18 năm làm tư vấn giáo dục gia đình, tiến sĩ Vũ Thu Hương - cựu Giảng viên Khoa giáo dục tiểu học ĐH Sư phạm Hà Nội, chuyên gia giáo dục độc lập đã rút ra được nhiều nguyên nhân trong việc nhiều bố mẹ không thành công trong việc dạy dỗ con. Theo nữ tiến sĩ, có 10 nguyên nhân như sau:
1. Quan niệm "trẻ em còn bé"
Vô vàn các bậc cha mẹ nghĩ con còn bé nên cần phải bao dung, không nên trách móc. Trách thì không nhưng vì bé không biết thì phải học hỏi. Nếu không dạy dỗ gì cho con, không xử lý khi con vi phạm, khi con "to xác" (không phải là trưởng thành mà chỉ lớn cơ thể thôi) rồi lúc đó có làm gì cũng đã quá muộn.
2. Dạy con hưởng thụ quá nhiều
Các cha mẹ thường nghĩ, nhà có khả năng, tội gì để con khổ. Vì thế, các bố mẹ thường cho con mọi thứ con muốn. Con gái tôi vẫn nói câu: "Điều kiện tốt nhất để 1 con người trưởng thành là không có điều kiện gì cả". Khi sống trong 1 hoàn cảnh buộc phải vươn lên, con người sẽ biết bứt phá, vươn xa. Còn khi mọi thứ đủ đầy, trẻ sẽ không thể có động lực phấn đấu. Trẻ sống quá sung sướng, sẽ không cảm thấy cần phải làm gì.
3. Quan niệm "Không được phạt trẻ, phải dỗ dành"
Pháp luật có quy định phạt những trường hợp vi phạm, nếu trẻ không được học về hình phạt, trẻ làm sao có ý thức kỉ luật và cao hơn là ý thức pháp luật?
Trẻ thích thì làm, không thích thì nghỉ, như vậy sẽ càng ngày càng phá phách, gây chuyện thay vì học hành và vui chơi trong khuôn khổ cho phép. Hình phạt không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của trẻ thì rất nên sử dụng.
4. Không làm gương
Các bố mẹ có để ý thấy trẻ hiện nay nói trống không và tục tĩu rất nhiều không? Điều này cũng vì hiện giờ số người lớn nói tục cũng "đông như quân Nguyên", từ trên mạng đến ra ngoài đời. Từ trong nhà đến ra ngõ.
Thường thì trẻ sẽ học theo bố me. Nếu bố mẹ nghiêm túc, nói năng lịch sự, lễ phép, các con cũng có xu hướng như vậy. Dù có thể vài lúc trong đời, các con nói bậy nhưng không nhiều.
5. Nói mà không làm
Dọa cho nó sợ - một phong cách dạy con hết sức quen thuộc của các cha mẹ. Điều này làm cho trẻ nhờn. Trẻ chẳng sợ những lời dọa nạt đó, nếu được nghe lời dọa nạt đến lần thứ 3 mà không thấy thực hiện. Vì thế, nói ít thôi cha mẹ ạ, thay vào đó hãy hành động.
6. Luôn đi theo giải quyết hậu quả cho con
Các cha mẹ thường nghĩ "Con dại thì cái mang". Con làm thì mình chịu. Nếu con chẳng bao giờ phải chịu hậu quả thì sao biết lo, biết sợ mà rút kinh nghiệm? Cho con chịu hậu quả từng việc nhỏ sẽ khiến con biết giới hạn của mọi việc mà tránh gây ra những hậu quả lớn hơn.
7. Nói quá nhiều
Một điều hết sức kì lạ là các bố mẹ cho rằng: "Cần phải nói cho nó hiểu". Trẻ nhỏ thường hạn chế trong việc nghe hiểu dù đó là tiếng mẹ đẻ. Lớn lên, các con cũng không kém đến mức không thể hiểu nếu không được bố mẹ nói, các con luôn có khả năng cảm nhận rất tốt mọi thứ.
Điều các con học hỏi là từ hành động của cha mẹ chứ không từ lời nói. Cha mẹ càng nói nhiều, càng không dạy được con. Vì thế, thay vì nói, hãy hành động.
8. Con xin gì cho nấy
Lòng tham con người là vô đáy, các bố mẹ à. Nếu con đòi là có thì các con sẽ đòi suốt và sẽ đến lúc cha mẹ không đáp ứng nổi.
9. Làm hộ con mọi việc
Các cha mẹ hay nghĩ việc này mình làm nhanh mà. Con làm bừa, bẩn, dọn dẹp thêm khổ. Vì thế, cha mẹ bỏ lỡ cơ hội dạy con kĩ năng sống. Con sẽ không linh hoạt, khéo léo và có nhiều khả năng phát triển tính ích kỉ.
10. Quan niệm con cần bố mẹ giảng bài nhắc bài
Các bố mẹ luôn nói, ở lớp cô có quá nhiều học sinh, không thể nào bao quát hết được. Vậy nên bố mẹ phải giảng cho con. Từ đó con sinh tính ỉ lại, không tự giác, lười suy nghĩ.
Sau này lớn lên, con cũng lười làm, ỉ lại, hay đổ lỗi.