Tìm "đất sống" cho giải trí trên truyền hình

Minh Quân, Theo Đại Đoàn Kết 07:53 25/07/2022

Những năm qua các chương trình gameshow, truyền hình thực tế... không chỉ là món ăn tinh thần cho khán giả mà còn là “con gà đẻ trứng vàng” cho các nhà đài. Thế nhưng sau những thành công là sự thoái trào bởi những “lùm xùm” do vô tình và thậm chí là cố ý do các đơn vị tổ chức tạo ra.

Thoái trào sau thành công

Tìm đất sống cho giải trí trên truyền hình - Ảnh 1.

Đã qua thời hoàng kim của các gameshow Việt

Với sự phát triển của ngành truyền hình, không thể phủ nhận các chương trình giải trí đang đóng một vai trò quan trọng, thậm chí là những "điểm cộng" trong việc thu hút khán giả. Cùng với làn sóng "nhập khẩu", Việt hóa các phiên bản gameshow, truyền hình thực tế của nước ngoài đến nay đã có hàng trăm chương trình được sản xuất với đủ các loại hình từ âm nhạc, trí tuệ, trải nghiệm, hài kịch... được phát sóng trên các kênh từ địa phương đến trung ương. Tuy nhiên, những "bữa tiệc" giải trí này dường như đang khiến cho khán giả "bội thực" khi dần sa đà vào những yếu tố gây sốc, thậm chí là sai lệch với nội dung của chương trình.

Đơn cử như trong các chương trình âm nhạc dành cho thiếu nhi, các em nhỏ phải "gồng mình" hát ca khúc người lớn, không phù hợp lứa tuổi. Bên cạnh đó, một số chương trình tập trung khai thác nhiều cảnh hậu trường, "biến" cuộc thi thành những màn tranh đấu khốc liệt, gây ảnh hưởng đến tâm lý của các thí sinh nhỏ tuổi.

Tìm đất sống cho giải trí trên truyền hình - Ảnh 2.

Cần yếu tố mới lạ trong gameshow để thu hút khán giả

Hay các cuộc thi âm nhạc từng tạo được tiếng vang như Vietnam Idol, Giọng hát Việt, Rap Việt... sau những khởi đầu thành công là sự lụi tàn dần theo năm tháng. Các quán quân sau cuộc thi đều "chìm nghỉm" và nhanh chóng bị khán giả cho vào quên lãng. Khán giả giờ không còn quá bất ngờ trước những câu chuyện trên truyền hình thực tế, bởi những scandal liên tiếp trong nhiều năm, cũng như việc họ được tiếp cận quá nhiều luồng thông tin trên các mạng xã hội như Facebook, YouTube...

Cá biệt, một số gương mặt vừa mới bước ra từ cuộc thi ca hát chưa có nhiều kinh nghiệm chuyên môn, trải nghiệm cuộc sống cũng được mời ngồi "ghế nóng". Nhà sản xuất buộc phải sử dụng đến các chiêu trò để "câu view". Một số gameshow còn gây bức xúc người xem khi nghệ sĩ lạm dụng quá đà ngôn ngữ, hình ảnh dung tục, giả gái thô thiển...

Tìm đất sống cho giải trí trên truyền hình - Ảnh 3.

Không thể phủ nhận, sau một thời gian tạo hiệu ứng gameshow Việt đã qua thời hoàng kim và tình trạng thoái trào tất yếu sẽ xảy ra. Bởi thực tế những yếu tố mới, lạ trong các gameshow chỉ có thể thu hút được khán giả ở một, hai mùa đầu tiên, càng về sau, sức hút của chương trình càng giảm. Gameshow được Việt hóa nhiều nhất là tìm kiếm tài năng, những sân chơi mà người chơi là các nghệ sĩ. Điều này dẫn đến tình trạng các cuộc thi ngày càng vắng bóng thí sinh tài năng, các sân chơi "nhẵn mặt" một số nghệ sĩ tham gia.

Ngay cả đội ngũ giám khảo trong các sân chơi tìm kiếm tài năng cũng rơi vào tình trạng "khủng hoảng". Có nghệ sĩ một buổi tối xuất hiện cùng lúc ở vài ba chương trình trên các kênh sóng khác nhau.

Đi tìm yếu tố thuần Việt

Thực tế cho thấy, với các chương trình giải trí dù thành công đến đâu thì yếu tố "làm mới" luôn là điều kiện cần và đủ trong việc thu hút khán giả. Dẫn chứng về các cuộc thi âm nhạc trên truyền hình, nhạc sĩ Quốc Trung, giám khảo của chương trình Việt Nam Idol những mùa đầu tiên cho rằng đời sống âm nhạc hiện tại đã có nhiều thay đổi. Ngay tại nước ngoài, các gameshow cũng thoái trào, dần trở nên nhạt nhẽo, thiếu sức hấp dẫn.

Tìm đất sống cho giải trí trên truyền hình - Ảnh 4.

Các nhà sản xuất chương trình gameshow thuần Việt vẫn trong giai đoạn vừa làm vừa tìm tòi nên nhìn chung còn khá dè dặt

Không những vậy, việc phụ thuộc vào các phiên bản nước ngoài cũng đang dần làm cho chương trình gameshow "mất điểm". Trong khi đó, các nhà sản xuất chương trình gameshow thuần Việt vẫn trong giai đoạn vừa làm vừa tìm tòi nên nhìn chung còn khá dè dặt, chưa mạnh dạn đầu tư những format mới lạ. Hầu hết các đơn vị sản xuất vẫn đang có tâm lý "nghe ngóng", chờ đợi kiểm chứng về hiệu ứng khán giả cũng khiến nhà sản xuất chưa dám bứt phá. Một số chương trình vì e ngại thất bại nên vẫn bắt chước gameshow nước ngoài, do đó khi xem các gameshow Việt không khó nhận ra đâu đó bóng dáng của gameshow ngoại, từ cấu trúc của chương trình đến cách chấm của giám khảo, cách tham gia của người chơi. Chưa kể, với các gameshow "Made in Việt Nam" vẫn đang thiếu sự đột phá trong ý tưởng và độc đáo trong cách thể hiện. Dù cố gắng, có dấu ấn nhất định trong công chúng nhưng đa phần game show thuần Việt vẫn đứng sau trong cuộc đua với các chương trình "nhập khẩu. Thực tế cho thấy, đến nay chỉ còn một vài chương trình như Ai là triệu phú, Ðường lên đỉnh Olympia còn bền bỉ phát sóng, đa số chương trình khác đã dần thoái trào, có thời điểm "lép vế" hoàn toàn trước sự "xâm lấn" ồ ạt của gameshow ngoại.

Nhìn nhận về vấn đề này, theo nhà biên kịch Thanh Hương cho rằng, khán giả ngày nay rất tinh tường, nhận ra đâu là chiêu trò và sẵn sàng lên tiếng chỉ trích. Nhà sản xuất Việt thấy ai làm chương trình nào thành công thì làm theo ồ ạt, dẫn đến khán giả nhàm chán. Đây cũng là lý do gameshow đi xuống. Đó là chưa kể đến trường hợp "xào nấu", cố gắng tạo ra phiên bản khác của chương trình cũ nhưng làm không đến nơi cũng khó tạo sức hút cho khán giả. Tuy nhiên theo biên kịch Thanh Hương, gameshow vẫn là một "món ăn tinh thần" cần có của truyền hình, góp phần tạo sự đa dạng nhưng cần chất nhiều hơn lượng. Sự tinh tế, chuẩn mực và thu hút bằng sáng tạo hướng đến giá trị nhân văn, giải trí nhưng lịch sự, không phản cảm sẽ được lòng khán giả hơn.

Ảnh: Internet

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày