Tiêu chí phụ, điểm ưu tiên gây sức ép luyện thi, chạy điểm vào lớp 6

Hà Linh, Theo Tiền phong 15:12 26/05/2023
Chia sẻ

Khác với những trường công lập tuyển sinh đúng tuyến, một số trường chất lượng cao, trường nóng tuyển sinh đầu cấp đưa ra tiêu chí phụ, cộng điểm ưu tiên khiến học sinh bị áp lực điểm số, học thêm.

Hằng năm, Trường THCS &THPT Nguyễn Tất Thành có số lượng hồ sơ đăng ký tuyển sinh lớp 6 cao gấp nhiều lần so với chỉ tiêu tuyển sinh. Ví dụ năm ngoái, có hơn 3.764 hồ sơ đăng ký trong khi chỉ tiêu tuyển sinh là 240, tỉ lệ chọi 1/16. Trường này tuyển sinh toàn quốc và nhiều năm nay đưa ra phương thức tuyển sinh là thực hiện bài kiểm tra đánh giá năng lực cộng điểm ưu tiên.

Trong đó, điểm ưu tiên như: học sinh có chứng chỉ TOEFL Primary đạt 230 điểm được cộng 2.0 điểm; 229 điểm cộng 1.5 điểm; đạt 228 điểm cộng ưu tiên 1.0 điểm.

Tiêu chí phụ, điểm ưu tiên gây sức ép luyện thi, chạy điểm vào lớp 6 - Ảnh 1.

Học sinh tham gia thi tuyển lớp 6 vào một trong những trường tốp đầu Hà Nội năm 2022-2023

Học sinh cũng được cộng điểm nếu đạt giải trong các cuộc thi: Tin học trẻ cấp TP Hà Nội; giải Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp TP Hà Nội, giải Vô địch Toán đồng đội thế giới (Cộng 2.0 điểm nếu giải Nhất, 1.5 điểm nếu giải Nhì và 1.0 điểm nếu giải Ba).

Ngoài ra, các trường như: THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trường THCS Cầu Giấy, THCS Thanh Xuân… có điều kiện tuyển sinh là học bạ phải đẹp, trong đó điểm số thấp nhất là 8. Và nhiều trường tư khác cũng có tiêu chí phụ, tuyển thẳng.

Ví dụ như năm nay, Trường THCS Lê Quý Đôn quận Nam Từ Liêm tuyển thẳng học sinh vào lớp 6 nếu đạt giải thưởng trong các kỳ thi hoặc có chứng chỉ Tiếng Anh cũng như các thành tích khác như: Điểm TOEFL Primary Challenge tổng điểm 218 trở lên; điểm học bạ cao; giải kỳ thi Trạng nguyên Tiếng Việt, Trạng nguyên toàn tài… Học sinh không có giải thưởng để ưu tiên tuyển thẳng mới tham dự kỳ thi đánh giá năng lực.

Như vậy, để ghi danh vào các trường THCS tốp đầu, trường chất lượng cao tại Hà Nội, ngoài việc phải luyện thi ở các trung tâm, luyện thi với giáo viên thì phụ huynh còn rỉ tai nhau phải “làm đẹp” hồ sơ, học bạ bằng điểm số kiểm tra, đánh giá cuối năm cũng như tham gia nhiều kỳ thi khác nhau để lấy thành tích cộng điểm ưu tiên.

Kỳ thi 5 không

Trên thực tế, để ăn theo, chạy đua kịp các kỳ tuyển sinh của trường tốp đầu, nhiều lò luyện thi thúc giục học sinh đăng ký dự các kỳ thi lấy giải thưởng hay trung tâm tiếng Anh mời chào phụ huynh, học sinh tiểu học luyện thi chứng chỉ TOEFL Primary Challenge từ sớm.

Chị Đặng Thu Hồng, có con năm nay học lớp 4, Trường tiểu học Kim Liên cho biết, đăng ký cho con học tiếng Anh ở một trung tâm từ lớp 3 đến nay, giáo viên liên tục gửi tin nhắn mời phụ huynh đăng ký luyện thi để lấy chứng chỉ tiếng Anh với mức phí luyện, dự thi không hề rẻ. “Để đạt mức điểm cao, gia đình phải đầu tư từ sớm, nếu không sẽ bị trễ so với các bạn. Con ôn tập cả năm không bằng có chứng chỉ được cộng ưu tiên đến 2 điểm”, cô giáo dạy tiếng Anh thuyết phục chị Hồng.

Và một điều dễ nhận thấy, trong năm học, có rất nhiều kỳ thi mời chào phụ huynh đăng ký cho con tham gia thử sức. Nếu tham gia, phụ huynh sẽ phải đóng một khoản tiền cho luyện thi, phí tổ chức thi có khi lên tới cả triệu đồng. Thế nhưng, có học sinh cả năm dự trên dưới chục cuộc thi, sở hữu rất nhiều huy chương, giải thưởng các loại. Học ở trường làm sao đảm bảo bảng điểm đẹp như mơ, cộng thêm luyện thi, học thêm nhiều buổi/ tuần ở các trung tâm, liệu học sinh tiểu học ở TP lớn đang có bị quá tải về học tập và phụ huynh tốn kém tiền bạc không ít?

Bà Nguyễn Huyền Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) cho biết, hằng năm trường có chỉ tiêu tuyển sinh thấp. Như năm nay chỉ có 150 em và số lượng thí sinh đăng ký đến nay đã lên tới 2.400 em. Với số lượng thí sinh dự thi đông, nhà trường đã phải huy động lên tới hơn 300 cán bộ và sinh viên làm nhiệm vụ tổ chức thi tại 2 điểm thi. Công tác tổ chức và đón tiếp, tập huấn thí sinh trước kì thi đang được trao đổi kĩ lưỡng để đảm bảo giữ an ninh trật tự, an toàn và thuận tiện nhất cho các phụ huynh và học sinh.

Theo lý giải của Hiệu trưởng trường THCS Ngoại ngữ, sở dĩ trường không đưa ra tiêu chí phụ, cộng điểm ưu tiên hay xét học bạ nhằm giảm áp lực cho học sinh.

Theo bà Trang, ngay từ khi thành lập trường THCS Ngoại ngữ, Trường ĐH Ngoại ngữ đã chủ trương tổ chức kì kiểm tra đánh giá năng lực với mong muốn lựa chọn được những học sinh phù hợp với triết lý giáo dục của trường.

Bài kiểm tra, đánh giá năng lực bám sát theo hướng dẫn của Bộ, đảm bảo các kiến thức chủ yếu trong chương trình lớp 5 hiện hành, đảm bảo 4 cấp độ trong kiểm tra, đánh giá, đảm bảo phân loại được trình độ của thí sinh, đảm bảo tính chính xác, khoa học và sư phạm.

“Phương thức xét tuyển dựa trên những điểm số học bạ, hay các chứng chỉ, thành tích (tiêu chí phụ) đôi khi cũng tạo ra những áp lực cho học sinh trong quá trình chuẩn bị hồ sơ xét tuyển. Đối với hình thức kiểm tra đánh giá năng lực, trường muốn tạo ra một kì thi công bằng với 5 không đó là: không tuyển thẳng, không cộng điểm ưu tiên, không loại hồ sơ, không phân biệt vùng miền, không hạn chế số lượng thí sinh đăng kí. Hay nói cách khác là không có bất cứ ưu tiên nào từ 'Vạch xuất phát'", bà Trang nói.

Hiệu trưởng một trường THCS có tiếng khác nói, mục tiêu của các trường là tuyển được học sinh có năng lực do đó, việc đưa ra tiêu chí phụ, tuyển thẳng bằng các giải thưởng cũng không ngoài mục đích đó. Người này cũng thừa nhận, với tâm lý bằng mọi giá phải chọn trường cho con của nhiều phụ huynh, phương thức tuyển sinh vào lớp 6 hiện nay đang gây sức ép lớn cho học sinh, nhất là việc các em phải học thêm, luyện thi từ sớm.

Theo hướng dẫn tuyển sinh của Sở GD&ĐT Hà Nội, đối với các trường được TP công nhận trường chất lượng cao, tuyển sinh lớp 6 không theo tuyến; nếu có số học sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu sẽ thực hiện theo phương thức xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp kiểm tra, đánh giá năng lực.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày