Xét nghiệm độ tương đồng về gien là xu hướng mới để tìm bạn đời. Ảnh: SCMP
Ayumi Miyazaki từng thử nhiều cách hẹn hò trong những năm qua. Từ tham dự tiệc cho người độc thân đến kết bạn trên ứng dụng Tinder, chẳng biện pháp nào đem lại hiệu quả cho nữ kiến trúc sư, 37 tuổi, sống tại thành phố Kawasaki, Nhật Bản.
Cuối cùng, năm 2017, cô quyết định trao con đường tình duyên của mình cho khoa học và để một phòng thí nghiệm chọn lựa đối tác gặp mặt lý tưởng cho cô. Cô tham gia dịch vụ mai mối DNA có tên Gene Partner Japan tại Tokyo. Cơ sở này tuyên bố có thể tìm ra các cặp đôi tâm đầu ý hợp dựa trên sự tương đồng về gien.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), họ lấy mẫu nước bọt của Ayumi để làm xét nghiệm DNA. Kết quả, hiện nay, cô đã đính hôn trong niềm hạnh phúc với anh Shun Orihara – một nhà quản lý 34 tuổi – sống ở Yokohama. Chi phí của dịch vụ này chỉ 36.000 yên (tương đương 7,6 triệu đồng).
Ayumi và Shun chỉ là hai người trong số đông đảo những trái tim lẻ loi ở Nhật Bản tìm đến dịch vụ mai mối DNA. “Gene Partner giới thiệu tôi với hai người đàn ông, và dựa trên kết quả DNA của họ, chỉ có một người tương đồng với tôi. Người đàn ông chính là hôn phu của tôi bây giờ”, cô Ayumi Miyazaki nói.
Những năm gần đây, các bộ dụng cụ xét nghiệm gien để xác định thể trạng và nguồn gốc tổ tiên ngày càng trở nên phổ biến nhờ sự nhận thức về sức khỏe được nâng cao. Và khắp châu Á, dịch vụ hẹn hò qua điểm tương đồng về gien bắt đầu nảy nở tại các nước như Nhật Bản và Singapore.
Trong khi không có con số chính xác để mô tả quy mô của thị trường mai mối DNA, ngành công nghiệp xét nghiệm gien tại châu Á – Thái Bình Dương được ước tính trị giá 1,32 tỷ USD năm 2018 và dự kiến đạt 2,48 tỷ USD vào năm 2024, theo báo cáo của hãng phân tích Market Research Future.
Trong số những công ty xét nghiệm gien vừa nổi lên từ xu hướng trên phải kể đến Prenetics ở Hong Kong (Trung Quốc). Prenetics đã thu hút 53,7 triệu USD vốn đầu tư trong giai đoạn 2014 – 2017 từ các ông lớn như Alibaba Group và Ping An Insurance.
Mai mối bằng DNA thế nào?
Với mức phí 19.800 yen cho mỗi xét nghiệm, công ty Gene Future có trụ sở tại Tokyo và Kyoto cũng cung cấp dịch vụ dựa trên gien HLA. Giám đốc công ty này, ông Kiyotaka Sugihara cho biết họ đã xét nghiệm DNA cho hơn 900 người, song ông nói thêm rằng các yếu tố không liên quan đến DNA cũng là mấu chốt quan trọng trong dịch vụ mai mối của họ.
Ông Kiyotaka giải thích: “Xét nghiệm DNA dựa trên cấu trúc sinh học, nhưng khả năng tương thích hoàn toàn cũng phụ thuộc vào các yếu tố như tương thích xã hội, ông nói. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng mai mối DNA rất hữu ích trong việc giúp mọi người quyết định xem nên kết hôn với ai”.
Tại công ty mai mối Genemate ở Singapore, các ứng viên phải trả 280 USD (khoảng 6,5 triệu đồng) và lấy mẫu nước bọt để xét nghiệm. Theo nhà sáng lập Roger Poon, phòng thí nghiệm của họ phân tích gien HLA của mỗi cá nhân rồi phân chia họ thành 8 nhóm khác biệt. Sau đó, công ty này mai mối khách hàng lẫn lộn giữa các nhóm với nhau.
Liệu có khả thi?
Nhiều công ty tuyên bố có thể ghép đôi cho mọi người dựa trên các nguyên tắc khoa học, tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng hiện nay chưa thể kết luận được điều gì.
Ông Brian Chung, Phó giáo sư Khoa Nhi và Vị thành niên tại Đại học Hong Kong nhận xét vẫn còn quá sớm để chứng nhận những công nghệ trên có thể xác định trước ai là tri kỷ của ai. "Tôi không nghĩ rằng chúng ta biết toàn bộ loại gien có liên quan, và thậm chí trong tương lai, chúng ta cũng có thể không thể nắm được tất cả chúng. Tính cách của con người chịu ảnh hưởng của yếu tố di truyền, môi trường và sự tương tác qua lại giữa những thứ trên", ông nói.
Song tương tự chiêm tinh học, các xét nghiệm tính cách cùng những biện pháp xác định mức độ tương đồng khác đôi khi có thể đủ để ngụ ý kết cục của một cặp đôi. Chẳng hạn, Bà Chieko cho biết xét nghiệm DNA cũng có thể được sử dụng để biện minh cho việc chia tay.
"Một khách hàng đã lập gia đình và có con gái 5 tuổi bỗng cảm thấy điều bất ổn trong quan hệ của ông với vợ. Ông đến Gene Partner và phát hiện họ không tương đồng về gien nên quyết định ly hôn".
Những công ty mai mối DNA đang được các chính phủ ủng hộ như một hình thức để cải thiện tỷ lệ sinh đẻ sụt giảm ở nhiều quốc gia như Nhật Bản và Singapore – đều dưới mức cần thiết 2,1 con/phụ nữ để duy trì dân số.
Genemate cho biết Bộ Kế hoạch Gia đình Singapore đã để mắt đến công ty của họ, đồng thời đề nghị họ hợp tác cùng các công ty mai mối khác để cùng tổ chức sự kiện quy mô lớn trong hai tháng cuối năm.