Nhiều ngày qua, cư dân mạng kêu gọi tẩy chay, đánh giá 1* tổ hợp khách sạn, nhà hàng, quán cà phê 7 tầng trên đèo Mã Pì Lèng có tên Mã Pì Lèng Panorama. Công trình này được ví von như những cái "răng sâu" bê tông lổn nhổn dọc bờ dốc hùng vĩ, xây dựng trên đất trồng cây lâu năm, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xâm phạm danh thắng Quốc gia.
Khách sạn Mã Pì Lèng Panorama nằm ngay trên hẻm vực Tu Sản, được xây dựng từ năm 2018, đưa vào sử dụng đầu năm 2019. Nhà cao 7 tầng, nằm thoải theo sườn đèo, có 5 ban công lớn, do bà Vũ Ngọc Ánh (SN 1962, trú tại TP Hà Giang) làm chủ đầu tư. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà Ánh do Sở TN&MT cấp ngày 31/5/2016, thuộc loại đất trồng cây hằng năm.
Mã Pì Lèng Panorama nhìn từ trên cao, nơi có thung lũng, núi rừng đại ngàn và con sông Nho Quế nước xanh mượt.
Khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ tuyệt đẹp của di sản Mã Pì Lèng.
Trên mạng xã hội liên tục kêu gọi tẩy chay Mã Pì Lèng Panorama, thế nhưng trên thực tế, địa điểm kinh doanh này vẫn hút khách không tưởng. Theo ghi nhận của chúng tôi từ trưa 5/10, hàng chục lượt khách du lịch nườm nượp dừng chân, chen chúc chụp ảnh check-in tại đây.
Một nhân viên của Mã Pì Lèng Panorama chia sẻ, "Lịch book phòng khách sạn đã kín từ giờ đến giữa tháng 10. Mọi người kêu gọi tẩy chay nhưng có ai tẩy chay đâu, khách đến đông, chúng tôi phục vụ không kịp".
Thực chất, một trong những lý do khiến Mã Pì Lèng Panorama luôn trong tình trạng "khan" phòng, là vì mỗi tầng chỉ có một phòng phục vụ du khách. So với các khách sạn khác trên địa bàn, mức giá tại đây không hề rẻ. Phòng đơn có giá 500.000 đồng/đêm. Nếu ở 2 người, mức giá tăng lên 650.000 đồng. Phòng lớn 3 người nếu có trẻ em có giá 750.000 đồng, và loại phòng tập thể là 250.000 đồng. Nhìn chung, những con số này đều lớn hơn gấp 2, thậm chí gấp 3 những cơ sở kinh doanh khác.
Bên ngoài khách sạn có tấm biển đề "điểm quan sát toàn cảnh Mã Pì Lèng".
Bảng giá phòng nghỉ bên trong khách sạn.
Nhân viên làm việc liên tục, không nghỉ ngơi.
Nhiều du khách tỏ ra thích thú trước cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ, tuy nhiên, cũng không giấu được sự lo lắng về khả năng "bê tông hóa" nơi đây.
Tuyết Trinh, du khách người Sài Gòn, cho biết đây là lần đầu tiên cô tới Hà Giang. "Thật hùng vĩ dường như là cụm từ không đủ để diễn tả hết khung cảnh đẹp đẽ này. Nếu có quán cà phê hay nhà hàng để du khách và người dân có thể dừng chân thì mình nghĩ là cũng khá hợp lý".
Tuy nhiên, khi được chúng tôi thông tin việc toà nhà này chưa có giấy phép xây dựng, Tuyết Trinh bày tỏ quan điểm: "Rất có thể, trong tương lai nhiều người sẽ học theo cách kinh doanh như này. Rồi dần dần, họ sẽ không còn làm việc vì mục đích phục vụ khách du lịch nữa mà quay lại kiếm lời vì lợi ích cá nhân".
Lượng khách đổ về Mã Pì Lèng Panorama khá đông mặc sự cố bị tẩy chay trên MXH.
Du khách thích thú chụp ảnh check in.
Tấm biển "nguy hiểm cấm trèo" được gắn nơi lan can tầng 6.
Nhiều du khách tỏ ra thích thú khi ngắm cảnh Mã Pì Lèng từ ban công của tòa nhà 7 tầng, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng tổ hợp này chỉ như một khối bê tông dần phá hoại di sản Mã Pì Lèng.
Dũng Đoàn - một phượt thủ chia sẻ, ai lên Hà Giang cũng sẽ phải ghé qua Mã Pì Lèng vì cảnh quan hùng vĩ nổi tiếng của nó. Nhưng, nếu dừng chân tại trạm quan sát miễn phí luôn trong tình cảnh chật ních người, thì Dũng sẽ chọn thư thả vừa nhâm nhi cà phê nóng vừa ngắm cảnh đèo tại Mã Pì Lèng Panorama.
Dũng bày tỏ, "Để có những khoảnh khắc tuyệt đẹp nhất với Mã Pì Lèng thì mình nghĩ tổ hợp khách sạn Mã Pì Lèng Panorama là một điểm dừng chân hợp lý. Khung cảnh thực sự "xúc động", khiến mình không thể rời mắt. Mình thấy rất nhiều bạn tỏ ý chê bai, nhưng bản thân mình đánh giá cao nơi này".
Trong khi đó, anh Lâm (du khách từ Hà Nội) nói, bản thân anh trước đây lên tham quan Hà Giang rất nhiều lần. Thời điểm đó, khung cảnh hoang sơ chỉ có núi non và khúc cua "thần thánh". Lần này, bỗng dưng xuất hiện một quán cà phê hoành tráng "chễm chệ" giữa núi đồi.
"Tôi nghĩ công trình này sớm muộn sẽ phá vỡ cảnh quan nơi đây. Nếu đã là thiên nhiên hoang sơ thì nên để nguyên như thế, đừng nên làm mất đi giá trị cốt lõi của nó. Tôi lo ngại, nếu như đã có 1 toà nhà như thế này, thì sớm muộn sẽ có thêm những toà nhà tương tự khác. Cảnh quan đẹp của Việt Nam dần sẽ bị khai thác dưới bàn tay con người, quy hoạch không tốt sẽ phá hỏng toàn bộ" - anh Lâm bày tỏ quan điểm.
Gần chiều tối, lượng du khách càng đông.
Ai cũng chen chân để có khung hình ưng ý nhất.
Bên cạnh đó, Diệu Linh (du khách) cũng chia sẻ "Chúng ta có thể vào thị trấn Đồng Văn và Mèo Vạc, nơi có nhiều tụ điểm ăn uống, vui chơi, chợ truyền thống, thay vì một Mã Pì Lèng Panorama giữa núi rừng. Sáng sớm phi xe qua đây, ngắm 100% Mã Pì Lèng như ngày xưa thật khó. Thiên nhiên là của chung, của tất cả mọi người, không ai có quyền lấy cắp làm của riêng".
Nhiều người bày tỏ ý kiến: "Thiên nhiên là của chung, của tất cả mọi người, không ai có quyền lấy cắp làm của riêng".
Mã Pì Lèng (Hà Giang) được mệnh danh "Đệ nhất hùng quan", một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam. Đèo là đoạn quốc lộ 4C dài khoảng 20 km nối liền hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Đỉnh đèo cao 2.000 m, là con đường hiểm trở nhất trên Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn. Một bên đèo là vách núi đá vôi hiểm trở, bên kia là vực sông Nho Quế. Đèo Mã Pì Lèng được công nhận là Danh thắng quốc gia năm 2009.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang, dù tổ hợp khách sạn - nhà hàng - quán cà phê Mã Pì Lèng Panorama đã đi vào hoạt động nhưng chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chưa được cấp giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, xây dựng; chưa được cấp giấy phép xây dựng và công trình chưa có văn bản thỏa thuận đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Cục Di sản Văn hoá cho biết, tuy công trình này nằm ngoài vùng bảo vệ II của danh thắng Mã Pì Lèng, nhưng theo Luật Di sản văn hóa, công trình ảnh hưởng xấu đến cảnh quan và môi trường thì phải có ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý văn hóa. Tuy nhiên, nhà nghỉ này chưa có ý kiến của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Cục khẳng định tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang thực hiện các biện pháp đảm bảo tuân thủ nghiêm quy định tại Luật Di sản văn hóa để tham mưu, đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án xử lý về vấn đề này theo đúng các quy định của Luật di sản văn hóa.