Tin đáng lo về nơi sự sống ngoài hành tinh có thể ẩn nấp

Thu Anh, Theo nld.com.vn 11:01 03/04/2025
Chia sẻ

Nơi mà tàu vũ trụ của nhiều nước đang hướng đến có thể tràn ngập sự sống, nhưng không phải theo cách chúng ta từng nghĩ.

Một nghiên cứu mới từ Mỹ và Canada đã chỉ ra các "hố bóng tối" nằm ở hai cực của Mặt Trăng có thể là nơi tràn ngập sự sống. Và đó là một tin xấu.

Những sinh vật ngoài hành tinh này có thể có nguồn gốc từ... Trái Đất., liên quan đến các sự cố ngoài ý muốn.

Tin đáng lo về nơi sự sống ngoài hành tinh có thể ẩn nấp- Ảnh 1.

Hố va chạm Shackleton trên Mặt Trăng trong hình ảnh đã được làm sáng - Ảnh: NASA

Bên trong "hố bóng tối" là màn đêm vĩnh viễn, bởi góc độ của chúng khiến ánh sáng không bao giờ có thể chiếu vào bên trong. Nhưng có những vi sinh vật hoàn toàn có thể sinh trưởng tốt trong môi trường này.

Trao đổi với tờ Universe Today, PGS-TS John Moores từ Trung tâm Nghiên cứu khoa học Trái Đất và không gian thuộc Đại học York (Canada) cho biết các "hố bóng tối" này đã bị bỏ qua trong các nghiên cứu về sự sống trước đây.

Một trong những lý do chính của sự bỏ qua này là việc mô hình hóa môi trường bức xạ cực tím ở đó rất phức tạp. Tuy nhiên, một cộng sự của GS Moores là TS Jacob Kloos từ Đại học Maryland (Mỹ) đã tìm ra cách.

Sử dụng một mô hình chiếu sáng tinh vi dựa trên những gì các tàu vũ trụ thu thập được từ hai hố mang tên Shackleton và Faustini trên Mặt Trăng.

Họ nhận thấy tình trạng không được chiếu sáng cộng với việc Mặt Trăng không có khí quyển và tiếp xúc trực tiếp với chân không đã tạo ra các "túi lạnh" mà vi khuẩn có thể sinh tồn.

Nhưng những sinh vật ngoài hành tinh này không tự xuất hiện trên Mặt Trăng, mà do con người vô tình "gieo mầm".

Hiện tượng ô nhiễm sinh học này là do các tàu vũ trụ của người Trái Đất. Như nhiều nghiên cứu chỉ ra, một số vi sinh vật có đủ khả năng để quá giang các tàu vũ trụ, vẫn sống khỏe sau chuyến hành trình từ Trái Đất đến thiên thể gần nhất này.

"Vi khuẩn trong không gian thường bị tiêu diệt bởi nhiệt độ cao và bức xạ cực tím. Nhưng các hố này rất lạnh và rất tối, trở thành một trong những môi trường bảo vệ tốt nhất trong mệ Mặt trời đối với các loại vi khuẩn thường bám vào tàu vũ trụ" - PGS Moores giải thích.

Sự sống ngoại lai này có thể không đủ sức để sinh sôi, phát triển thành quần thể lớn trong điều kiện khắc nghiệt của Mặt Trăng, nhưng vẫn có thể tiếp tục tồn tại trong nhiều thập kỷ cho đến khi bào tử của chúng bị tiêu diệt do tác động của chân không.

Việc ô nhiễm bởi sự sống ngoại lai trên một thiên thể có thể cản trở các sứ mệnh khoa học, tạo ra dữ liệu gây nhiễu trong cuộc săn tìm sự sống "bản địa" ở thiên thể này.

Nỗi lo đó không phải chưa từng được tính đến. NASA có một "Văn phòng Bảo vệ hành tinh", có nhiệm vụ giám sát việc khử trùng và làm sạch vi khuẩn trên tàu vũ trụ trước khi phóng cũng như đảm bảo các tàu trở về không mang theo vi sinh vật ngoài hành tinh.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày