Vào ngày 16/7 vừa qua, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Cục PTTH & TTĐT) - Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với nhiều doanh nghiệp nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc) về vấn đề cung cấp trò chơi điện tử "xuyên biên giới" vào Việt Nam.
Với sức mạnh của công nghệ Internet, game toàn cầu đang trở thành một xu hướng lớn.
Theo đó, qua quá trình rà soát và thống kê, cơ quan quản lý đã phát hiện nhiều tựa game sai phép đang được phát hành trên thị trường Việt Nam. Những trò chơi này (chủ yếu là game mobile) có yếu tố cờ bạc, nội dung bạo lực, phản cảm, đi ngược với thuần phong mỹ tục, xuyên tạc lịch sử Việt Nam. Bên cạnh đó, cùng tồn tại nhiều game không vi phạm về nội dung nhưng lại chưa hề xin phép để hoạt động tại Việt Nam. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang phối hợp với Facebook, Apple và Google để chặn và gỡ những tựa game vi phạm.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G1) phải được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ và quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản mới được phát hành tại Việt Nam. "Game cung cấp vào thị trường Việt Nam phải được cấp phép, không chấp nhận game phát hành xuyên biên giới, có phát sinh người chơi, doanh thu tại Việt Nam mà không xin phép", ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục PTTH & TTĐT, cho biết (theo Vnexpress).
Những "game xuyên biên giới" nếu không được cấp phép thì sẽ không thể hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam
Theo thống kê, từ năm 2017 đến nay, đã có đến 142 game trên hai chợ ứng dụng App Store và Play Store đã phải dừng hoạt động tại thị trường Việt Nam. Trong số này có cả những tên tuổi lớn như Clash of Clans, Hay Day, Clash Royale của Supercell.
Trong tương lai, con số này có thể không dừng lại ở 142 mà sẽ lớn hơn như thế rất nhiều; và đây mới chỉ tính trên thị trường game mobile. Nếu các cơ quan chức năng tiếp tục mạnh tay hơn trên cả thị trường game PC, nhiều khả năng chúng ta sẽ phải nói lời tạm biệt với hàng loạt bom tấn đình đám trên Steam, Origin, Uplay hay Epic Games Store. Khi mà các nhà phát hành lớn ở nước ngoài không (hoặc chưa) có trụ sở tại Việt Nam hoặc hợp tác với một doanh nghiệp Việt để phát hành game, viễn cảnh về những tựa game online xuyên biên giới như DOTA 2 hoặc CS:GO đang cực kỳ mờ mịt.