Theo thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, chỉ 5 ngày nghỉ Lễ 30/4 - 01/5 (từ 27/4 đến 01/5/2024), ngành du lịch ước phục vụ khoảng 8 triệu lượt khách, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có khoảng 3,6 triệu lượt khách có lưu trú.
Hầu hết các địa bàn du lịch trọng điểm trên cả nước đã ghi nhận những tín hiệu tích cực với lượng khách tăng cao so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý trong đó có tỉnh Thanh Hoá với bãi biển Sầm Sơn đã dẫn đầu cả nước và các tỉnh thành ven biển khi phục vụ khoảng 1,5 triệu lượt khách.
Tỉnh này đã "hốt bạc" sau dịp nghỉ lễ với tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 3.805 tỷ đồng.
Sầm Sơn luôn trong tình trạng chật kín du khách dịp lễ 30/4 - Ảnh: Tiền Phong
Theo ghi nhận trong 2 ngày đầu nghỉ lễ, các tỉnh miền Bắc và miền Trung đón đợt nắng nóng gay gắt, nhiều nơi nhiệt độ trên 40 độ C. Để giải nhiệt dưới thời tiết oi bức, hàng vạn du khách đã đổ về bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa vui chơi, tắm biển. Bãi biển Sầm Sơn dịp lễ luôn trong tình trạng ken đặc du khách. Thời tiết nắng nóng, bãi biển đẹp khiến Sầm Sơn luôn thu hút rất đông du khách từ các tỉnh thành phía Bắc đổ về mỗi kỳ nghỉ lễ.
Đứng thứ 2 là Quảng Ninh phục vụ khoảng 1.1 triệu lượt khách và đạt tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 2.210 tỷ đồng. Tỉnh Khánh Hòa đứng thứ 3 khi đạt tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 1.306,7 tỷ đồng và phục vụ khoảng 969.950 lượt khách.
Tiếp sau đó là các tỉnh thành ven biển gồm Nghệ An có bãi biển Cửa Lò nổi tiếng đã đạt tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng hơn 1.700 tỷ đồng, phục vụ khoảng 950.000 lượt khách; Bà Rịa - Vũng Tàu đạt khoảng 712,8 tỷ đồng và Đà Nẵng đạt khoảng 1.3360 tỷ đồng, phục vụ khoảng 336.000 lượt khách.
Hai thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh cũng phục vụ khoảng 969.000 lượt khách, đạt khoảng 3.235 tỷ đồng và Hà Nội phục vụ khoảng 737.900 lượt khách, thu từ khách du lịch đạt khoảng 2.500 tỷ đồng.
Khách quốc tế vẫn có đà tăng trưởng tốt
Theo Cục Du lịch nhìn chung, công tác phục vụ khách du lịch trong dịp nghỉ Lễ 30/4 - 01/5 năm nay được chuẩn bị từ sớm; các địa phương, doanh nghiệp chủ động đảm bảo an ninh, an toàn các hoạt động du lịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra tai nạn, sự cố đáng tiếc.
Dịp nghỉ lễ năm nay kéo dài 5 ngày nên hầu hết các điểm đến đã đón lượng khách nhiều hơn, thời gian lưu trú dài hơn, doanh thu tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Đáng lưu ý, số lượng khách quốc tế vẫn có đà tăng trưởng tốt dù đã qua mùa cao điểm. Giá phòng và các dịch vụ du lịch không có nhiều biến động lớn.
Tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm đến được đảm bảo. Sự chủ động chuẩn bị và tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội, thể thao… có quy mô lớn tại địa phương, trung tâm du lịch, đặc biệt là sự đồng hành của doanh nghiệp đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, thúc đẩy nhu cầu vui chơi giải trí, tham quan, nghỉ dưỡng trong kỳ nghỉ lễ và cao điểm du lịch hè 2024.
Bên cạnh đó, để thích ứng với giá vé máy bay nội địa tăng cao, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã đa dạng hóa loại hình tour theo hướng tăng tour đi xe ô tô chất lượng cao ở những chặng ngắn; kết hợp các phương tiện tàu hỏa, ô tô, đường thủy ở những chặng xa, vừa giảm giá thành tour, vừa tăng trải nghiệm cho khách. Gia tăng xu hướng tự lái xe đến điểm đến trong bán kính gần để tự do khám phá, trải nghiệm và tăng tính chủ động trong hành trình dịp nghỉ lễ 30/4 - 01/5 năm nay.
Các hoạt động lễ hội, sự kiện để tạo điểm nhấn thu hút du khách cũng được các địa phương triển khai tích cực, sôi động, tổ chức đa dạng các hoạt động, sự kiện văn hóa, lễ hội, chương trình nghệ thuật như “Khai trương mùa du lịch Biển Đà Nẵng 2024” với chủ đề “Sóng mùa hè”; “Liên hoan Du lịch 2024 “Đồ Sơn - Điểm đến 4 mùa”; Lễ khai trương du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024; Tuần Văn hóa Du lịch tỉnh Bắc Kạn năm 2024; Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2024; Lễ hội hoa hồng Fansipan…