Sự cố "kiss cam" tại buổi hòa nhạc Coldplay tuần qua đã nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý trên mạng xã hội, tạo ra một làn sóng thông tin khổng lồ. Tuy nhiên, cùng với những phản ứng hài hước và châm biếm, một lượng lớn thông tin sai lệch đã được lan truyền, làm méo mó sự thật về vụ việc.
Trong số vô vàn thông tin được chia sẻ, một bức ảnh chụp một phụ nữ trẻ đẹp cùng ba đứa trẻ đã được lan truyền rộng rãi với chú thích là "vợ và con" của CEO Andy Byron. Cộng đồng mạng đã nhanh chóng so sánh nhan sắc của người phụ nữ trong ảnh với người phụ nữ xuất hiện trong đoạn clip kiss cam, và đưa ra nhiều bình luận tiêu cực, so sánh về "gu" của người đàn ông giàu có. Điều này cho thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ của những thông tin chưa được kiểm chứng trong việc định hình dư luận.
Ảnh của KOL ngẫu nhiên trên mạng bị gán ghép thành "chính thất" trong câu chuyện
Tuy nhiên, sự thật là bức ảnh này hoàn toàn không liên quan đến vụ bê bối ngoại tình. Người phụ nữ trong ảnh là Elina Salyakhova, một người có ảnh hưởng (influencer) người Nga, cô chụp cùng các con trong một bữa tối và đã đăng tải trên Instagram cá nhân vào ngày 31 tháng 12 năm 2021. Bức ảnh này đã được sử dụng làm meme từ đầu năm 2024 với tiêu đề "Mom, why are we so rich" (Mẹ ơi, tại sao chúng ta lại giàu thế).
Trên thực tế, vợ chính thức của ông Byron là bà Megan Kerrigan Byron, 50 tuổi (hiện đã xóa họ chồng trên các tài khoản mạng xã hội cá nhân). Bà Megan là một nhà giáo dục, hiện đang giữ chức phó giám đốc tuyển sinh tiểu học và chương trình Hope Graham tại Bancroft School - một trường tư thục danh tiếng ở bang Massachusetts. Vợ chồng ông Byron có hai con trai đã trưởng thành, khác với hình ảnh ba đứa trẻ nhỏ trong bức ảnh của cô Elina.
Bên cạnh đó, một "tâm thư" được cho là do Andy Byron viết, vốn được chia sẻ với tốc độ chóng mặt và nhận về nhiều lời chế giễu ngay sau khi tin tức bùng nổ, cũng là một tài liệu không chính xác, được tạo ra nhằm mục đích sai lệch thông tin.
Trước đó, mạng xã hội cũng chứng kiến sự xuất hiện tràn lan của các tin đồn và suy đoán về đoạn video kiss cam. Nhiều bức ảnh chụp màn hình được cho là những tuyên bố từ ông Byron đã lan truyền nhanh chóng. Một trong số đó thậm chí còn bao gồm một lời bông đùa về việc ông là một người hâm mộ Coldplay. Một tuyên bố khác, được cho là đăng bởi một tài khoản tự nhận là phóng viên Mỹ (hiện đã bị xóa), đã chỉ trích ban nhạc vì vi phạm quyền riêng tư của ông Byron.
Bản tuyên bố này cũng là giả
Mặc dù những tuyên bố giả mạo này đã len lỏi vào các cuộc trò chuyện và được nhiều người tin là thật, công ty sau đó đã xác nhận rằng ông Byron chưa hề đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về vụ việc. Tuy nhiên, đã có quá nhiều người tin tưởng rằng đây là những thông tin thât,
Trong bối cảnh "ai cũng có thể trở thành người tạo nội dung" và các khóa học kỹ năng phát triển mạnh mẽ, những sự kiện gây chú ý ở tầm quốc tế như scandal này thường được tận dụng để thu hút lượt xem và tương tác. Việc chứng kiến nhiều phân tích "chuyên sâu" về khủng hoảng truyền thông, văn hóa doanh nghiệp, tâm lý học, tư vấn "chữa lành", hay chia sẻ kinh nghiệm "giữ chồng" dựa trên những thông tin hoàn toàn sai lệch cho thấy mức độ nguy hiểm của tin giả.
Vụ việc của CEO Astronomer là một minh chứng rõ ràng về tốc độ lan truyền chóng mặt và những hệ lụy nghiêm trọng của tin giả trên mạng xã hội. Mỗi khi có một tin tức hot xuất hiện, trên truyền thông, mạng xã hội ngập tràn thông tin mới là điều dễ hiểu. Thế nhưng, việc có không ít người cố ý tạo tin giả để câu tương tác cũng rất khó được kiểm soát, nhất là ở thời gian đầu khi mới xuất hiện tin tức.
Khi AI đã phát triển và tạo ra được các “bằng chứng giả” thuyết phục hơn nữa, càng nhiều thách thức càng được đặt ra cho người dùng trong việc chắt lọc thông tin và xác định tính xác thực của nguồn tin. Nó cũng là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về trách nhiệm của mỗi cá nhân khi chia sẻ thông tin, đặc biệt là những thông tin chưa được kiểm chứng, để tránh góp phần vào việc lan truyền các nội dung sai lệch.