Dù là người đã có thâm niên đi làm, hay vẫn còn là một tấm chiếu mới trong thị trường lao động, chắc hẳn chúng ta đều từng trải qua cảm giác này: Giờ check-out đã điểm nhưng với mắt ra xa, thấy phòng sếp vẫn sáng đèn; quay sang bên cạnh, thấy đồng nghiệp vẫn đủng đỉnh ngồi đó, chưa có vẻ gì là sắp về. Thế là tự nhiên mình lại thấy… rén, đành ngồi thêm một lúc nữa, dù việc đã xong cả rồi.
Xét trên phương diện là người làm công ăn lương, đến giờ về là xách túi đi về, hay nói cách khác là chẳng mấy khi OT (Over Time - Tăng ca ngoài giờ), liệu có phải chuyện đáng trách, đáng bị chỉ trích?
Thử mang câu hỏi “bạn có hay OT không?” đi hỏi những bạn trẻ quanh mình, chúng tôi nhận được khá nhiều câu trả lời bất ngờ.
Tuấn Tùng (sinh năm 1999), hiện đang là một nhân viên dựng video cho một agency khẳng định chắc nịch: “Không bạn ơi, OT có được thêm tiền đâu mà ham”.
Công ty quy định giờ làm việc từ 8h30-18h hàng ngày, gần như ngày nào Tùng cũng về đúng giờ. Cũng có hôm cậu bạn ở lại công ty tới 19h-19h30 vì trời mưa, quá tắc đường, không về nổi nên chờ cho qua giờ cao điểm, tiện tán dóc với đồng nghiệp hoặc làm thêm được chút nào hay chút nấy, chứ không hẳn là vì muốn OT.
"Tính chất công việc của mình là không thể làm việc bằng laptop cá nhân được, chỉ có thể làm trên máy tính của công ty, đặt tại công ty thôi, vì file source quá nặng. Công ty 'khoán' luôn KPI cho nhân sự rồi, thích về đúng giờ hay OT đều được, không ai phàn nàn gì, miễn là hoàn thành KPI. Và cũng vì cố định KPI rồi nên nếu OT nhiều mà KPI không tăng thì lương cũng không tăng.
Thế nên trong 9 tiếng làm việc (không tính giờ nghỉ trưa), mình cố tập trung làm, ngày nào cũng thế thì cả tháng vẫn đủ KPI chẳng cần OT" - Tuấn Tùng giải thích cho việc bản thân không mặn mà OT.
"Bao giờ OT mà được tính tiền thì mình sẽ suy nghĩ tới việc ở lại công ty tới 9-10h tối", Tuấn Tùng nói
Thanh Hương (sinh năm 1995) cũng đồng quan điểm với Tuấn Tùng, dù tính chất công việc của cả hai không giống nhau. Hiện tại, Thanh Hương đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông - báo chí.
“Thi thoảng mình cũng phải OT nếu có sự kiện, tuy nhiên việc này cũng ít khi xảy ra, một phần vì tính chất công việc cho phép mình có thể làm ở bất cứ đâu chứ không nhất thiết là phải ngồi ở công ty. Trong giờ làm, tập trung làm thay vì lướt MXH, chat chit buôn chuyện, thì đến 17h30 là mình xong việc, mình đi về được rồi” - Thanh Hương chia sẻ và cho biết cô cũng không mặn mà với việc OT.
Thanh Hương: "Hạn chế rủ đồng nghiệp ăn vặt, uống trà sữa; bớt chat chit bàn chuyện thiên hạ trong giờ làm việc lại, là bớt phải OT!"
Trong khi đó, Minh Trang (sinh năm 1996) - đồng nghiệp của Thanh Hương, lại có câu trả lời hoàn toàn khác.
“Trước đây, mình hay OT lắm, gần như hôm nào cũng là người cuối cùng rời khỏi công ty. Có hôm 9h tối, bác bảo vệ lên nhắc, mình mới về” - Minh Trang chia sẻ và cho biết lý do duy nhất khiến cô OT là vì cứ phải đến đầu giờ chiều, cô mới “có hứng” làm việc.
Trang cũng tự nhận bản thân là người không biết quản lý thời gian, nên thành ra mới phải phụ thuộc vào “cảm hứng” để hoàn thành công việc.
“Hôm nào mà tối có hẹn đi ăn, đi chơi là mình có động lực làm việc lắm, còn không thì cả sáng mắt cứ díp lại đến qua giờ nghỉ trưa, mới tỉnh táo mà bắt tay vào làm. Đợt ấy mình hay OT vì kỹ năng quản lý thời gian kém thôi, chứ không có gì đáng tự hào đâu. Giờ thì khác rồi, hiếm khi mình OT lắm, vì thực ra có OT cũng không có được thêm tiền mà” - Minh Trang thừa nhận.
Không tăng ca ngoài giờ vì không được trả thêm tiền chỉ là một phần lý do khiến Tuấn Tùng, Thanh Hương và Minh Trang cứ đến giờ tan sở là xách túi rời khỏi công ty. Họ đều là những người trẻ, chưa lập gia đình nên hoàn toàn không có áp lực phải về sớm đón con, hay lo chuyện cơm nước.
Tiếp tục đặt ra thắc mắc với cách tận dụng quỹ thời gian sau giờ tan sở của bộ 3 nhất quyết nói không với OT này.
Minh Trang - Người từng OT gần như cả tuần vì cứ đến đầu giờ chiều mới “mở được mắt”, cho biết khoảng 1 năm trở lại đây, cô hiếm khi OT vì tối còn bận đi tập gym.
Minh Trang bày tỏ: "Trong giờ làm tập trung làm, để tối dành thời gian cho bản thân thì mình thấy ok hơn là OT không lương"
“Tối mình đi tập gym cùng bạn nên muộn nhất là 18h mình phải từ công ty về nhà rồi. Có một mốc giờ để phải hoàn thành các công việc như vậy, nên trong giờ làm việc mình phải tập trung hơn, không thể lơ mơ ngái ngủ đến đầu giờ chiều được nữa. Cố khoảng 2 tuần là quen, thấy việc đi làm đúng giờ, về đúng giờ để tối đi tập giúp mình vui và khỏe hơn hẳn” - Trang chia sẻ.
Với Thanh Hương, tối là thời gian dành cho các sở thích và các mối quan hệ cá nhân: "Một tuần mình đi học đàn 2 buổi, đây là sở thích cá nhân của mình thôi. Còn lại thì hẹn bạn bè đi ăn, đi cà phê cho vui. Nếu không có hẹn ai thì mình về nhà nấu cơm, ăn uống xong rồi đi ngủ. Ngủ cũng là một cách chữa lành của mình, thiếu ngủ 1 hôm hay mất ngủ 1 đêm là ngày hôm sau 'biết mùi' ngay, đau đầu, vật vờ không tập trung làm được gì cả".
Còn với Tuấn Tùng, buổi tối là thời gian mà Tùng tranh thủ đi học hoặc “cày” thêm job ngoài nếu có.
“Mình đang học dựng phim, vì ban ngày đi làm full-time rồi nên chỉ có thể học vào buổi tối thôi. Bản thân mình cũng không dám chắc tương lai có tìm được công việc dựng phim không, nhưng đó vừa là mục tiêu, vừa là đam mê của mình nên cứ học thôi, để đến lúc có cơ hội là mình đã có đủ kiến thức lẫn kỹ năng nắm bắt” - Tuấn Tùng chia sẻ.
Những gì mà Tuấn Tùng, Minh Trang hay Thanh Hương chia sẻ, đương nhiên, chỉ là một lát cắt rất nhỏ, nhưng có lẽ cũng phần nào cho chúng ta thấy được một sự thật: Đi làm về sớm chưa chắc đã là thiếu tính cống hiến, thường xuyên OT cũng chẳng đồng nghĩa với tăng trưởng hiệu suất làm việc.
Mỗi công việc, mỗi ngành nghề sẽ có một tính chất khác nhau với việc OT. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng nếu không có lương OT, nhân sự lấy đâu ra động lực để ở lại công ty làm việc tới tối muộn, thậm chí là đêm; nhất là khi họ còn có những sở thích riêng trong cuộc sống, và mục tiêu rất rõ ràng trong lộ trình phát triển sự nghiệp?
Ở lại công ty quá giờ không lương, hay cố gắng hoàn thành hết việc để về đúng giờ, dùng quỹ thời gian buổi tối chăm sóc bản thân, học hỏi phát triển kỹ năng. Bạn chọn cái nào?