Tình bạn đẹp của Xuân Diệu - Huy Cận và những điều ít ai biết về ông hoàng thơ tình Việt Nam

Khải Anh, Theo Helino 08:14 04/12/2018

"Xuân Diệu là một nhà thơ lớn, đặc sắc, độc đáo của nền thơ hiện đại Việt Nam… cho tới nay và những năm tháng trước mắt liệu có ai vượt được Xuân Diệu trong lĩnh vực thơ tình? Và không ai có thể thay thế được Xuân Diệu" - Tố Hữu.

Việt Nam có một nhà được mệnh danh là ông hoàng thơ tình, với những áng thơ tình khi thì lãng mạn, dịu êm, khi thì mãnh liệt, dữ dội, đôi lúc là cảm giác muốn người yêu kề cận bên mình, gần gũi, ái ân không ly biệt; đôi khi lại là sự hòa hợp, gần gũi cả thể xác lẫn tâm hồn.

Tình bạn đẹp của Xuân Diệu - Huy Cận và những điều ít ai biết về ông hoàng thơ tình Việt Nam - Ảnh 1.

Nhà thơ Xuân Diệu

Xuân Diệu tên đầy đủ là Ngô Xuân Diệu, sinh ngày 2/2/1916, quê quán làng Trảo Nha (Can Lộc, Hà Tĩnh), nhưng sinh tại huyện Tuy Phước (Bình Định). Ông lớn lên ở Bình Định, sau khi tốt nghiệp tú tài, Xuân Diệu đi dạy học. Ông tốt nghiệp cử nhân luật năm 1943 và làm tham tá Thương chánh ở Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) một thời gian trước khi chuyển ra Hà Nội.

Xuân Diệu tham gia nhóm Tự lực văn đoàn, là đại biểu xuất sắc của phong trào Thơ mới với hai tập Thơ thơ và Gửi hương cho gió. Những bài thơ được công chúng yêu thích, tôn xưng ông là "ông hoàng thơ tình" được sáng tác trong giai đoạn 1936-1944, nổi tiếng như: Yêu, Vội vàng, Dại khờ...

Yêu, là chết ở trong lòng một ít,

Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?

Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu

Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết...

Hoài Thanh, Hoài Chân từng viết trong cuốn Thi nhân Việt Nam rằng: "Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới - nên chỉ những người còn trẻ mới thích đọc Xuân Diệu, mà đã thích thì phải mê. Xuân Diệu không như Huy Cận vừa bước vào làng thơ đã được người ta dành ngay cho chỗ ngồi yên ổn. Xuân Diệu đến giữa chúng ta tới nay đã ngót năm năm mà những tiếng khen chê chưa ngớt. Người khen, khen hết sức; người chê, chê không tiếc lời".

Ít ai biết rằng, người đàn bà duy nhất trong cuộc đời "ông hoàng thơ tình" Xuân Diệu chính là nữ đạo diễn điện ảnh đầu tiên của Việt Nam - Bạch Diệp. Họ trở thành cặp uyên ương trai tài gái sắc vào năm 1958 nhưng sau đó hai người đã ly dị và họ không có con chung. Sau khi ly dị ông sống độc thân cho đến lúc mất vào năm 1985.

Xuân Diệu là cùng quê Hà Tĩnh với Huy Cận và là cặp bạn thân thiết suốt nhiều năm. Vợ của Huy Cận, bà Ngô Thị Xuân Như là em gái của Xuân Diệu. Cả hai quen thân nhau từ lúc còn học ở Trường Quốc Học (Huế) và thường xuyên đàm đạo thơ cùng nhau.

Khi Huy Cận in tập thơ đầu tay Lửa thiêng năm 1940, Xuân Diệu đã viết lời tự rằng: “Đời xưa có một người thi sĩ lành như suối nước ngọt, hiền như cái lá xanh; gần chàng, người ta cảm nghe một nỗi hòa vui, như đứng giữa thiên nhiên, tâm hồn thơ thới”.

Trong bài thơ mai sau của Huy Cận, ông cũng từng viết:

"Chiều nay đây nửa thế kỷ hai mươi,

Viết dăm câu tôi gửi lại vài người

Những thế hệ mai sau, làm bè bạn...

Hỡi ai đó, có nhớ lòng Huy Cận,

Gọi gió trăng mà thỏ thẻ với lời trên,

Rất thương yêu, xin nhớ gọi giùm tên

Rất an ủi của bạn chàng: Xuân Diệu."

Tình bạn đẹp của Xuân Diệu - Huy Cận và những điều ít ai biết về ông hoàng thơ tình Việt Nam - Ảnh 2.

Nhà thơ Xuân Diệu và Huy Cận

Thêm một điều nữa nhiều người không biết đó là âu thơ nổi tiếng nhất của Xuân Diệu: Yêu là chết trong lòng một ít là sự vay mượn của câu thơ của nhà thơ Pháp Edmond Haraucourt: Partir, c'est mourir un peu (Ði là chết đi một ít). Hoài Thanh và Hoài Chân cũng đã từng nói về câu thơ này như sau: "Ngày một ngày hai cơ hồ ta không còn để ý đến những lối dùng chữ đặt câu quá Tây của Xuân Diệu, ta quên cả những ý tứ người đã mượn trong thơ Pháp. Cái dáng dấp yêu kiều, cái cốt cách phong nhã của điệu thơ, một cái gì rất Việt Nam, đã quyến rũ ta".

Nhận xét về Xuân Diệu, nhiều nhà phê bình văn học vẫn nói rằng: Xuân Diệu là “ông hoàng thơ tình” khát yêu, thèm yêu, muốn được yêu đến say mê và cuồng nhiệt. Người đọc vẫn bắt gặp những vẫn thơ với nhịp điệu tha thiết, vội vàng, gấp gáp như một nỗi sợ thời gian trôi, sợ tình yêu đi mất và sợ tuổi trẻ trôi qua.

(Tham khảo: Thi nhân Việt Nam, Sách Ngữ văn lớp 11)