Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các trường đại học trên cả nước công bố điểm trúng tuyển theo phương thức xét kết quả thi THPT. Theo ghi nhận, đa số ngành học "hot", được ưa chuộng trong các năm qua vẫn có điểm chuẩn ở mức cao, trong đó nhóm ngành Sư phạm năm nay giữ vị trí "ngôi vương".
Năm nay, điểm chuẩn nhóm ngành Sư phạm cao chót vót. Theo đó, giữ "ngôi vương" điểm chuẩn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 thuộc về ngành Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Ngữ văn của Đại học Sư phạm Hà Nội với 29,3 điểm, tức thí sinh đạt 9,7 điểm/môn vẫn không thể trúng tuyển. Các ngành có điểm chuẩn cao kế tiếp của trường là: Sư phạm Địa lý (29,05 điểm); Sư phạm Lịch sử - Địa lý (28,83 điểm); Giáo dục đặc biệt (28,37 điểm); Giáo dục Quốc phòng và An ninh (28,26 điểm)...
Tại Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) , điểm chuẩn cao nhất trường thuộc về nhóm ngành Sư phạm Tiểu học với 28,89 điểm. Đứng ở vị trí thứ 2 là Sư phạm Ngữ văn, Lịch sử, Lịch sử và Địa lý với 28,76 điểm.
Hiện tượng này cũng xảy ra tại trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên khi điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch sử cao nhất trường với 28,6 điểm, xếp ngay sau là Sư phạm Ngữ văn với 28,56 điểm và Sư phạm Địa lý với 28,43 điểm.
Ở trường Đại học Sư phạm Huế , nhiều ngành trên 25 điểm, trong đó cao nhất vẫn là "combo" Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Ngữ văn với lần lượt 28,30 và 28,10. Nhiều ngành sư phạm dạy bằng tiếng Anh cũng trường cũng rất hot, trên 28 điểm như: Sư phạm Sinh học (dạy bằng tiếng Anh); Sư phạm Vật lý (dạy bằng tiếng Anh); Sư phạm Hóa học (dạy bằng tiếng Anh).
Tương tự tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM, điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Ngữ văn cao nhất trong tất cả các ngành của trường với 28,6 điểm. Điểm chuẩn hai ngành này tăng khoảng 1,6-1,75 điểm so với năm ngoái. Theo sau là ngành Sư phạm Địa lý với 28,37, tăng gần 2 điểm. Các ngành còn lại trong nhóm Sư phạm đều lấy từ 23,69 trở lên.
Còn ở trường Đại học Sài Gòn, điểm chuẩn đối với các ngành đào tạo giáo viên là cao nhất trong các ngành, dao động từ 21,59 đến 28,25. Trong đó, "khủng" nhất là ngành Sư phạm Lịch sử với 28,25, kế đến là ngành Sư phạm Ngữ văn với 28,11 và ngành Sư phạm Toán học là 27,75.
Về nguyên nhân, theo thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sư phạm là 1 trong 4 ngành học có số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển tăng cao nhất năm 2024, lên đến 85% so với năm ngoái (tương đương khoảng 200.000 nguyện vọng). Số lượng đăng ký lớn, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường lại rất thấp, trong khi đó các trường đào tạo sư phạm trước đó lại có những phương thức tuyển sinh riêng, điều này vô hình chung đẩy điểm khối ngành sư phạm bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024 lên rất cao.
Ngoài ra, nhiều học sinh quan tâm đến ngành sư phạm bởi những quy định về hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm, lương giáo viên tăng…
Điểm chuẩn năm nay tăng mạnh, đặc biệt ở tổ hợp khối C00, một phần lý do là vì điểm thi 3 môn trong tổ hợp khối này là Văn, Sử, Địa rất cao.
Theo dữ liệu điểm thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước năm nay có đến 2 thủ khoa toàn quốc thi tốt nghiệp THPT 2024 với cùng mức 57,85/60 điểm, 22 Thủ khoa và 93 Á khoa các khối thi chính (A, A1, B, C, D). Trong đó khối C nhiều Thủ khoa nhất với 19 em cùng đạt số điểm 29,75/30. Hầu hết thủ khoa khối C đến từ tỉnh Bắc Ninh. Số còn lại là các thí sinh đến từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Thanh Hóa. Đó còn chưa kể đến hàng dài Á khoa khối C đạt mức 29,5 điểm.
Tỷ lệ điểm giỏi môn Lịch sử tăng 6,6%. Môn Địa lý thậm chí còn có sự đột biến khi tỷ lệ bài thi điểm giỏi chiếm tới 31% trong khi năm 2023 chỉ là 6,6%. Môn Địa lý còn có "cơn mưa" điểm 10 với 3.175 bài thi môn Địa lý đạt điểm tuyệt đối trong trong khi 2023 chỉ có vỏn vẹn 35 bài đạt điểm 10. Môn Ngữ văn, số bài thi đạt điểm 7 trở lên chiếm tỷ lệ 64,57%, cao kỷ lục từ trước tới nay, tăng gần 18,67% so với tỷ lệ tỷ lệ 45,9% của năm 2023.
Điều này đã đẩy điểm chuẩn các ngành khối C00 (Văn, Sử, Địa) tăng mạnh. Tại Học viện Ngoại giao, điểm chuẩn cao nhất thuộc về chuyên ngành Trung Quốc học thuộc nhóm ngành Châu Á - Thái Bình Dương (29,2 điểm), theo sau là ngành Truyền thông Quốc tế (29,05 điểm).
Tương tự tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), điểm chuẩn cao nhất thuộc về ngành Quan hệ công chúng với 29,10 điểm khối C00 (Văn, Sử, Địa). Tiếp theo là ngành Hàn Quốc với 29,05 điểm và đứng ở vị trí thứ 3 là Báo chí với 29.03 điểm, cùng ở tổ hợp khối C00.
Còn tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ở thang 30, ngành Truyền thông đa phương tiện lấy cao nhất với 28,25 ở tổ hợp C15 (Ngữ Văn, Toán học và Khoa học xã hội). Theo sau là ngành Truyền thông đại chúng, cũng ở tổ hợp này, với 28,05. Ở thang 40, ngưỡng trúng tuyển cao nhất là 38,12 tại ngành Lịch sử, tổ hợp C19 (Ngữ văn, Giáo dục công dân và Lịch sử).
Nhóm ngành Công nghệ: Có xu hướng giảm nhẹ
Chắc hẳn bạn chưa quên sự kiện "hot" năm ngoái khi 2 thủ khoa toàn khối A00 cũng không thể trúng tuyển vào ngành CNTT: Khoa học Máy tính (29,42 điểm) của Đại học Bách khoa Hà Nội bởi cách tính điểm riêng của trường.
Không chỉ Khoa học máy tính, mà nhiều ngành của trường cũng cao trên ngưỡng 28 điểm như ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (IT-E10), Kỹ thuật máy tính (IT2), An toàn không gian số (Chương trình tiên tiến), Công nghệ thông tin (Global ICT)…
Tuy nhiên, điểm chuẩn khối ngành công nghệ năm nay đã giảm nhiệt, và "ngôi vương" bị tuột mất vào tay nhóm ngành Sư phạm và Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Điểm chuẩn Đại học Bách khoa Hà Nội 2024 theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp cao nhất với ngành Khoa học Máy tính 28,53 điểm (giảm 0,89 điểm so với năm ngoái). Xếp sau đó là ngành Kỹ thuật máy tính với 28,22 điểm. Nhiều ngành của Đại học Bách khoa Hà Nội cao trên 27 là Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện tử viễn thông...
Còn tại trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2024 cao nhất 27,8 ở ngành Công nghệ thông tin (năm ngoái là 27,85, tức năm nay giảm 0,05 điểm). Kế tiếp là Khoa học máy tính (27,58 điểm), Trí tuệ nhân tạo 27,12...
Ở khối ngành Kinh tế, năm ngoái, các ngành nhóm này gần như đạt đỉnh khi hàng loạt trường lấy điểm chuẩn 27 - 28. Tuy nhiên năm nay, xét riêng nhóm 4 trường đào tạo kinh tế top đầu (BIG4 kinh tế), điểm chuẩn có biến động tăng giảm không nhiều.
Đại học Kinh tế quốc dân năm 2024 lấy điểm chuẩn cao nhất 28,18 điểm, các ngành còn lại đều không dưới 26,57. Cụ thể, ở thang 30, ngành Quan hệ công chúng lấy cao nhất với 28,18 điểm, kế tiếp là Thương mại điện tử 28,02. Với thang 40, ngưỡng trúng tuyển cao nhất là 37,49 tại ngành Truyền thông Marketing.
Năm ngoái, ngành Thương mại điện tử của trường lấy điểm chuẩn cao nhất với 27,65 điểm. Và ngành Truyền thông Marketing (hệ POHE) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 cũng lấy cao nhất với 37,1 điểm (thang điểm 40).
Còn tại Đại học Ngoại thương, ngành có mức điểm cao nhất là Ngôn ngữ Trung Quốc - chuyên ngành tiếng Trung Thương mại với 28,5 điểm, bằng với mức năm ngoái. Tiếp theo là mức điểm 28,1 của tổ hợp gốc A00 đối với nhóm ngành Kinh doanh quốc tế, Quản trị kinh doanh, Quản trị khách sạn và Marketing (năm ngoái 27,7 điểm). Mức điểm 28,0 của tổ hợp A00 đối với nhóm ngành Kinh tế và Kinh tế quốc tế (năm ngoái 28,3 điểm).
Xét trên thang điểm 30, Tài chính - Ngân hàng 2 của Học viện Tài chính có điểm chuẩn cao nhất 26,85 điểm. Tất cả các ngành của trường đều trên 26 điểm. Còn xét trên thang điểm 40, ngành Hải quan và Logistics (theo định hướng FIATA) có điểm chuẩn cao nhất (36,15 điểm). So với năm ngoái, điểm chuẩn ở tất cả các ngành của trường đều tăng.
Còn tại Học viện Ngân hàng với nhóm theo thang điểm 30, điểm trúng tuyển dao động trong khoảnh 25,6 đến 28,13. Ngành Luật kinh tế cao nhất với 28,13, tăng 1,63 điểm so với năm ngoái. Các ngành: Kinh doanh quốc tế, Kế toán, Kiểm toán, Tài chính, Ngân hàng, Ngân hàng số, Kinh tế đầu tư, Quản trị kinh doanh, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng đều lấy trên 26 điểm. Đa phần đều tăng so với năm ngoái.
Khối ngành Công an: Lấy lại phong độ
Năm nay, điểm chuẩn các trường khối công an tăng so với năm ngoái, cao nhất là 25,52 áp dụng với thí sinh nữ phía bắc đăng ký vào ngành Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước. Mức điểm này được tính kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và bài thi đánh giá năng lực của Bộ Công an.
Cụ thể công thức tính như sau:
Điểm xét tuyển = Tổng điểm ba môn thi tốt nghiệp *2/5 + Điểm thi đánh giá *3/5 + Điểm ưu tiên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo + Điểm thưởng cho học sinh giỏi cấp quốc gia.
Nhóm ngành Nghiệp vụ an ninh ghi nhận mức đầu vào thấp nhất. Thí sinh nữ phía nam sử dụng bài thi CA2 xét tuyển vào ngành này chỉ cần đạt 16 điểm. Năm ngoái, mức thấp nhất vào các trường công an là 14,01, cao nhất là 24,94. Như vậy, điểm chuẩn năm nay tăng nhẹ.
Khối ngành Y tế: Trên đà tăng
Điểm chuẩn khối ngành Y tế nhìn chung tăng so với năm ngoái. Như với trường Đại học Y Hà Nội, điểm trúng tuyển 19 - 27,73 vào năm ngoái thì năm nay là 19 - 28,83. Ngành lấy điểm chuẩn cao nhất là Tâm lý học khối C00.
Ở tổ hợp truyền thống B00, Y khoa vẫn dẫn đầu với 28,27 điểm, tăng 0,54 so với năm ngoái. Nếu có chứng chỉ tiếng Anh tương đương IELTS 6.5 hoặc tiếng Pháp DELF B2, thí sinh chỉ cần đạt 26,55 điểm để đỗ.
Năm 2024, trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội cao nhất là ở ngành Y khoa với 27,15 điểm (năm ngoái 26,75 điểm); xếp sau là Răng - Hàm - Mặt với 27 điểm (năm ngoái 26,8 điểm).
Tổng hợp