn thương mại điện tử...
Ngoài ra, khi ra đường, cô ưu tiên cầm theo nhiều tiền mặt. Như thế, Nhật Linh sẽ hạn chế chuyển khoản và suy nghĩ cẩn thận hơn trước khi bắt tay tiêu xài một món đồ nào đắt giá.
Cuối cùng là học cách hài lòng với mức sống thấp và giảm chi phí tiêu dùng hàng tháng. Với Nhật Linh, đây là yếu tố quan trọng nhất.
Ảnh minh hoạ
Cô nàng chia sẻ một số tips để thắt giảm chi tiêu: "Mình chuyển từ ở căn hộ giá thuê 7 triệu đồng/tháng, xuống ở ghép căn chung cư mini chỉ 4 triệu đồng đã bao gồm tất cả chi phí. Tiếp theo là trong chuyện mua sắm quần áo và mỹ phẩm, số tiền dành cho những khoản này của mình đã cắt giảm một nửa so với trước đây. Nếu như ngày trước, mình cần đến hơn 30 phút cho khâu makeup trước khi ra đường thì giờ mọi thứ tối giản hơn, chỉ vỏn vẹn trong 4 bước thiết yếu là bôi kem dưỡng - bôi kem chống nắng - kẻ lông mày và tô son.
Số tiền cần chi cho những buổi ăn uống vô nghĩa giờ cũng được cắt giảm gần hết, một phần vì mình không có nhiều bạn, một phần vì giờ mình chỉ chọn hiệu ăn bình dân, hiếm hoi lắm mới thấy mình bỏ đến hơn 500 ngàn đồng cho một buổi tiệc như trước. Tiêu xài cho các thiết bị công nghệ đắt tiền cũng không cần thiết nữa, vì giờ mình thấy bản thân không có nhu cầu flex qua các món đồ vật chất nữa".
Nhìn chung, 3 cô gái với những câu chuyện, mức thu nhập và chi tiêu khác nhau, song đều chung quan điểm: Không cần lương cao, bạn mới nên bắt đầu tính toán kiểm soát tài chính.
Càng tiết kiệm tiền từ sớm, bạn càng xây dựng nền tảng tài chính vững chắc cho tương lai. Sống trong mức khả năng của bản thân, giảm chi tiêu lãng phí và tập trung vào những thứ thiết yếu sẽ khiến ngân sách của bạn ngày càng nhiều, từ đó tiết kiệm lớn cho cuộc sống sau này.