Trong tập mới nhất của Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, 33 "Anh tài" được chia thành 8 đội để thể hiện 8 tiết mục có màu sắc khác nhau. Sau cuộc đua gay cấn, tiết mục Áo mùa đông & Trở về của đội Nhà Xương Rồng do Duy Khánh làm thủ lĩnh có cú "lội ngược dòng", vươn lên dẫn đầu và giành chiến thắng. Đáng nói, sau 1 tuần tạm hoãn phát sóng thì tiết mục nhạc Cách mạng của đội Duy Khánh trùng hợp được biểu diễn vào đúng Ngày Thương binh Liệt sĩ khiến khán giả càng thêm xúc động.
Tuy nhiên, mới đây trên mạng xã hội xuất hiện một bài đăng có tiêu đề gây phẫn nộ là "Lợi dụng lòng yêu nước để làm truyền thông và cái kết của Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai?". Theo đó, bài viết này cho rằng tiết mục Áo mùa đông & Trở về được biểu diễn vào đúng ngày 27/7 là một sự sắp xếp, chiêu trò để thu hút view. Ngoài ra, nội dung trong bài đăng này còn có ý so sánh view của tiết mục về nhất nhưng không bằng so với những đội khác và cả chương trình đối thủ.
Ngay lập tức, nhiều người tỏ ra bức xúc, phẫn nộ cho rằng đây là bài đăng có ý xuyên tạc, tạo làn sóng tranh cãi không đáng có. Trên thực tế, tập 4 không lên sóng đúng theo lịch dự kiến trước đó, việc được phát sóng vào kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ chỉ là trùng hợp. Vì thế, việc cho rằng chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai "lợi dụng" lòng yêu nước là hoàn toàn không thỏa đáng, sai lệch với diễn biến đơn thuần của sự việc.
Ngoài ra, trong bài viết gây phẫn nộ trên cũng chỉ trích việc Bùi Công Nam đánh đàn với thái độ vui tươi quá lố, Duy Khánh trang điểm đậm. Nhiều khán giả phản pháo để bênh vực, đây là tiết mục biểu diễn, việc nghệ sĩ cháy hết mình, chỉn chu hình ảnh để phục vụ công chúng là điều hết sức thông thường. Cảm xúc vui tươi chưa bao giờ là điều không đúng đắn với hình ảnh các chiến sĩ. Và việc trang điểm là điều không thể thiếu khi bước lên sân khấu hiện nay.
Trên hết, sau tiết mục Áo mùa đông & Trở về của đội Nhà Xương Rồng, khán giả được khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc và hiểu hơn về những gì ông cha ta đã trải qua trong thời chiến tranh - đó mới là giá trị cần được nhìn nhận.
Dưới bài đăng xuyên tạc này, tất cả các bình luận của khán giả đều bày tỏ bức xúc vì những quan điểm sai lệch, gượng ép và đầy tiêu cực này.
Các "Anh tài" đã lan tỏa giá trị nhân văn, lòng yêu nước và tự hào dân tộc qua cách dàn dựng phần trình diễn
Khi nhận đề bài là ca khúc Cách mạng, nhóm của Duy Khánh cho biết không thể thoải mái cách điệu mà phải xây dựng tiết mục dựa trên hoàn cảnh ra đời của bài hát. Để hiểu rõ hơn về ca khúc Cách mạng, nhóm của Duy Khánh đã "cầu cứu" NSND Tự Long. Dù bận rộn với tiết mục riêng nhưng NSND Tự Long vẫn dành thời gian ngồi lại, trò chuyện và chia sẻ về câu chuyện lịch sử, những năm tháng hào hùng của dân tộc. Trong buổi trò chuyện, Tự Long thổi bừng lòng yêu nước cho các "anh tài" khi mang đến câu chuyện về người lính thời chiến.
NSND Tự Long giải thích: "Người hậu phương luôn muốn gửi gắm cái đẹp, ấm áp ra tiền tuyến. Người ở trận tuyến có sức mạnh khi mặc áo được gửi từ hậu phương, cảm nhận được tình yêu của gia đình, làng quê, giúp họ chắc tay súng để diệt quân thù".
Theo Tự Long, người chiến sĩ vững chãi "ở nơi đầu sóng ngọn gió", nơi biên cương xa xôi, cái chết chỉ đến trong gang tấc. Tuy nhiên, khi được hơi ấm truyền qua áo, người chiến sĩ sẵn sàng đương đầu với thử thách, đối diện quân thù và chấp nhận hi sinh cao cả. NSND Tự Long nói trong tự hào: "Những tấm áo không chỉ là hơi ấm mà được thấm máu của người ra chiến trường, để màu cờ Tổ quốc luôn được đỏ tươi".
Khi nhận được sự góp ý từ Tự Long, thủ lĩnh của Nhà Xương Rồng là Duy Khánh cho biết như được truyền được cảm hứng mạnh mẽ, hiểu rõ hơn về những thời khắc lịch sử của đất nước. "Tôi thấy mình được khai sáng nhiều thứ, hình dung cảnh ông cha ta ngày xưa, thấy bản thân dâng lên niềm tự hào", Duy Khánh chia sẻ.