Tôi biết các anh yêu thương chúng tôi, nhưng mùng 8/3 đừng nói câu "Chúc em mãi là người vợ đảm đang"!

SKYE | Design: Thế Mạnh, Theo Helino 10:08 08/03/2019
Chia sẻ

Không phải mọi lời chúc được gửi đi trong ngày mùng 8/3 đều thực sự khiến phụ nữ rộn ràng, xốn xang khi có những điều thực sự khiến các chị em phải tự hỏi: Tại sao lại như vậy?

Là một người hâm mộ chị Nguyễn Phương Mai, tôi thích đọc những bài chia sẻ của chị về chủ đề liên quan tới phụ nữ, mùng 8/3, những vấn đề của phụ nữ trong các cuộc sống và các dịp đặc biệt như Tết lễ. Ở một tuổi nhất định, tôi thấy đồng cảm với lời chia sẻ của chị Mai về những suy nghĩ hằn sâu trong tâm trí cánh đàn ông Việt.

Dẫu vậy, đừng hiểu nhầm rằng tôi không thích ngày 8/3 hay lời chúc của mọi người. Tôi không phải người theo chủ nghĩa nữ quyền hay những điều quá cao siêu mà bài xích ngày đặc biệt này. 

Chỉ là đôi khi, chúng tôi không muốn những lời chúc như một sợi dây trói chân mình, để một lần nữa khẳng định vai trò cố hữu của phụ nữ trong xã hội. Mọi lời chúc đều xuất phát từ thành ý của mọi người nhưng tôi tin rằng, ai cũng muốn lời chúc của mình ý nghĩa hơn. Mùng 8/3 sẽ đủ đầy hơn với chúng tôi nếu mọi người có thể bớt đi những lời chúc kiểu như vậy.

“Chúc em mãi là người phụ nữ đảm đang, chăm lo tốt cho gia đình”

Khi “Công dung ngôn hạnh” trở thành những trở ngại níu chân phụ nữ vượt qua khuôn khổ của gia đình để vươn xa hơn trong nhiều lĩnh vực, nhiều người phụ nữ thấy “dị ứng” với những quy chuẩn được áp đặt lên mình, trong đó có những thứ đảm đang, chăm lo tốt cho gia đình. Là một người phụ nữ đảm đang đồng nghĩa với việc bạn phải tiếp tục quần quật với bếp núc, giặt giũ, dọn dẹp và những công việc nhà không tên. Liệu đó sẽ là một lời chúc hay là lời nhắc nhở?

Ngày 8/3 trong lịch sử bắt đầu từ những phong trào đòi quyền bình đẳng của phụ nữ - dù phong trào ấy giờ đây không còn mạnh mẽ nhưng kỷ niệm ngày 8/3 cũng không nên quên mất cái ý nghĩa ban đầu ấy: Chúng ta là một gia đình, tại sao trách nhiệm chung lại chỉ rơi vào người phụ nữ, tại sao chỉ phụ nữ cần “đảm đang”?

Tôi luôn muốn rằng những người thân sẽ chúc mình “thành công trong mọi điều mình làm và hãy làm những điều mình thích”. Là một người phụ nữ luôn trân trọng và yêu thương gia đình, như vậy đủ để tôi hiểu rằng mình cần phải làm gì.

Tôi biết các anh yêu thương chúng tôi, nhưng mùng 8/3 đừng nói câu Chúc em mãi là người vợ đảm đang! - Ảnh 1.

“Chúc em ngày càng xinh đẹp hơn…”

Khi ở tuổi 15, đám con trai cấp ba cũng chúc tôi ngày càng xinh đẹp hơn trong ngày 8/3.

Đến năm tôi 25 tuổi, đồng nghiệp cũng nhắn nhủ những lời như vậy.

Và ở tuổi 30, chồng tôi cũng vẫn không quên âu yếm tôi “anh mong em ngày càng xinh đẹp hơn”.

Tôi thực sự chột dạ và ngơ ngẩn, sáng mùng 8/3 tôi hay đứng trước gương và tự hỏi lại mình: “Liệu tôi có xấu xí quá không? Liệu tôi chưa đẹp đủ hay sao mà năm nào mọi người cũng chúc tôi phải xinh đẹp hơn? Vậy cần phải đạt đến như thế nào thì sẽ xinh đẹp hơn?”

Những lời chúc “xinh đẹp hơn” khiến áp lực về ngoại hình đè nặng lên vai những người phụ nữ. Sẽ đến một lúc nào đó, chúng ta không còn trẻ trung - như bắt đầu ngoài 30 chẳng hạn, và việc trở nên “xinh đẹp hơn” thực sự là một điều rất khó khăn. Tại sao cứ mong muốn người phụ nữ xinh đẹp mãi mãi? Bản thân những người phụ nữ đã luôn tự đặt áp lực cho bản thân để cố giữ gìn tuổi trẻ, thêm những lời chúc của người thân xung quanh đôi khi khiến họ cảm thấy thực sự rằng vẻ bề ngoài của mình “có vấn đề”.

Tôi biết chồng vẫn sẽ yêu mình nếu vài vết chân chim hay nếp nhăn xuất hiện, vậy nên đừng chúc chúng tôi xinh đẹp hơn - chỉ cần vui vẻ hơn, yêu đời hơn, luôn hạnh phúc với cuộc sống mình đang có, như vậy tốt hơn không?

Tôi biết các anh yêu thương chúng tôi, nhưng mùng 8/3 đừng nói câu Chúc em mãi là người vợ đảm đang! - Ảnh 2.

“Chúc mọi người nhận được nhiều quà và xinh đẹp…”

Hơi giống lời chúc trên phải không? Nhưng đây là lời chúc gửi cho cả 10 người như một.

Tôi đang muốn nói tới kiểu lời chúc rất xã giao như vậy - chúc đại trà. Nếu đã coi 8/3 là một ngày đặc biệt với phụ nữ, với những người xung quanh bạn, hãy chúc một cách có tâm và đi vào từng con người nhất. Đừng đi ban phát lời chúc một cách vô tội vạ và nghĩ rằng ai cũng thích nó, lời chúc dành cho mẹ đã ngoài 50 và cô bạn gái mới đôi mươi sao có thể giống nhau cơ chứ?

Nếu muốn thể hiện mình quan tâm tới ai đó, hãy thực sự để tâm tới những điều mình chúc: “Anh chúc em sẽ không còn phải bận tâm vì câu chuyện nhà cửa nữa; hy vọng mày có thể đi du học, chúc con gái bố giữ vững tình yêu với âm nhạc…” Tôi tin rằng đây không phải một điều quá khắt khe hay soi mói; trên thực tế đó là cách để bạn “ghi điểm” với đối phương dù là bất cứ ai đi chăng nữa. 7,5 tỷ người trên hành tinh này đều là những cá nhân đặc biệt, tại sao họ lại muốn nhận những lời chúc giống hệt nhau?

“Chúc mày sớm có người yêu, sớm lấy chồng…”

Chúng ta thực sự đang sống trong một xã hội mà chuyện cưới xin, chồng con, tình cảm cá nhân vẫn là điều gây “ám ảnh”. Nhiều người cũng thoải mái nhưng với một số khác vốn đã sốt ruột, việc được mọi người liên tục nhắc tới câu chuyện này khiến họ càng như ngồi trên lửa đốt - ngẫm ra thì chưa chắc họ đã mong mỏi tới thế.

Có một câu chúc như vậy mà đợt nghỉ nào cũng chúc, ngày lễ gì cũng lôi ra mừng nhau: Tết chúc có người yêu, Valentine chúc có người yêu, sinh nhật mong sớm có bồ… rồi đến mùng 8/3 cũng không thoát. Tôi may mắn khi năm nay đã có chồng, không ai chúc tôi sớm có chồng như ngày xưa nữa thì lại chuyển sang: “Chúc chị mong sớm có quý tử”. Nói đến đây cũng thấy chạnh lòng cho nhiều chị em mà hoàn cảnh cũng khó có con - nghe như vậy chắc mọi người cũng thoáng buồn, dù biết rằng không ai cố ý cả. Thế mới thấy một món quà lớn hay món quà nhỏ, lời chúc dài cả trang văn hay vài ba dòng không quan trọng - điều khiến người nhận thấy hạnh phúc là được hiểu đúng và trân trọng.

Có một câu nói của triết gia nổi tiếng Immanuel Kant mà tôi rất thích, xin trích nguyên cả tiếng Anh như vậy:

“Each person must never be treated only as a means to some other end, but must also be treated as an end themselves.”

Đại ý rằng: “Mỗi người tuyệt nhiên không nên bị đối xử như một công cụ cho một mục đích nào đó, mà phải được xem trọng vì chính con người họ”.

Tôi biết các anh yêu thương chúng tôi, nhưng mùng 8/3 đừng nói câu Chúc em mãi là người vợ đảm đang! - Ảnh 3.

Tôi trân trọng từng lời chúc của mọi người xung quanh nhân dịp 8/3; chỉ mong rằng những lời chúc đó thực sự vì người nghe chứ không phải để đạt được mục đích của một ai đó: Chúng tôi cần đảm đang để gia đình hạnh phúc, chúng tôi cần xinh đẹp để chồng vui… Tôi chỉ mong rằng, mọi người thực sự mong chúng tôi hạnh phúc, vui vẻ, thoải mái trong “ngày phụ nữ” và hiểu chúng tôi hơn. Như vậy là đủ để mọi cuộc tranh luận trong ngày 8/3 kết thúc.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày