Toàn cảnh 6 ổ dịch mới ở Hà Nội diễn biến phức tạp với tổng 639 ca Covid-19

Minh Nhân, Theo Nhịp Sống Việt 12:18 01/09/2021

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Hà Nội sáng 1/9 cho biết thành phố hiện có 6 ổ dịch diễn biến phức tạp, với tổng 639 ca Covid-19.

1. Ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân kể từ ngày 23/8 đến sáng 1/9 đã cán mốc 372 ca Covid-19, tập trung tại 2 ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi. Đây là chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây, được phát hiện thông qua 2 người sàng lọc ho, sốt ngoài cộng đồng.

TS.BS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock (Đại học Sydney) tại Việt Nam cho biết, các bệnh nhân được ghi nhận sau đó gồm những người bán hàng tại chợ Ngã Tư Sở hoặc tại các cửa hàng nhỏ, nhân viên nhà thuốc, bảo vệ siêu thị, người hay đi chợ/mua đồ/cắt tóc và cả những người thường xuyên ở nhà nên không rõ nguồn lây.

"Nhiều người đã có dấu hiệu ho sốt, chứng tỏ chùm ca bệnh này đã lây lan một thời gian. Phân bố tuổi, giới của các ca nhiễm cho thấy đây là một chùm lây lan cộng đồng", TS.BS Nguyễn Thu Anh nói.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, đặc biệt khu vực ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi đông dân cư, nhiều ngõ ngách, bên trong là nhiều khu trọ chật hẹp, các khu tập thể cũ. Mật độ dân đông kèm theo thói quen sinh hoạt cộng đồng khiến tần suất tiếp xúc của người dân ở đây khá cao. Do đó, nguy cơ dịch lây lan rộng và bùng phát mạnh ở khu vực này là luôn hiện hữu.

Toàn cảnh 6 ổ dịch mới ở Hà Nội diễn biến phức tạp với tổng 639 ca Covid-19 - Ảnh 1.

Ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung đã cán mốc 372 ca Covid-19 kể từ ngày 23/8 (Ảnh: Đinh Huy)

Ông Võ Đăng Dũng, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, các ca mắc Covid-19 trong thời gian qua chủ yếu bị lây nhiễm từ chính thành viên trong gia đình. Nếu trong gia đình đã có F0 thì hầu hết các thành viên còn lại đều sẽ nhiễm bệnh vì chủng virus lây lan nhanh và do đặc thù sinh hoạt, chung sống cùng một chỗ.

"Tỷ lệ lây nhiễm tại một gia đình có F0 lên tới 60%", ông Dũng nhấn mạnh.

Để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh tại phường Thanh Xuân Trung, ông Dũng cho hay, hiện cơ quan chức năng đang nỗ lực xét nghiệm sàng lọc, truy vết F1 thần tốc, giảm dần mật độ. Ngày 30/8, quận cũng đã lấy mẫu xét nghiệm lần 3 đối với toàn bộ người dân trên địa bàn phường, với tổng 1.300 mẫu, phát hiện 16 mẫu dương tính.

Clip: "Biệt đội" đến từng nhà phát lương thực cho 600 nhà dân tại ổ dịch phường Thanh Xuân Trung

2. Ổ dịch phường Văn Miếu (quận Đống Đa) tuy khởi phát từ ngày 30/7, nhưng đến nay vẫn rải rác ghi nhận nhiều ca bệnh. Sáng 1/9, phường Văn Miếu tiếp tục phát hiện 3 ca trong khu phong tỏa, hiện đã có tổng 106 trường hợp.

3. Ổ dịch phường Văn Chương (quận Đống Đa) từ ngày 17/7 đến sáng 1/9 có tổng 89 ca.

Ngày 21/8, quận Đống Đa đã quyết định cách ly y tế toàn bộ 2 phường Văn Chương và Văn Miếu, từ 18h ngày 21/8 đến 18h ngày 4/9. 2 phường này có tổng diện tích 0,69km2, trên 21.000 nhân khẩu. Trong đó, phường Văn Chương có diện tích 0,33 km2, xấp xỉ 12.000 người; phường Văn Miếu có diện tích 0,36km2, xấp xỉ 9.000 người.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội đánh giá, ổ dịch tại 2 phường Văn Miếu và Văn Chương có sự tương đồng với phường Thanh Xuân Trung. Đây đều là những khu dân cư đông đúc, nhiều ngõ ngách, người dân có thói quen sinh hoạt cộng đồng.

4. Ổ dịch tại ngõ 24 Kim Đồng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, lây nhiễm từ 4 lái xe luồng xanh về từ TP.HCM khai báo không trung thực, hiện ghi nhận 44 ca. Trong đó, 42 ca tại phường Giáp Bát, 1 ca tại huyện Thanh Trì và 1 ca tại huyện Thường Tín.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Phó Chủ tịch UBND phường Giáp Bát cho biết, ban đầu địa phương chỉ phong tỏa tạm thời từ đầu ngõ 286 đường Giáp Bát đến cuối ngõ 897 Giải Phóng và các ngách thuộc khu dân cư số 9, gồm 210 hộ với 789 nhân khẩu. Tuy nhiên, do xuất hiện thêm nhiều F0, phường đã xin ý kiến quận Hoàng Mai để mở rộng vùng phong tỏa.

Từ đó, vùng cách ly y tế được mở rộng gồm 492 hộ, 1.903 nhân khẩu, trong vòng 14 ngày, từ 12h ngày 25/8 đến 12h ngày 8/9.

Sáng 28/8, chính quyền đã lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ phường Giáp Bát với khoảng 8.000 mẫu tại 18 điểm trên địa bàn, nhằm sàng lọc F0 ngoài cộng đồng.

Toàn cảnh 6 ổ dịch mới ở Hà Nội diễn biến phức tạp với tổng 639 ca Covid-19 - Ảnh 4.

Phường Giáp Bát mở rộng diện phong tỏa liên quan ổ dịch ngõ 24 Kim Đồng (Ảnh: Đặng Thủy)

5. Ổ dịch xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) khởi phát ngày 28/8, liên quan người về từ quận Đống Đa, đến sáng 1/9 có tổng 12 ca.

Huyện Đan Phượng đã quyết định thiết lập vùng cách ly y tế đối với toàn bộ ngõ 45 (ngõ Cây Si), đường Đan Hội, cụm 9, xã Tân Lập (bao gồm 39 hộ dân, 110 nhân khẩu, diện tích 11.000m2); toàn bộ ngõ 128 (xóm Chùa) đường 422, cụm 11, xã Tân Lập (bao gồm 44 hộ dân, 172 nhân khẩu, diện tích 9.500m2).

UBND huyện cũng chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị huyện phối hợp với UBND xã Tân Lập rà soát, chốt chặt các đường ngang, ngõ tắt, các tuyến đường ra, vào xã Tân Lập, chỉ để lại 3 chốt mềm để người dân đi lại; đồng thời, chỉ đạo cấp lại giấy đi đường cho người dân; kiểm soát chặt chẽ người ra, vào tại các chốt kiểm soát, chỉ để người dân ra, vào trong trường hợp có lý do chính đáng, có các giấy tờ hợp lệ.

Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng phối hợp với UBND xã Tân Lập tiếp tục điều tra, truy vết, rà soát triệt để các trường hợp liên quan đến ca bệnh để thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe theo quy định; quản lý chặt chẽ, không để các trường hợp này tiếp xúc với người khác; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đối với người dân trong khu vực cách ly y tế bảo đảm nhanh nhất và thực hiện giãn cách theo quy định phòng, chống dịch.

Toàn cảnh 6 ổ dịch mới ở Hà Nội diễn biến phức tạp với tổng 639 ca Covid-19 - Ảnh 6.

Lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm cho những người tiếp xúc gần với các ca dương tính ở xã Tân Lập (Ảnh: Đinh Huy)

6. Ổ dịch chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình) khởi phát ngày 28/8, tính đến sáng 1/9 có 16 ca.

Ca bệnh chỉ điểm là người phụ nữ 53 tuổi, trú tại xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, bán hàng tại chợ Ngọc Hà. Ngày 26/8, bà sốt, mệt mỏi, đến ngày 27/8 được test nhanh dương tính, sau đó được lấy mẫu PCR gửi CDC Hà Nội, kết quả khẳng định dương tính.

Từ đêm 27/8, quận Ba Đình đã tạm thời dừng hoạt động chợ Ngọc Hà cho đến khi có thông báo mới, đồng thời phun khử khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ tiểu thương.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận Ba Đình ngày 28/8 thông báo khẩn, yêu cầu tất cả những người từng đến chợ Ngọc Hà, phường Đội Cấn từ 3h sáng 21/8 đến 17h chiều 27/8, cần nhanh chóng liên hệ với cơ quan Y tế gần nhất.

Ngoài ra, theo CDC Hà Nội, chùm ca bệnh liên quan cửa hàng tự chọn 218 Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng tiềm ẩn nguy cơ cao.

Đây là cửa hàng bán thực phẩm thiết yếu, có rất đông người đến mua nhưng không lắp đặt lớp kính chắn giọt bắn giữa người mua hàng và người thanh toán. Khi thanh toán có rất đông người và thủ tục thanh toán lâu, không có sự giãn cách tối thiểu 2m.

Thậm chí, khi có triệu chứng bệnh, bà chủ cửa hàng - người đầu tiên khởi phát bệnh vẫn tiếp tục bán hàng, dẫn đến khả năng lây lan cho người đến mua hàng rất cao.

Toàn cảnh 6 ổ dịch mới ở Hà Nội diễn biến phức tạp với tổng 639 ca Covid-19 - Ảnh 8.

Cơ quan chức năng phong tỏa cửa hàng tự chọn số 218 Lê Trọng Tấn (Ảnh: Đặng Thủy)

Tính đến sáng nay, Hà Nội ghi nhận tổng 3.298 ca trong đợt dịch thứ 4 kể từ ngày 27/4, trong đó 1.547 ca ngoài cộng đồng và 1.751 ca đã được cách ly. CDC Hà Nội cho biết, tình hình dịch bệnh vẫn hết sức căng thẳng, thành phố có thể phải giãn cách thêm ít nhất 7 ngày sau ngày 6/9.

Trong cuộc họp Sở Chỉ huy phòng, chống Covid-19 TP. Hà Nội sáng 31/8, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh cần tuyên truyền, vận động người dân tự giác thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, đặc biệt tuân thủ giãn cách xã hội. Đồng thời huy động tối đa các lực lượng ở cơ sở, vừa phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, vừa giảm tải cho lực lượng tuyến đầu.

Ngoài ra, thành phố đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 bảo đảm an toàn, hiệu quả; nâng cao năng lực điều trị; tập trung truy vết thần tốc, bóc tách F0 và cách ly triệt để các trường hợp liên quan, dập tắt nhanh nhất các ổ dịch mới, không để lây lan rộng ra cộng đồng.

Từ ngày 27/8 đến 4/9, thành phố xét nghiệm diện rộng có trọng điểm khoảng 200.000 mẫu, tùy vào kết quả, sẽ áp dụng kịch bản ứng phó dịch bệnh sau ngày 6/9 (cuối đợt giãn cách xã hội lần thứ 3).

CDC Hà Nội tiếp tục khẩn thiết đề nghị người dân cần khai báo y tế ngay khi xuất hiện các triệu chứng bệnh (sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác) để được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc Covid-19.

Ngoài ra, những người không có các biểu hiện triệu chứng nêu trên nhưng có hoạt động hay đặc thù công việc phải đi lại, hay tiếp xúc với nhiều người cũng phải thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm.

"Ngay cả khi ra đường mua đồ thiết yếu, người dân cũng cần rút ngắn thời gian, mua đúng, đủ đồ dùng rồi về ngay, giảm xuống mức thấp nhất có mặt tại nơi đông người như chợ, siêu thị", Phó Giám đốc CDC nói.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày